Nhiều người dân cho rằng, quy định chặt để phòng dịch là tốt, tuy nhiên cần linh động, sáng tạo, không nên đóng cửa nhà hàng, dịch vụ trên toàn thành phố. “Nếu cứ tiếp tục yêu cầu bán hàng mang về, chắc cửa hàng của chúng tôi không tồn tại được vì doanh thu gần như không có”, một chủ cửa hàng cà phê trên phố Bà Triệu chia sẻ.
Hàng quán lo phá sản
Những ngày qua, ghi nhận trên các tuyến phố cổ, và các trục đường chạy vào trung tâm Bờ Hồ như phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Bông, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… nơi trung bình giá thuê mặt bằng cửa hàng kinh doanh từ 60 đến 100 triệu đồng/tháng cho diện tích khoảng 50m2, tất cả các cửa hàng kinh doanh tại đây phải đóng cửa, dán niêm phong.
Chiều 18/6, mọi chuyển động trên phố Huế vẫn bình thường nhưng các cửa hàng hai bên đóng kín cửa. Anh Hà, một chủ cửa hàng thời trang tại đây cho biết, lần đóng của này là thứ 4 trong 2 năm qua. “Tuy hàng không bán được nhưng tiền thuê nhà và lương người lao động mỗi tháng khoảng 80 triệu đồng vẫn phải trả bình thường. Tất cả các khoản tiền tích lũy của tôi từ trước đến nay chỉ chống chọi được đến đợt dịch thứ 3, đợt dịch thứ 4 này tôi đang phải đi vay để cầm cự, nhưng cửa hàng cứ đóng thế này không biết tôi cầm cự được bao lâu”, anh Hà trải lòng.
Kể từ ngày 25/5, Hà Nội yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ăn, uống chỉ được bán hàng mang về. Từ thời điểm đó, quán miến lươn khá nổi tiếng trên phố Tuệ Tĩnh niêm yết bảng thông báo ngay ngoài cửa, chuyển toàn bộ hoạt động sang phục vụ bán hàng mang về. “Lượng hàng bán được giảm nhiều. So với trước đây có lẽ chỉ được khoảng 1/4. Quán bình thường có 8 nhân viên, nhưng giờ mình cho về quê hơn một nửa. Cửa hàng bán mang về, nhưng mặt bằng thì vẫn phải thuê”, chủ cửa hàng nói.
Với các cửa hàng cắt tóc, tình hình còn khó khăn hơn, vì phải đóng cửa hoàn toàn. Một chủ hiệu cắt tóc trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, cửa hàng dừng hoạt động khiến anh gặp nhiều khó khăn, dù chủ nhà có nói sẽ hỗ trợ giảm giá thuê cửa hàng, nhưng cũng chưa biết thế nào. “Cửa hàng đóng cửa nên tôi phải lấy tiền túi ra bù lỗ. Hy vọng trong thời gian tới không phát sinh thêm các ca bệnh để mọi thứ được trở lại bình thường”, anh nói.
Với quy định không chở quá 50% số ghế, vận tải hành khách liên tỉnh mấy tháng qua cũng tê liệt, các bến xe vắng như sân bóng bỏ không vì xe khách dừng hoạt động. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với quy định trên, dù không cấm nhưng không nhà xe nào dám chạy vì để đủ chi phí một chuyến đi cần ít nhất 70% khách.
Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, siết chặt các quy định để khống chế, phòng dịch là rất cần thiết. Việc này khi dịch bùng phát diện rộng thì cần phải thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, bà An cũng cho rằng, khi dịch đã giảm, và chỉ còn xảy ra cục bộ, ở trong các khu cách ly thì lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng phải linh động, sáng tạo phòng chống dịch trong tình hình mới, từ đó có những điều chỉnh các quy định cho phù hợp theo khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế, tránh hạn chế dịch vụ cực đoan trên địa bàn rộng toàn thành phố.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách Hà Nội cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh ở thành phố đã chuyển sang giai đoạn mới, do vậy thành phố cần đánh giá lại mức độ ảnh hưởng và xác định phải sống chung với dịch. Sống chung ở đây là nới lỏng các quy định để thành phố dần dần trở lại nhịp sống bình thường, cùng với đó yêu cầu người dân thực hiện tốt quy định của Chính phủ, Bộ Y tế trong đó có khuyến cáo “5 K”.
Ông Thông đề nghị, thành phố cần phòng chống dịch chủ động, không nên áp dụng các công thức máy móc. Với quy định tập trung đông người thì chỉ nên áp dụng ở khu vực tĩnh (hội trường, hàng quán, khu vui chơi, sinh hoạt công cộng) còn khu vực động (trên tàu, xe) thì nên bỏ vì nó không có nhiều hiệu quả, lại làm tê liệt lĩnh vực vận tải.
Sẽ sớm nới lỏng một số loại hình kinh doanh
Chăng dây, dựng barie khóa chặt công viên, bờ hồ Hà Nội hơn một tháng nay |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 18/6, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, vừa qua, thành phố Hà Nội đã cho chủ trương, sau khi đánh giá nguy cơ, có lộ trình nới lỏng một số biện pháp. “Có lẽ sang tuần sau thành phố sẽ cân nhắc thời điểm nới lỏng một số loại hình, xem loại hình nào mở trước, loại hình nào mở sau.
Bởi vừa rồi có xuất hiện thêm F0 ở Đông Anh, Sóc Sơn, Long Biên nên cũng vẫn phải cân nhắc. Thứ hai là tình hình dịch bệnh ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, công nhân ở Bắc Ninh, Bắc Giang đang được vận chuyển về. Nhưng chắc là sang tuần sau sẽ mở dần”, ông Hạnh chia sẻ, đồng thời cho biết, thông tin chính thức sẽ do Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố quyết định.
Về biện pháp cần thực hiện khi nới lỏng các loại hình kinh doanh, ông Hạnh khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện theo quy định phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, nhưng quan trọng nhất là giải pháp vắc-xin. “Phải có vắc-xin thì mới giải quyết được căn bản vấn đề. Bộ Y tế đã thông tin về việc đàm phán mua vắc-xin. Nếu từ nay đến cuối năm thực hiện được tiêm vắc-xin cho 70% dân số sẽ tạo ra được miễn dịch cộng đồng, lúc đó sẽ yên tâm hơn”, ông Hạnh nói thêm.