Hà Nội: Bé 3 tuổi bị chó pitbull cắn gãy xương, nát đùi

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Bệnh nhi là Nguyễn T.H.Y, 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng hoang mang, hoảng sợ sau khi bị tai nạn chó cắn. Bệnh nhi Y bị rất nhiều vết thương phần mềm ở đùi trái, có kèm theo gãy xương kín.

Theo lời của chị H, mẹ bé Y, trong lúc bé Y đang đi xe đạp trẻ em ở ngoài cổng nhà, bất ngờ con chó nhà hàng xóm giật đứt xích xông ra. Khi cháu bé xuống xe đạp đi về phía mẹ, thì con chó xông vào tấn công. Chị H. vừa chộp lấy con vừa kêu cứu xung quanh nhưng con chó dữ nhất định không nhả cháu ra.

Chị H. nhớ lại: “Bác chủ nhà có con chó cũng ra hỗ trợ, kéo con chó lại, nhưng con chó vẫn không nhả con”. Những người xung quanh nghe thấy tiếng kêu cứu của chị, người mang dao, người mang cuốc ra hỗ trợ con chó mới nhả cháu bé ra. Vẫn chưa hết hoảng sợ về giây phút đối mặt với con chó dữ, chị H cho biết: “Lúc đó em rất sợ, nhưng con chó rất dữ, không làm cách nào cho nó nhả ra. Hai bên giằng co nhau, em giữ con bé còn mọi người kéo con chó, nên nó cắn và nhay con em một lúc lâu, bé mới bị nhiều vết thương như vậy…. Bác sĩ đã phải tiêm phòng dại cho cháu” .

BS điều trị cho bệnh nhi Nguyễn T.H.Y cho biết, bé Y nhập viện tại Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng hoang mang, hoảng sợ sau khi bị tai nạn chó cắn. Bệnh nhi Y bị rất nhiều vết thương phần mềm ở đùi trái, có kèm theo gãy xương kín.

Những vết thương do chó cắn cháu rất nhiều và phức tạp, vết cắn ngắn nhất dài 3cm, dài nhất là 10cm, bờ nham nhở, có gãy kín 1/3 dưới đùi trái. Các bác sĩ của BV Xanh Pôn đã tiến hành cấp cứu cho cháu, mổ cắt lọc vết thương, khâu cầm máu, cố định xương bằng nẹp bột.

Dự kiến trong vài ngày nữa khi vết thương ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành ghép da tự thân cho cháu ở những phần da bị thiếu hụt.

Hà Nội: Bé 3 tuổi bị chó pitbull cắn gãy xương, nát đùi ảnh 1
  • Khi trẻ bị chó cắn, nếu vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vacxin phòng dại kịp thời. Ảnh minh hoạ: Internet

Sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn

Làm sạch: điều quan trọng trước tiên là làm sạch vết thương do chó cắn. Bạn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng chứ đừng chà xát mạnh.

Thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, bạn có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn. Hãy thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì nó sẽ rất xót.

Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, bạn cần giơ cao vùng bị thương lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.

Cầm máu: Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này bạn nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Và chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương.

Trong trường hợp nếu vết thương sâu và trẻ bị ra nhiều máu, máu phun thành tia bạn dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.

MỚI - NÓNG