Ngày 20/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 5/7 đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện các chùm ca bệnh có số lượng ca mắc lớn.
Cụ thể, từ ngày 5/7/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt là còn 9 chùm ca bệnh phức tạp tại các địa chỉ: Huyện Đông Anh; 90 Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa); Tân Mai (Hoàng Mai); Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, số 565 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); số 132 Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng); B6 Trại Găng, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); nhà thuốc Đức Tâm, Láng Hạ (quận Đống Đa); xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) và chùm ca bệnh liên quan đến những người về từ thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố hiện còn 45 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện.
Từ ngày 29/4/2021 đến nay, thành phố đã lấy 272.413 mẫu xét nghiệm PCR -Realtime; rà soát 10.663 người về từ thành phố Hồ Chí Minh; xét nghiệm cho 130 lái xe, phụ xe đường dài…
Thành phố đã phê duyệt phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh cách ly điều trị cho người bệnh COVID-19, đang xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh và cao hơn nữa; thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận, huyện, thị xã; giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thành lập thêm cơ sở cách ly để nâng công suất lên 40.000 chỗ..
Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thành phố đã tiêm được 211.028 mũi cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân và các đối tượng ưu tiên.
Hà Nội đã thực hiện rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho 10.249 người tại các khu vực có nguy cơ cao (công nhân làm việc tại các Khu công nghiệp; người làm dịch vụ vận tải, tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh; bảo vệ, nhân viên vệ sinh). Kết quả tất cả đều âm tính.
Rà soát, xác định được 10.663 người về từ TP Hồ Chí Minh từ ngày 23/6/2021, đã lấy mẫu xét nghiệm cho 9.042 người, kết quả: 19 dương tính, còn lại âm tính.
Nguy cơ rất cao, khó lường
Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ về dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường. Lý do, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thông, có sự giao lưu rất lớn với các địa phương. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện các ca bệnh xâm nhập từ các địa phương có dịch vào Hà Nội rất cao.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, có thể các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện.
Vì vậy, trong thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chiến lược phòng chống dịch của thành phố đó là 5K + vắc xin.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các tỉnh, thành phía Nam, thành phố tiếp tục ban hành Công điện tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay. Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, hạn chế tối đa việc di chuyển đến các vùng dịch và các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp... tại các tỉnh, thành có dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, không để bùng phát thành dịch lớn.
Sàng lọc nguy cơ trong cộng đồng
Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố cũng đã tính đến kịch bản để đáp ứng với tình huống khi dịch bệnh bùng phát lan rộng, cụ thể: Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung F1 để có thể tiếp nhận ít nhất 1.000 trường hợp/quận, huyện; đảm bảo công tác 4 tại chỗ.
Đảm bảo an sinh xã hội trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; Rà soát các địa điểm, cơ sở vật chất của các cơ sở dân sự để thiết lập các bệnh viện dã chiến sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng và số lượng bệnh nhân lớn.
Tăng cường xét nghiệm đối với những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...) khi đến các cơ sở khám chữa bệnh hoặc mua thuốc tại các nhà thuốc để chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc và kịp thời khoanh vùng xử tri dịch. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực, cơ sở có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch về Hà Nội và ngược lại. Duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào TP. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công công xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn TP.
Siết chặt công tác phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại các cơ sở cách ly tập trung F1 nhằm không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cơ sở cách ly cũng như không để lấy từ các cơ sở này ra cộng đồng.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khế xuất; thường xuyên kiểm tra đôm đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn.
Yêu cầu các doanh nghiệp tuyên truyền sâu rộng cho công nhân và các biện pháp phòng chống dịch, gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch; toàn bộ các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trong các Khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp chỉ hoạt động khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng tại địa phương như Công an khu vực và Tổ Covid cộng đồng nắm chắc tình hình di biến động dân cư, đặc biệt là quản lý chặt chẽ người về từ các vùng có dịch, nhất là người về từ các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp để tiến hành áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Ngành Y tế phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm vaccine theo các đợt phân bổ của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng đối tượng: Nâng cao năng lực xét nghiệm, sẵn sàng triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tiếp tục xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19.
Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và chính quyền các cấp thành lập các đoàn kiểm tra để tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.