Hà Nội 'cấm' Sở Xây dựng gia hạn cho các lò gạch đơn lẻ

Nhõng lò gạch không phép hoạt động trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Nhõng lò gạch không phép hoạt động trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
TPO - UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm tổng hợp, đề xuất báo cáo với thành phố trong tháng 11/2016 để thống nhất giải quyết chung về các lò gạch thủ công, lò gạch nung trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố yêu cầu Sở này không báo cáo đề xuất UBND thành phố xử lý gia hạn đối với các lò gạch đơn lẻ.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6199/UBND-ĐT cho ý kiến về hoạt động chung của các lò gạch thủ công, lò gạch nung theo công nghệ không khói trên địa bàn thành phố. Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được các văn bản của Sở Xây dựng về việc gia hạn thời gian sản xuất gạch của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa tại xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn và của UBND huyện Phúc Thọ về việc xin gia hạn đối với các lò gạch nung theo công nghệ xử lý khói không gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Về việc trên, UBND thành phố chỉ rõ, trên cơ sở Quyết định số 1469/2014/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 14/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc sử dụng vật liệu xây không nung.

Về việc trên, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì làm việc cụ thể với các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã hiện đang còn tồn tại các loại hình lò gạch đốt thủ công trên địa bàn thành phố: Tổ chức kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả hoạt động của các lò gạch nung theo công nghệ nung, có xử lý khói không gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các quận, huyện; phân loại, đánh giá (lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng...), mức độ ảnh hưởng, mức độ gây ô nhiễm....

Đồng thời, đề xuất cụ thể những giải pháp để thực hiện (đề xuất để tồn tại, gia hạn hoặc phải phá dỡ theo quy định) và kế hoạch xóa bỏ các lò gạch thủ công, các lò gạch nung theo công nghệ không khói gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn những năm tiếp theo, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND thành phố. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND thành phố trong tháng 11/2016 để thống nhất giải quyết chung trên địa bàn thành phố (không báo cáo đề xuất UBND thành phố xử lý gia hạn đối với các lò gạch đơn lẻ).

Trước đó, như Tiền Phong phản ánh liên quan đến việc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tạm đình chỉ công tác cán bộ được cho liên quan tới việc“bảo kê” lò gạch không phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết hiện chưa có lò gạch nào được cấp phép xây dựng.

Ngày 15/3, tại buổi làm việc với phóng viên Tiền Phong, Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, trước năm 2013 trên địa bàn Sóc Sơn có hơn 600 lò gạch các loại tập trung chủ yếu tại các ở các xã vùng sâu, vùng xa như Bắc Sơn, Hồng Kỳ (giáp với tỉnh Thái Nguyên), Tân Minh, Bắc Phú…. Đến năm 2013, khi có chỉ đạo của  thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công và đã xóa xong 524 lò gạch thủ công rồi. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành xóa bỏ các lò gạch thủ công thì một số trường hợp người dân lại tự chuyển đổi, tự ký hợp đồng với các đơn vị cấp dây truyền công nghệ lò sản xuất gạch.

Những lò này trong đó chủ yếu là lò úp vùng không phải dạng thủ công để đưa khói nhả lên cao. Chính vì thế vào thời điểm đó không phá dỡ được những lò này vì nó không có trong danh mục. Trên sơ sở báo cáo đề xuất của Sở Xây dựng cho phép những lò úp vung tồn tại đến hết năm 2016 và UBND huyện Sóc Sơn cũng chỉ đạo cho phép tồn tại đến hết tháng 10/2016.

“Trong 57 lò gạch còn tồn tại trên địa bàn hiện nay, qua quá trình xác định đây là các công trình xây dựng không phép, kể cả 524 lò gạch trước đây bị xoá bỏ cũng đều không phép”, vị lãnh đạo Phòng Quảng lý đô thị cho biết.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cũng cho biết, về mặt cấp phép xây dựng là do Sở Xây dựng (theo Thông tư số 10 đối với công trình có chiều cao trên 20m-cột khói-pv), còn về mặt quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn là do lực lượng thanh tra xây dựng.

Được biết ngoài 57 lò gạch đang tồn tại thì cuối năm 2015 và đầu năm 2016 lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn đã báo cáo có xuất hiện thêm 2 cái mới nhưng đã chính quyền đã ngăn chặn kịp thời.

MỚI - NÓNG