Giúp Campuchia chí nghĩa, chí tình, không quản hy sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 10 năm lăn lộn ở Campuchia, lực lượng tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam đã giúp nước bạn xây dựng lực lượng cách mạng và chính quyền để lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thoát khỏi nạn đói để bắt đầu một chương mới trong lịch sử.

Chia sẻ với báo chí bên lề Lễ Kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia diễn ra ngày 24/6 tại Hà Nội, Đại tá Trịnh Vinh Pha, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nói rằng, hiện nay, có những người đổ tiền của vào Campuchia nhưng làm sao sánh được với xương máu của Việt Nam đã đổ ở Campuchia.

Giúp Campuchia chí nghĩa, chí tình, không quản hy sinh ảnh 1

Đại tá Trịnh Vinh Pha

Nhìn lại 55 năm hai nước Việt Nam - Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Pha nói rằng, có một chặng đường rất ý nghĩa. Đó là 10 năm Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Chúng ta thường nói giai đoạn đó bắt đầu từ năm 1979-1989, nhưng có một khoảng thời gian ít được nói đến. Đó là năm 1978, khi lực lượng Pol Pol - Ieng Sary đàn áp, giết chóc nhân dân Campuchia. Chúng tiến đánh trên toàn tuyến tây nam của Việt Nam, gây nên rất nhiều tang tóc đau thương cho đồng bào Việt Nam.

Khi đó Việt Nam đã tìm mọi cách để bàn với đảng của Pol Pol, để làm sao giải quyết được vấn đề đó trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị. Thế nhưng, mọi dàn xếp giữa ta với chúng không thành công. Trong tình cảnh bị giết chóc, tàn phá, một số cuộc nổi dậy đã diễn ra ở Campuchia, một số người chạy sang Việt Nam lánh nạn.

Trước tình hình đó, Nhà nước ta thành tập một Ban Công tác đặc biệt giúp Campuchia. Đầu tiên, Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập Đoàn 478 để giúp cách mạng Campuchia. Nhưng để có đủ sức giúp Campuchia, chỉ một đoàn thôi chưa đủ. Vì thế, Bộ Chính trị của ta quyết định thành lập Ban B68, là cơ quan chiến lược của Đảng ta để giúp Campuchia.

Ông Pha nói rằng, với việc thành lập ban này, ta đã thực sự san sẻ một bộ phận ưu tú trong Đảng để giúp Campuchia. Ban B68 ban đầu vào trong trại của những người Campuchia chạy sang Việt Nam để tìm ra nhân tố nhằm giúp bạn thành lập Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia.

Mặt trận này ra mắt ngày 2/12/1978, tạo nên một ngọn cờ tập hợp lực lượng và xây dựng thực lực cách mạng. Khi ra mắt, Mặt trận kêu gọi Việt Nam không chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn, mà hãy cứu giúp cả dân tộc Campuchia. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng và nghĩa vụ quốc tế, trước lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, chúng ta cùng lực lượng cách mạng Campuchia mới thành lập tiến vào Phnom Penh làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979, giúp đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong.

Mang tem phiếu, hạt giống sang nước bạn

Sau đó, từ lời kêu gọi của Campuchia, Đảng và Nhà nước ta đã cử chuyên gia sang giúp bạn trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, ngân hàng - tài chính… để bạn xây dựng lại đất nước.

Đại tá Pha cho biết, ông đã được cử sang Campuchia từ năm 1978. Sau mấy tháng, những cánh đồng chết đã bắt đầu hồi sinh. Khi đó, nhiệm vụ quan trọng là cứu đói cho dân, vì nếu không làm kịp cũng sẽ trở thành thảm họa không khác gì diệt chủng.

“Đó là những năm tháng khó khăn nhất. Tôi đi làm chuyên gia nhưng phải mang theo tem phiếu lương thực, mang lương của tôi đi, nhưng cũng chỉ ăn mắm và hạt bo bo chứ không có cơm”, ông kể. Ông cho biết, các chuyên gia của ta sang lúc nào cũng phải mang theo một túi hạt giống rau cải, rau dền để tự phục vụ cuộc sống.

“Chúng ta đã giúp bạn xây dựng được hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở vững mạnh, vừa chiến đấu, vừa xây dựng và đánh lực lượng Pol Pot 10 năm mới tan rã hoàn toàn và không thể quay lại”, ông Pha nói. Trước một số hiểu sai về việc quân tình nguyện Việt Nam ở lại quá lâu sau khi đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, ông nhấn mạnh rằng Việt Nam khi đó cũng muốn rút quân về sớm.

“Như tôi đây, cả một đời lăn lộn chiến trường cũng muốn về với vợ con. Nhưng bạn chưa đủ mạnh và đề nghị mình ở lại. Chúng ta phải giúp họ xây dựng chính quyền đủ sức quản lý đất nước, đủ sức lãnh đạo cuộc chiến để Pol Pot không thể quay lại. Làm càng sớm càng tốt, nhưng tình hình bắt buộc chúng ta phải ở lại đến 10 năm”, ông nói.

Giúp Campuchia chí nghĩa, chí tình, không quản hy sinh ảnh 2

Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật, năng lực tác chiến để củng cố và bảo vệ vững chắc thành quả Chiến thắng 7/1/1979, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay lại Ảnh: TTXVN

Sau khi về nước, ông Pha đã mấy lần trở lại Campuchia và thấy bạn phát triển rất tốt, thấy được tình cảm của người dân, cán bộ Campuchia, đặc biệt là những người có thân nhân là nạn nhân của Pol Pot, dành cho Việt Nam.

“Có cán bộ cấp cao của Chính phủ Hoàng gia nói với tôi như thế này: Nếu các chú vào chậm thì hôm nay làm gì có cháu ngồi đây tiếp chú. Ông bà cháu bị giết rồi, bố mẹ cháu bị giết rồi. Chúng cháu không bao giờ quên ơn Việt Nam”, ông Pha kể.

“Để giúp bạn, Việt Nam phải chia sẻ, một hạt gạo phải cắn làm ba, một phần giúp Lào, một phần giúp Campuchia và một phần cho mình”. Đại tá Trịnh Vinh Pha, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Giữ gìn tình cảm trong giới trẻ

Ông Pha cho biết, gia đình ông đang đỡ đầu 3 cháu sinh viên Campuchia đang học ở Việt Nam. Cứ cuối tuần, gia đình ông mời các cháu đến nhà để dạy cách nấu ăn, tặng những món quà nhỏ như thực phẩm… Ông cho biết đây là một trong những hoạt động thuộc sáng kiến Ươm mầm hữu nghị mà Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đang thực hiện, để vun đắp tình cảm giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.

Hiện nay, ở miền Bắc có khoảng 1.500 sinh viên Campuchia đang theo học ở các trường, được gia đình cựu quân nhân tình nguyện nhận đỡ đầu. Ông cho rằng, đó là cách để chứng minh rằng quan hệ Việt Nam “được viết bởi lịch sử nhưng hướng tới tương lai”.

Ông Pha nói rằng, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã biết đến chương trình này và rất hoan nghênh.

Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày 24/6, Pann Chheavvey, sinh viên người Campuchia đang học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định, sang Việt Nam là cơ hội để em mở rộng kiến thức, học tốt tiếng Việt, hiểu hơn về văn hoá, con người Việt Nam.

“Tục ngữ Campuchia cũng có câu ‘Uống nước nhớ nguồn’. Thế hệ chúng em không quên những người giúp cho chúng em có được ngày hôm nay”, Chheavvey nói.

MỚI - NÓNG