Gỡ khó để kết nối việc làm cho Sinh viên 5 tốt

TPO - Đại biểu Hội Sinh viên các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên nhìn nhận việc kết nối việc làm cho sinh viên nói chung và Sinh viên 5 tốt nói riêng ở các tỉnh, thành nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn; danh hiệu Sinh viên 5 tốt vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến và trở thành điểm cộng trong tuyển dụng.

Chiều 30/6, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Gỡ khó để kết nối việc làm cho Sinh viên 5 tốt ảnh 1

Đại biểu Hội Sinh viên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI. Ảnh: Giang Thanh

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện Hội Sinh viên Việt Nam của các tỉnh, thành phố thuộc miền Trung – Tây Nguyên đã góp ý về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028; đề xuất nâng cao năng lực chuyển đổi số, kỹ năng số đối với sinh viên; kết nối việc làm cho sinh viên sau khi đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt; tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm….

Theo anh Võ Duy Kha, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên, chương trình xuyên suốt và nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Hội Sinh viên là phong trào Sinh viên 5 tốt. Tuy nhiên, việc kết nối việc làm cho Sinh viên 5 tốt nói riêng và sinh viên nói chung vẫn còn nhiều hạn chế.

“Chúng ta tổ chức nhiều hoạt động nhưng vẫn chưa hỗ trợ hiệu quả về việc làm cho sinh viên. Đối với Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên, việc kết nối giữa đơn vị và doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, các cơ hội việc làm cho sinh viên vẫn chưa rõ ràng. Hội Sinh viên cần chủ động kết nối với doanh nghiệp để có những địa chỉ tin cậy để các bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm, ưu tiên cho các bạn đạt Sinh viên 5 tốt”, anh Kha nói.

Gỡ khó để kết nối việc làm cho Sinh viên 5 tốt ảnh 3

Theo Chủ tịch Hội Sinh viên Phú Yên, đối với các tỉnh, thành nhỏ, việc kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm cho sinh viên còn khó khăn.

Còn theo anh Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), phong trào Sinh viên 5 tốt đã triển khai được hơn 10 năm nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa biết nhiều đến danh hiệu này.

“Đây là điều mà những người làm phong trào như chúng ta cần suy ngẫm, tại sao hiện nay chưa có doanh nghiệp nào có chế độ ưu tiên, cộng điểm cho ứng viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư, cấp tỉnh. Trong nhiệm kỳ mới, chúng ta cần có những giải pháp thực tế để lan tỏa hơn nữa danh hiệu này”, anh Tuấn Anh đề xuất.

Lan tỏa hơn nữa phong trào Sinh viên 5 tốt

Là đơn vị có những phát triển vượt bậc trong lan tỏa phong trào Sinh viên 5 tốt, thời gian qua, Hội Sinh viên ĐH Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tập trung vào tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho sinh viên.

“Những pano, thông tin về phong trào Sinh viên 5 tốt được bố trí ở tất cả các vị trí, đắc địa nhất trong khuôn viên trường, để đi đâu sinh viên cũng có thể thấy. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hội nghị và thiết kế bộ phong trào trong năm học phù hợp với bộ tiêu chí”, anh Tuấn Anh nói.

Gỡ khó để kết nối việc làm cho Sinh viên 5 tốt ảnh 4

Theo Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Quy Nhơn, hiện, phong trào Sinh viên 5 tốt rất được sinh viên trường hưởng ứng, với 3000 sinh viên đăng ký phấn đấu danh hiệu trong năm học (trong tổng số 13 nghìn sinh viên của trường)

Còn theo Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên, hiệu ứng lan tỏa của phong trào ở một số địa phương vẫn chưa tốt, một bộ phận sinh viên chưa quan tâm nhiều đến phòng trào.

Hội Sinh viên cần tận dụng tốt hơn không gian mạng để tuyên truyền, bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động để tổ chức các nội dung, hoạt động của Hội Sinh viên đều gắn với bộ tiêu chí của Sinh viên 5 tốt.

“Mỗi cơ sở Hội cần thường xuyên có các diễn đàn về phong trào Sinh viên 5 tốt ngay từ đầu năm học, đồng thời rà soát, thống kê các chỉ tiêu còn thiếu để theo dõi, đồng thời, dựa vào đó để triển khai các chuỗi hoạt động nhằm tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các tiêu chí. Có thể triển khai các mô hình 1 Sinh viên 5 tốt kèm cặp 1- 2 sinh viên tiệm cận danh hiệu”, anh Kha nói.

Anh Trần Doãn Tới, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Đắk Lắk, đề xuất cần có nội dung riêng về việc hỗ trợ sinh viên yếu thế (gồm sinh viên khuyết tật, sinh viên dân tộc thiểu số…) rèn luyện và phát triển toàn diện, đặc biệt là phấn đấu và rèn luyện phong trào Sinh viên 5 tốt.

“Thực tế cho thấy, sinh viên người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động vì điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình… Như đối với các tiêu chí rèn luyện Sinh viên 5 tốt, các bạn cũng gặp nhiều khó khăn trong rèn luyện nhiều tiêu chí như ngoại ngữ, học tập, thể lực...”, anh Tới lý giải.

Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 vào cuối năm nay, T.Ư Hội tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ Đoàn, Hội viên, sinh viên, cựu cán bộ Đoàn, Hội, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, phóng viên… nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam khóa X để trình Đại hội.

MỚI - NÓNG