Hà Nội: Công trình đe dọa sức khỏe người dân không chỉ có Rạng Đông

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
TPO - “Không chỉ công trình như nhà máy Rạng Đông vừa rồi mà còn nhiều công trình sản xuất nằm trong khu dân cư, ví dụ trong cả dãy nhà có người dân kinh doanh sang chiết gas, rồi buôn bán vật liệu dễ cháy, nổ...”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị thực hiện nghiêm việc di dời các công trình ra khỏi khu đô thị, khu dân cư theo yêu cầu của Thủ tướng.

Vi phạm phải “cắt, tháo dỡ, phá bỏ”

Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Quan tâm tới việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi, trong tất cả các điều khoản, từ quy trình, thẩm định, xin giấy phép...quy định trong luật này có đảm bảo việc giảm các thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm như nêu trong báo cáo không?

Theo bà Hải, doanh nghiệp nói, làm một công trình xây dựng nhà ở khoảng 200 tỉ, lãi suất vay 1,5% thì mỗi ngày phải trả cả trăm triệu tiền lãi. Việc phải chờ đợi giấy phép, tiền lãi đó đổ vào giá thành công trình, rồi người dân phải gánh chịu. Từ thực tế đó, bà đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo rà soát, đặc biệt là điều 89 về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng, làm sao rút ngắn được quy trình, thời gian nhưng vẫn đảm bảo trật tự đô thị và quy định khác.

Trưởng ban Dân nguyện cũng phản ánh và bản thân người dân cũng băn khoăn, khi công trình người dân xin phép thì vô cùng khó khăn, nhưng có những công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại. “Người dân tâm tư, băn khoăn, mất lòng tin, không hiểu tại sao lại như vậy. Có hiện tượng mà nhiều đại biểu đã nêu là tình trạng phạt cho tồn tại. Tôi cũng mong muốn trong luật này đưa ra nguyên tắc, không để phạt cho tồn tại. Phạt theo quy định rồi thì phải xử lý, phải cắt, thậm chí tháo dỡ, phá bỏ nếu nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, bà Hải đề nghị.

Bên cạnh đó, bà Hải cũng phản ánh lo lắng của cử tri về công trình xây dựng xen kẹp trong khu dân cư, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân. “Không chỉ công trình như nhà máy Rạng Đông vừa rồi mà còn nhiều công trình sản xuất nằm trong khu dân cư. Ví dụ trong cả dãy nhà có người dân kinh doanh sang chiết gas chẳng hạn, rồi buôn bán vật liệu dễ cháy, nổ... Tôi đọc dự thảo chưa thấy điều nào quy định rõ việc cấm quy định công trình dự án kinh doanh, sản xuất ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Đối với công trình đã có phải thực hiện nghiêm theo Nghị định 130 của Thủ tướng trong việc di dời các công trình này ra khỏi khu đô thị, khu dân cư”, bà Hải đề nghị.

Hà Nội: Công trình đe dọa sức khỏe người dân không chỉ có Rạng Đông ảnh 1 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Làm rõ tình trạng “rút ruột công trình”

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng ý với quan điểm sửa cái gì và sửa ở mức độ nào khi Luật Xây dựng mới có hiệu lực từ năm 2015, đến nay mới được 4 năm. Nêu băn khoăn về tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua, bà Nga viện dẫn báo cáo khẳng định “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”, nhưng 2018 lại không nói giảm bao nhiêu phần trăm, lại nêu con số về các công trình kiểm tra được, vậy không rõ có giảm không? Do vậy phải đánh giá cho đúng thì mới biết được sửa cái gì, sửa điểm nào.

Bà Nga đề nghị Bộ Xây dựng nêu rõ tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ nào? Công trình xây dựng không phép và sai phép mức độ ra sao? Những vi phạm đó có đúng như ở một số thành phố và một số vụ án đã khởi tố trong thời gian qua? Uỷ ban Tư pháp nhận định, có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện. Cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp. Có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền?

Liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm, theo bà Nga, không phải chỉ ở Bộ Xây dựng mà còn có cả các địa phương. Bên cạnh đó, trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, vấn đề đặt ra là hiện nay có một số vụ án muốn xử lý hình sự phải có yếu tố xử lý hành chính. Nhưng bây giờ không tìm được vì có xử lý hành chính đâu?

“Các đại biểu trước nói rồi, trong lĩnh vực xây dựng thì chỉ đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà dân là có người đến ngay. Thế nhưng với những công trình lớn như các đại biểu nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu? Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào? Chúng tôi đề nghị nói rõ trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể. Trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương, từ đó mới tính sửa những điều về quản lý nhà nước”, bà Nga nói.

Một điểm nữa được bà Nga nhấn mạnh yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN là phải chống tham nhũng trong chính các lực lượng PCTN, trong đó có các lực lượng thanh tra chuyên ngành, các cơ quan tư pháp. “Chúng tôi có kiến nghị Bộ Xây dựng chấn chỉnh lực lượng thanh tra chuyên ngành về xây dựng từ những sự kiện thời gian qua (vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ - PV). Như vậy luật này có giải quyết gì trong vấn đề đó không?”, bà nêu.

Một điểm khác, theo đại biểu là chất lượng công trình, đặc biệt với những công trình đầu tư công, công trình của nhà nước làm thường rất lâu, nhưng xuống cấp rất nhanh. Bà đề nghị đánh giá thực trạng này, đồng thời làm rõ việc “rút ruột công trình” ra sao.

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, những vi phạm của lực lượng thanh tra chuyên ngành vừa qua đã bị xử lý nghiêm theo quy định. Về các công trình vi phạm, ông cũng khẳng định, không cho phép “phạt cho tồn tại”, nếu sai phép phải khôi phục theo đúng giấy phép được cấp ban đầu.

MỚI - NÓNG