Ba lần giáp mặt nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trung tướng Võ Viết Thanh chia sẻ rằng ngày được Đại tá Phạm Ngọc Thảo trả tự do, có nằm mơ ông cũng không dám tin tên tỉnh trưởng mà ông căm ghét lại là đồng đội, đồng chí và là một nhà tình báo tài ba hoạt động trong lòng địch. Ông thậm chí không dám kể với ai về cuộc gặp gỡ định mệnh này cho đến khi biết được sự thật.

So với Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Nguyễn Thành Luân trong tác phẩm “Ván bài lật ngửa” không thể sánh bằng.

Trận chiến định mệnh

Chiều cuối năm, trong căn nhà nằm cạnh sông Sài Gòn, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM nhớ lại: “Một đêm cuối tháng 12/1960, đơn vị vũ trang do tôi chỉ huy đóng quân tại ấp 3, xã Hữu Định (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị tiểu đoàn biệt động quân của địch bao vây. Trận chiến không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt…”.

Đơn vị của ông Võ Viết Thanh hy sinh 4 người. Phó Bí thư Thị uỷ Bến Tre Hoàng Hữu hy sinh tại mặt trận. Ông Võ Viết Thanh và 3 đồng đội bị thương và lần lượt bị bắt. Thư ký của ông Hoàng Hữu là Ngô Văn Thiều nhờ trong người có thẻ học sinh khai nghe tiếng súng nổ, sợ quá chạy lạc nên được thả tự do tại mặt trận. Riêng ông Thanh bị bắt với khẩu tiểu liên Thompson hết đạn nên bị đánh đập lấy khẩu cung ngay tại chỗ, hôm sau thì chuyển về nhà giam Ty Công an tỉnh Kiến Hoà. Sau một tháng dùng đủ thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ nhưng không làm ông Thanh khuất phục, địch chuyển ông về trạm giam Khám Lá tỉnh Kiến Hoà chờ ngày ra toà hoặc lưu đày không cần xét xử.

Ông Võ Viết Thanh kể: Khoảng 9 giờ sáng một ngày trong tháng 3/1961, trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hoà Phạm Ngọc Thảo đến trạm giam Khám Lá thị sát. Tôi và hơn 200 tù chính trị bị lùa ra ngồi lăn lóc ngoài sân. Phạm Ngọc Thảo hỏi thăm các phạm nhân một số câu hỏi, như: Mỗi tuần anh chị được tắm mấy lần? Các anh chị được cho ăn thức ăn gì, mỗi ngày ăn mấy bữa… Các phạm nhân được giám thị chỉ định phát biểu bức xúc phản ánh với Tỉnh trưởng chính sách đối xử khắc nghiệt của nhà tù như mỗi tuần phạm nhân chỉ được tắm 2 lần, mỗi lần 4 gáo nước xối lên người rồi chạy nhanh về phòng. Ai chậm sẽ bị cai ngục đánh ngay tại chỗ… Có tù nhân đòi trả tự do vì không có tội vẫn bị bắt bỏ tù, bị tra tấn nhiều năm mà không đưa ra toà án xét xử…

“Tên giám thị cười nhạt: “Ngày mai tôi đưa giấy cho anh viết đơn xin hồi chánh để được cấp trên xem xét, trả tự do nhé”. Nghe cấp dưới nói với phạm nhân như vậy, tôi thấy gương mặt Phạm Ngọc Thảo hơi xầm lại. Ông quay sang hỏi giám thị: Cách đây vài tháng, trong trận đánh tại xã Hữu Định, biệt động quân bắt được 4 tù binh, có giam tại đây không cho tôi gặp”, ông Võ Viết Thanh nhớ lại.

Ba lần giáp mặt nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo ảnh 1

Trung tướng Võ Viết Thanh (ngoài cùng bên phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Mai Chí Thọ

Cuộc hội ngộ của hai anh hùng

Hôm ấy 3 phạm nhân bị bắt cùng ông Võ Viết Thanh được giao làm vệ sinh phòng giam, không được ra sân. Tên giám thị bèn gọi ông Thanh lên gặp Phạm Ngọc Thảo. Ông Thanh kể tiếp: “Phạm Ngọc Thảo hỏi tôi: Em bao nhiêu tuổi, đi giải phóng quân bao lâu rồi? Tôi trả lời cộc lốc: 17 tuổi. Ông ta chỉ vào tôi và nói với các phạm nhân: “Em này mới chừng đó tuổi mà đã đi theo giải phóng quân” rồi đứng dậy ra về. Trở về phòng giam, các phạm nhân bàn luận rất nhiều về câu nói vô thưởng, vô phạt của Tỉnh trưởng với tôi”.

