Ở những điểm công cộng, xe phun thuốc diệt muỗi chuyên dụng của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội xuất hiện khắp các ngõ phố để dập dịch. Tuy nhiên, chiến dịch này gặp trở ngại không nhỏ khi thời tiết Hà Nội liên tục mưa. Các bệnh ăn theo mùa mưa trong đó nổi bật là sốt xuất huyết có cơ hội gia tăng khiến bao nhiêu gia đình lo lắng vì số lượng người bệnh tăng lên từng ngày, từng giờ… Những trận mưa lớn, diễn ra nhanh; Nhiệt độ thay đổi nhanh chóng (giữa ngày và đêm, giữa các ngày) cùng khí hậu ẩm ướt… Điều kiện khí hậu này tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng nhiều hơn, loăng quăng, bọ gậy phát triển… nên có nhiều khả năng phát triển các bệnh dịch.
Những ngày qua, Hà Nội mưa rả rích, lượng mưa mới chỉ ở mức trung bình nhưng nhiều “điểm đen” trong thành phố đã bị ngập. Vòng quay “mưa ngập, nước rút lại mưa ngập” trong thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát, làm người dân mệt mỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, phun hóa chất chỉ diệt được muỗi mang mầm bệnh, nếu không duy trì diệt bọ gậy thì sau 2 tuần lại có. Quan trọng nhất vẫn là diệt bọ gậy. Do đó, Bộ trưởng tiếp tục yêu cầu Hà Nội tập trung phun chợ, các phòng khám đa khoa, các bệnh viện, rạp chiếu phim, nơi biểu diễn nghệ thuật tập trung đông người- nơi công cộng tập trung đông người.
"Khi phun phải hướng dẫn cán bộ phun đề nghị người dân mở cửa để hóa chất vào nhà và tập huấn cho lái xe phải phun theo chiều gió. Phun cả trong nhà và ngoài hiện trường để diệt cả muỗi cái và muỗi đực"- Bộ trưởng nhấn mạnh
Toàn thành phố thống kê được khoảng 18 điểm úng ngập nằm trên các trục đường giao thông quan trọng và khoảng 170 điểm ngập úng nhỏ ở các ngõ xóm nhỏ. Ở nhiều điểm ngập lụt, nước thải, rác thải, vùng nước đọng là môi trường thuận lợi để muỗi và virus sinh sôi, nguy cơ truyền bệnh là rất cao.Không ít cư dân phản ánh, việc cơ quan chức năng vừa tiến hành phun thuốc hôm nay thì ngay hôm sau đã thấy có muỗi bay vo ve trong nhà. Ông Hà Tấn Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, thuốc phun muỗi chỉ diệt tức thì con muỗi đang hoạt động, nhưng chỉ vài tiếng sau, hơi thuốc phát tán hết. Sau thời điểm đó bọ gậy nở ra muỗi thì nhà lại có muỗi vì thuốc không diệt được trứng hay bọ gậy.
Số lượng bệnh nhân điều trị do sốt xuất huyết liên tục tăng tại khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Ngoài ra, trong môi trường có hai loại muỗi, một là loại muỗi gây sốt xuất huyết thường chủ yếu hoạt động ban ngày và một loại muỗi gây bệnh viêm não, sốt rét… lại hoạt động ban đêm. Do vậy, ban ngày loại muỗi này bay ra ngoài, đó cũng là thời điểm chúng ta phun thuốc nên loại muỗi này không chết. Tối đến, khi chúng ta mở cửa sổ thì muỗi lại bay vào nhà. Mỗi loại muỗi truyền một loại bệnh khác nhau và có tập tính hoạt động khác nhau.
Tại cuộc họp vào cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội đã họp giao ban với các quận huyện, sở ngành liên quan, Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành phố cho phép phun hóa chất bằng máy phun cỡ lớn trên ô tô vào cả ban ngày chứ không chỉ phun ban đêm. Bởi, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động chủ yếu trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ sáng.
Sáng 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cùng tham gia với Đoàn, về phía Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý- phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.
Từ tuần trước, Hà Nội đã tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ ( đỏ, da cam, vàng), căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus...
Hiện 12 quận, huyện của Hà Nội vẫn ở trong mức báo độ đỏ về sốt xuất huyết. Một số quận, huyện vẫn là điểm nóng sốt xuất huyết với số ca sốt xuất huyết cao: Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân... tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố.