Chị nói gì khi phong cách mặc của mình gây phản cảm cả trên sân khấu lẫn ở các sự kiện?
Tôi thấy bản thân mình không có gì bất cẩn. Trong một chương trình sôi động, nhiều người trẻ như đêm nhạc Rock tối 3/5 ở Huế, tôi buộc phải chọn trang phục sao cho thật trẻ trung, phù hợp với chủ đề chứ chẳng lẽ lại mặc váy dạ hội hay áo dài lên sân khấu. Hôm đó, đang hát Rock dở, thấy khán giả hứng khởi, tôi mới hát ngẫu nhiên nhạc Trịnh. Lúc đó, tôi nghĩ đến những người đã mất, cảm xúc không dừng được thì chọn bài Phôi pha. Chuyện trang phục không hề được tính đến.
Tôi không biện minh cho bản thân trong chuyện này. Tuy vậy, tôi không hiểu vì sao mọi người lại có ý nghĩ về chuyện hát nhạc Trịnh thì phải mặc gì. Tôi hiểu đó giống như một tượng đài về nghệ thuật với nhiều khán giả nhưng cũng không cần phải đến mức "thần thánh hóa" như thế. Nên nhớ nhạc Trịnh có thể hát ở bất kỳ đâu, từ trong phòng tắm, quán cà phê nhỏ đến sân khấu lớn. Với lại, khi hát, tôi đã khiến cho tâm hồn mình trở nên trần trụi trước khán giả rồi. Với giọng hát trần trụi như thế, mọi người còn soi quần áo làm gì?
Tôi nghĩ với nền nghệ thuật Việt Nam, công chúng còn quá quan tâm đến hình thức. Khi tôi béo, chẳng ai thèm gọi diễn show. Rồi đến lúc cơ thể thon gọn hơn thì các nhà tổ chức lại mời tới tấp.
Nếu nói chị lợi dụng scandal về trang phục để đánh bóng tên tuổi thì chị sẽ trả lời thế nào?
Ai thích nói gì thì nói, tôi kệ. Nếu muốn đánh bóng, tôi không thiếu gì cách, chẳng cứ chuyện ăn mặc. Cơ thể phụ nữ là nét đẹp của tạo hóa, vốn dĩ sinh ra nó đã như vậy. Chỉ có cách mọi người bôi đen, tô hồng, nó mới trở nên phản cảm. Tự tôi thấy mình cũng có chút khiếu thẩm mỹ. Cái gì tôi thấy đẹp thì làm, thì mặc, không cần đến người tư vấn trang phục. Tất cả đều là tự nhiên. Tôi cũng chẳng cố tạo dựng hình ảnh của mình cho giống ai cả. Còn việc mọi người phán xét ra sao trước hình ảnh của mình, tôi cũng không thể làm được gì hơn.
Trang phục của Hà Linh bị một số khán giả phản đối vì gây phản cảm.
Những thứ được chị cho là đẹp nếu chỉ phục vụ nhu cầu bản thân, không ai "thưởng thức" được thì còn ý nghĩa gì với công chúng?
Sự đồng cảm giữa người ca sĩ với khán giả chỉ nên duy nhất là qua âm nhạc, qua đôi tai. Đừng xem âm nhạc. Tất nhiên, tôi hiểu "ăn cho mình, mặc cho người". Nhưng nếu quá bận tâm vì sự phán xét của những người xung quanh, đó đâu còn là sống nữa.
Cũng có những lúc tôi cảm thấy áp lực về chuyện ăn mặc, nhất là khi bị mẹ mắng. Mỗi lần có scandal, người quen của gia đình đều gọi điện cho bố mẹ tôi để thông báo. Mẹ không an tâm khi để con gái tự chọn quần áo mỗi khi ra đường nên thường xuyên nhắc nhở tôi kiểm tra lại bản thân kỹ lưỡng.
Các nhạc sĩ như Dương Thụ, Lương Minh cũng từng nhắc chị kiểm tra trang phục trước khi lên sân khấu. Tại sao chị không cho đó là lời cảnh tỉnh của các bậc cha chú đến mình?
Đó là những lời nhắc nhở trong phạm vi show diễn của các chú. Một khi người lớn đã nói, chắc chắn tôi làm theo. Cũng có nhiều bầu show e ngại chuyện ăn mặc của tôi ảnh hưởng đến show. Họ chỉ cần nói một lời, tôi sẵn sàng tuân thủ. Nhưng nó không đồng nghĩa với chuyện tôi phải thay đổi hoàn toàn bản thân vì ý thích của mọi người. Tôi không muốn sống trái với con người thật của mình.
Ca sĩ Hà Linh.
Chị nghĩ sao về rủi ro bị đào thải nếu ngoan cố lựa chọn sống thật với bản thân?Đã có lúc tôi không muốn làm gì nữa bởi gặp rắc rối quá nhiều. Có mấy lần, nghệ sĩ nước ngoài mời tôi hợp tác và đề nghị gửi thông tin tham khảo. Và rồi tôi để chuyện hợp tác lỡ dở bởi e ngại thông tin không hay về mình quá nhiều.
Nhưng tôi nghĩ mình sẽ không bỏ cuộc. Nếu có bị ném 1.000 cái chai lên sân khấu đi nữa, tôi vẫn hát. Tôi từng thấy có nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng thế giới, họ sẵn sàng biểu diễn trong các lễ hội âm nhạc dù khán giả đứng dưới chỉ có ba người. Họ làm được, cớ gì tôi không làm được. Bản thân tôi cũng có những khán giả của riêng mình. Những người yêu tiếng hát của tôi đều trưởng thành và là người thành đạt.
Cái tên Hà Linh gắn bó với nhiều điều tiếng về trang phục hơn là âm nhạc. Chị giải thích thế nào về sự mâu thuẫn giữa thực tế với những điều mình nói?
(Cười) Tôi cũng đoán nhiều người sẽ đặt câu hỏi: "Không hiểu cô này làm gì cho âm nhạc mà nói như thế?". Những năm qua, tôi thấy mình chưa đầu tư cho âm nhạc một cách hoàn mỹ nhất nên không muốn giới thiệu tới khán giả. Những dự án chưa ưng ý, tôi đều quăng sọt rác. Tôi nghĩ nghệ sĩ phải cực đoan với con đường nghệ thuật của mình, kể cả khi không được khán giả đón nhận đi chăng nữa.
Còn chuyện đi hát kiếm tiền, tôi vẫn có nhiều người mời diễn show. Số tiền kiếm được cũng đủ để sống và tái đầu tư cho âm nhạc. Đó lại là việc hoàn toàn khác. Đêm diễn 3/5 ở Huế là lần rất hiếm hoi tôi trình diễn trên sân khấu lớn. Tôi thích biểu diễn trong các sự kiện có số lượng khán giả giới hạn và mang tính riêng tư hơn.