Gọi quê hương từ Berlin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghe giọng của nhà báo, thương binh (2/4) Nguyễn Huy Thắng từ Berlin gọi về với vẻ ngậm ngùi, tôi hỏi và anh đáp lời rằng “Tết càng nhớ quê hương, nhớ da diết từng người thân. Dịp này bà con kiều bào thường tìm về hai nơi đầy ắp không khí của Tết Việt là Trung tâm thương mại Đồng Xuân và chùa Phúc Lâm ở Grob Kreutz. Tiếng chuông vang lên ở xứ người khiến ai cũng lặng đi”.

Tết ấm trong băng giá

Mỗi túi lá dong tươi được niêm yết giá bán là 3 euro; bánh chưng ngon được bán với giá 7-10 euro. Để có không khí xuân, một số gia đình mua củi gỗ sồi ở các cửa hàng bán vật liệu xây dựng về luộc bánh để trong ngôi nhà có mùi bánh, mùi khói, hồi ức lại hương vị quê nhà. Nhà báo Huy Thắng từ Berlin kể chuyện ngày xuân của người Việt nơi xa xứ, trong cái lạnh năm nào cũng xuống dưới 0 độ C và xe phải băng qua những con đường tuyết trắng xóa khi đến chùa Phúc Lâm.

Tết năm 2022, giọng nói của anh cũng như nhiều người Việt ở xa xứ càng lắng đọng nỗi nhớ quê. Đại dịch COVID-19 khiến việc trở về thăm Việt Nam luôn bị cách trở, khó khăn. Vì không thể trở về, nên mọi thứ cứ như dòng nước đã chứa đầy con đập của nỗi nhớ. Đứng trước bàn thờ đặt nhiều di ảnh, anh Thắng lại khấn nguyện: “Đồng đội ơi /Đã bao năm rồi nhưng không hề phai nhạt/Năm tháng chiến tranh tàn khốc đạn bom/Các anh đã hy sinh để Tổ quốc trường tồn/Chúng tôi trở lại đây gọi hồn các anh tỉnh dậy…”.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Trung tâm thương mại Đồng Xuân nằm ở quận Lichtenberg, thủ đô Berlin càng hiện rõ nét là một Việt Nam thu nhỏ trong lòng nước Đức. Nhiều gian hàng không thể thiếu những phụ liệu để gói bánh chưng theo truyền thống của người Việt. Lá dong tươi được đưa từ Việt Nam sang, gói mỗi túi 10 lá; nhiều loại bánh, mứt ba miền. Nét văn hóa và ẩm thực khác biệt đó cũng thu hút được nhiều người dân bản địa vào thưởng thức, nên tết Việt lan tỏa ra cộng đồng.

Ở CHLB Đức có Câu lạc bộ Trường Sa, Berlin và mọi người thường tập luyện bài hát Hoàng Sa, Trường Sa ơi, để biểu diễn trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội của cộng đồng kiều bào, lồng trong chương trình có tên gọi là Tiếng hát xa quê.

Ngày xuân lại đến, ngôi nhà của vợ chồng thương binh Nguyễn Huy Thắng tại thủ đô Berlin lại sắp mâm cúng, giữa bàn thờ là lá cờ Tổ quốc. Lần đầu nhìn thấy đoạn video cả nhà anh Thắng đứng trước bàn thờ, tôi chưa đọng lại nhiều cảm xúc cho đến khi hiểu được chiều sâu tâm tư qua câu nói của anh, chị về “nỗi nhớ da diết quê hương”. Ngày xuân, mọi người cúng ông, bà, cha, mẹ đã khuất. Còn anh thì lại cúng đồng đội, những người đã vào sinh ra tử một thời ở chiến trường Quảng Ngãi. Tâm điểm của những bức ảnh đặt trên bàn thờ là một người mẹ già có khuôn mặt hiền từ. Đó là mẹ Nguyễn Thị Thùy ở vùng biển xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, người dám mang anh về giấu trong ngôi nhà ngay sát đồn hải thuyền của địch suốt 23 ngày khi anh bị thương nặng vào năm 1972. Trên bàn thờ nhà anh, ngoài mẹ Thùy, còn có di ảnh đồng đội từng vào sinh ra tử, là các liệt sĩ Trịnh Mệnh, Đồng Văn Minh (quê Hải Phòng), Nguyễn Văn Giáp (quê ở Thanh Hóa), Phạm Văn Trinh (quê Quảng Ngãi), và bác sĩ Đặng Trần Thanh-người anh vợ quê Hà Nội. Ngày 10 tháng 8 âm lịch hàng năm anh sắp riêng một mâm cúng người mẹ nuôi Nguyễn Thị Thùy.

