Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi nói về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục trình Quốc hội lần này. Bộ trưởng Nhạ cho biết, quan điểm khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục là phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác có liên quan để quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đảm bảo tính toàn diện (rà soát tất cả các điều của luật), có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những điều có nội dung không còn phù hợp, đang tạo những điểm nghẽn; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực thông qua việc lựa chọn sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vấn đề “nút thắt” trong thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nhạ, Luật Giáo dục sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra một số bước tiến có tính đột phá. Đó là, giải quyết được những nút thắt cơ bản về cơ chế, chính sách để giáo dục Việt Nam đáp ứng với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0;
Thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp giáo dục, góp phần chia sẻ gánh nặng về ngân sách cho nhà nước; Chất lượng và hiệu quả của giáo dục sẽ được nâng lên bám sát các yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo cũng như yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Xuống cấp đạo đức: Riêng ngành giáo dục không thể giải quyết nổi
Tuy nhiên, những vấn đề nổi cộm trong giáo dục vừa qua là đạo đức trong nhà trường, quá tải chương trình học, áp lực thi cử, dư luận băn khoăn không được đề cập trong lần sửa đổi này. TS. Trịnh Ngọc Thạch, thành viên ban soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cho biết, vấn đề đạo đức, lối sống trong nhà trường nếu thực hiện theo đúng luật hiện hành thì chắc chắn sẽ không có những điều đáng tiếc xảy ra.
Chỉ có điều, trong luật không quy định cụ thể nhưng rất nhiều văn bản dưới luật quy định. Cốt lõi của vấn đề bạo lực học đường, đạo đức trường học xuống cấp, theo TS Trịnh Ngọc Thạch, là do thực hiện quy định không nghiêm. “Nhưng vấn đề đạo đức, lối sống của giáo viên không phải chỉ riêng Luật Giáo dục mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác của xã hội. Riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được tận gốc rễ nội dung này” - TS Trịnh Ngọc Thạch khẳng định.
Thứ hai, chương trình có quá tải không? Theo TS Trịnh Ngọc Thạch, chương trình giảm tải đã được quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ví dụ, THCS là giảm 120 tiết. Nguyên tắc là giảm rất nhiều so với hiện hành. Định hướng của chương trình lần này là hướng tới năng lực phẩm chất của học sinh, nên Dự thảo Luật đã đưa Nghị quyết 88 vào tức là chương trình đã được giảm tải.
Tuy nhiên, TS Trịnh Ngọc Thạch cho biết, Nghị quyết 88 đã ra đời cách đây 4 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do thời gian chuẩn bị quá lâu nên chương trình đào tạo phổ thông vẫn chưa giảm tải được.
Thi cử, luật chỉ nói một câu là thực hiện kiểm tra đánh giá theo quy định. Còn thi hay không thi không quy định. Nhưng trong văn bản dưới luật là giao cho Bộ GD&ĐT quy định vấn đề này. Hết THPT, học sinh có một kỳ kiểm tra đánh giá để cấp bằng tốt nghiệp. Đây là tạo điều kiện mở cho bộ làm. Thi cử bây giờ không còn sức ép như trước đây. TS Trịnh Ngọc Thạch nhận định.