“Tôi không dám kể với ai về sự ưu ái của Phạm Ngọc Thảo khi trả tự do cho tôi vì sợ người ta nghi ngờ. Mãi đến khi kết thúc chiến tranh, được gặp các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, tôi mới biết Phạm Ngọc Thảo là cán bộ tình báo chiến lược cao cấp của ta hoạt động trong lòng địch”. Trung tướng Võ Viết Thanh

Khoảng ba tháng sau, Phạm Ngọc Thảo lại đến thị sát trại giam Khám Lá. Lần này, ông Võ Viết Thanh được giám thị cho ngồi ở hàng đầu, gần bàn Tỉnh trưởng. Phạm Ngọc Thảo hỏi một tù nhân nữ: Chị cho tôi biết trong trạm giam có gì cải thiện không? Tù nhân nữ trả lời: Vẫn như cũ.

Ông Võ Viết Thanh nhớ lại: “Phạm Ngọc Thảo tiếp tục chỉ về hướng tôi đang ngồi và hỏi: Ở trong tù khổ lắm không? Tôi trả lời: Rất khổ! Ông ta hỏi tiếp: Em có chịu nổi không? Tôi bèn đáp ngay: Không chịu nổi cũng phải ráng chịu”.

Ba lần giáp mặt nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo ảnh 2

Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong bộ quân phục quân đội Sài Gòn Ảnh: Flickr

Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo không nói gì thêm, đứng dậy đi về phía bếp ăn của nhà tù, còn ông Võ Viết Thanh và các phạm nhân bị lùa về phòng giam. Ngay chiều hôm đó, ông Thanh bị giám thị gọi lên cảnh cáo: “Mày rất vô lễ. Hai lần nói chuyện với Tỉnh trưởng không thưa, dạ gì cả. Lần sau mà còn như vậy tao tống cổ mày vào biệt giam”.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 7/7/1961, ông Võ Viết Thanh bất ngờ bị cảnh sát còng tay áp giải lên xe rời trại giam, chỉ kịp dúi vào tay người bạn tù thân thiết là Trương Vĩnh Trọng (sau này trở thành Ủy viên BCT Phó Thủ tướng Chính phủ) lon tép chấy dừa vừa được má ông tiếp tế khi lên thăm nuôi. Ông Thanh đinh ninh đang bị đưa ra toà án binh hoặc đày ra Côn Đảo nhưng bất ngờ chiếc xe… chạy thẳng vào dinh tỉnh trưởng. Viên trung uý cảnh sát mở còng, đưa ông vào dinh bắt đứng bên cạnh chiếc bàn đã chuẩn bị sẵn trà nước và đĩa bánh đuông. Ông tiếp tục suy đoán có thể địch muốn dụ dỗ ông ra đầu thú và chuẩn bị sẵn tinh thần.

Trung tướngVõ Viết Thanh cho biết sau khi bị bắt và được thả, Ngô Văn Thiều cùng một đồng đội vì tưởng Phạm Ngọc Thảo là kẻ thù nên tiếp tục ném lựu đạn nhằm ám sát và bị địch bắt đày ra Côn Đảo.

Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo cùng Trưởng ty Công an Kiến Hoà xuất hiện. Ông Thanh vẫn nhớ hôm đó, Phạm Ngọc Thảo đeo kính đen, mặc quân phục kaki vàng trông rất oai vệ. Tỉnh trưởng mời ông Thanh ngồi và đích thân rót nước trà, hỏi thăm về gia đình, việc học hành, nguyện vọng… của ông Thanh với giọng rất nhã nhặn. Ông Thanh đáp lại nhát gừng. Thấy ông lúng túng, Phạm Ngọc Thảo không hỏi nữa và mời ăn bánh.

“Tôi cố cầm cái bánh đưa vào miệng mà không sao nuốt nổi. Phạm Ngọc Thảo sai thư ký vào trong lấy giấy trả tự do có chữ ký của tỉnh trưởng và Trưởng ty Công an. Ông đưa cho tôi rồi nói: “Hôm nay qua trả tự do cho em. Nếu sau này tiếp tục học hành, gặp khó khăn gì, qua sẽ giúp đỡ”. Tôi đứng dậy cầm tờ giấy trả tự do và nói: Cảm ơn Tỉnh trưởng. Đây là lần đầu tiên tôi có chút lễ phép và cũng là lần cuối cùng tôi không bao giờ còn gặp lại Phạm Ngọc Thảo”, ông Thanh xúc động nhớ lại.

MỚI - NÓNG