Gọi quê hương từ Berlin ảnh 1

Bàn thờ trong nhà của thương binh Nguyễn Huy Thắng tại Berlin ảnh: NVCC

Hơn 500 quầy hàng ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân, chiếm 70% gian hàng của người Việt đều có một nhánh đào nhỏ, có khi bà con sử dụng hoa đào từ Hà Lan nhập về và gọi là đào Tây. Năm nào vợ chồng anh Thắng cũng chọn một cành đào đẹp để cắm trong nhà. Tết Việt là ngày làm việc bình thường ở Đức, vậy nên ngày 30 Tết Nguyên đán, mọi người tranh thủ về nhà trước 6 giờ tối, vì 18 giờ ở Đức đã là 12 giờ đêm giao thừa ở Việt Nam.

Mái nhà chung

Nhà báo Nguyễn Huy Thắng năm nay bước sang tuổi 72. Dù lớn tuổi, nhưng tin tức về mùa xuân, cộng đồng người Việt, những điều tâm tư lúc xuân về của bao người sống xa quê đều được anh cập nhật kịp thời lên trang báo Việt - Đức và kênh truyền hình VD TV. Anh Thắng kể, nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thì Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ tổ chức Tết cộng đồng, mời các ca sĩ hải ngoại, ở Việt Nam sang biểu diễn các bài xuân quê hương rất hay. Hội đồng hương Nam Định có nhiều đầu bếp giỏi nhất nên trổ tài nấu ăn để bà con nguôi đi nỗi nhớ nhà.

Ngày xuân, sau những giờ phút bên gia đình nhiều người về chùa Phúc Lâm ở Potsdam Mittelmark, bang Brandenburg, cách thủ đô Berlin 70 km để hưởng không khí tết Việt, gởi gắm những điều tâm tư sâu kín khi đặt chân sang một vòng quay của năm mới. Chùa Phúc Lâm do kiều bào ở Đức, Séc và Hungary trợ duyên, góp tiền xây dựng. Chùa có một bãi đỗ xe khá rộng. Kiều bào ở Hungary và Séc thường vãn cảnh chùa, đi chung trên chuyến xe buýt, còn kiều bào sinh sống ở Đức thường đến bằng xe riêng của gia đình.

Gọi quê hương từ Berlin ảnh 2

Thương binh Huy Thắng trong chuyến thăm Trường Sa năm 2014

ảnh: NVCC

Nhìn vào bãi xe ô tô, người dân ở Đức đều có thể nhận ra tính cách “chơi sang” của người Việt, rất coi trọng phương tiện đi lại. Nhà báo Huy Thắng cho biết, người Việt mình nghèo nhưng dám chơi, khi có điều kiện một chút là đi xe có thương hiệu. Đó là các loại xe BMW, Mercedes, Volkswagen, Audi, Mercedes Mayback… những loại xe sang có giá mức 120 ngàn euro, còn tầm tầm thì 40 ngàn euro.

Mọi người về chùa để dự tụng kinh, tham gia các chương trình đêm hội bánh chưng. Đại đức Thích Thông Đạt (quê gốc ở tỉnh Khánh Hòa) trụ trì chùa Phúc Lâm cho rằng: “Chùa là mái nhà chung, vừa là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ nỗi đau khổ trong kiếp sống; vừa là nơi gắn kết yêu thương, giữ gìn văn hoá truyền thống, đồng thời cũng là nơi đào tạo mọi giá trị đạo đức cho mọi người, mọi thế hệ”.

Ngày Tết, hội từ thiện Sen Vàng ở Berlin thường tổ chức chương trình chia sẻ giúp đỡ những người Việt Nam mới sang Đức, chờ hoàn thiện thủ tục nhập cư.

Xuân này lại nhớ ngày xưa

Tôi ngạc nhiên khi được xem các đoạn video bà con kiều bào tại Đức bắt nhịp hát bài “Hoàng Sa, Trường Sa ơi!”, lời bài hát có những câu từ xúc động: “…dù ở nơi đâu không quên mảnh đất này; giữa ngàn trùng khơi Biển Đông sóng gió; quần đảo của ta đó, Trường Sa, Hoàng Sa…”. Người bắt nhịp bài hát đó cũng là nhà báo, cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng. Năm 2014, bà con kiều bào, trong đó có anh được ra thăm Trường Sa. Cảm xúc dâng trào và bài hát được sáng tác, biểu diễn ngay tại đảo.

Vào dịp Tết Nguyên đán, một bài hát khác trở thành bản nhạc ruột được cất lên tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, đó là bài “Việt Nam nước Đức đều là quê hương”. Nhà báo Nguyễn Huy Thắng sáng tác bài hát này và đưa vào đó hình bóng của người mẹ Việt Nam - “ơi mẹ Việt Nam quê hương ơi, con đã đi xa mấy chục năm rồi…người Việt Nam ơi, nước Đức mến thương…". Phần lớn các bài hát trong ngày xuân của thương binh Nguyễn Huy Thắng là nhịp rung động của con tim, nỗi nhớ da diết, niềm thương cảm người mẹ, người cha đã khuất nơi chân trời, đã hòa vào đất quê hương.

MỚI - NÓNG