Giúp ca trù theo cách của người trẻ

Giúp ca trù theo cách của người trẻ
Không phải là sinh viên của những trường đào tạo nghệ thuật nhưng tình yêu và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ khiến các bạn cùng gắn bó trong một hoạt động tình nguyện khá đặc biệt: "Tiếp sức" cho nghệ thuật ca trù.

Giúp ca trù theo cách của người trẻ

Không phải là sinh viên của những trường đào tạo nghệ thuật nhưng tình yêu và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ khiến các bạn cùng gắn bó trong một hoạt động tình nguyện khá đặc biệt: "Tiếp sức" cho nghệ thuật ca trù.

Các tình nguyện viên đang giới thiệu cho du khách về ca trù
Các tình nguyện viên đang giới thiệu cho du khách về ca trù.

Một cơ hội để "học" và "hành"

Phạm Thị Xoan (Học viện Ngoại giao Việt Nam) đã đến với CLB Ca trù Hà Nội qua một lần tình cờ được bạn bè "đánh dấu" trên Facebook.

"Mình nghe nói về ca trù đã lâu nhưng chỉ khi lắng nghe các nghệ sĩ biểu diễn ở đình Kim Ngân (Hà Nội), mình mới hiểu hơn về môn nghệ thuật đặc biệt này. Cũng từ đó, mình gắn bó hơn với câu lạc bộ trong vai trò một tình nguyện viên".

Là một tình nguyện viên, công việc hằng ngày của Xoan cũng như các bạn sinh viên khác là: Bán vé, pha trà, xếp ghế, chuẩn bị sân khấu trước giờ biểu diễn và thu dọn hậu trường. Nhiều bạn tình nguyện viên còn đóng vai trò là người dẫn chương trình hoặc làm công tác marketing của câu lạc bộ.

"Công việc của tình nguyện viên rất đa dạng. Có khi, bạn là một người đứng bán vé nhưng có lúc lại phải chạy vào trong, chuẩn bị sân khấu. Nhiều lúc, bạn được đứng trò chuyện với khách về sân khấu - đình Kim Ngân, về nghệ thuật ca trù nhưng có khi lại phải rong ruổi khắp các khách sạn, trung tâm du lịch để giới thiệu về đêm diễn.

Dù làm công việc nào thì bạn cũng được giao tiếp và gặp gỡ rất nhiều. Chính điều đó giúp trình độ tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp của các thành viên tăng lên đáng kể", Xoan chia sẻ.

Hiện nay, CLB Ca trù Hà Nội đã có hơn 50 tình nguyện viên đăng ký tham gia và có hơn 20 bạn hoạt động thường xuyên tại các buổi diễn.

Gìn giữ cho mai sau

NSƯT Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội cho biết: "Các bạn tình nguyện viên mới chỉ bắt đầu hoạt động chính thức từ một năm trở lại đây nhưng những đóng góp của các bạn thật không nhỏ. Các bạn là cầu nối để ca trù đến gần hơn với các vị khách nước ngoài, các công ty lữ hành, du lịch.

Là sinh viên và còn rất trẻ nhưng dường như bạn nào cũng rất yêu văn hóa truyền thống và muốn "bảo vệ" nghệ thuật ca trù. Nhiều bạn từ Gia Lâm, Cổ Nhuế đã bắt xe buýt lên khu phố cổ để tham gia hoạt động chung".

Không ít bạn sinh viên còn tìm thêm tài liệu về ca trù để dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, phục vụ khách du lịch.

"Câu lạc bộ đã tiếp nhận rất nhiều học viên là các bạn tình nguyện viên. Các bạn ấy xin học ca trù, học cách đánh trống, đánh đàn… với mong muốn không chỉ biết mà còn phải hiểu và thấm", NSƯT Bạch Vân kể.

Dẫu hiện nay, nghệ thuật ca trù đã được biết đến nhiều hơn trước nhưng nhiều bạn tình nguyện viên vẫn thấy buồn và lo lắng.

Tạ Ly Ly (năm thứ ba, Học viện Tài chính) hy vọng: "Từ khi trở thành tình nguyện viên, mình được vui niềm vui của các nghệ sĩ, được lo nỗi lo của cả câu lạc bộ. Những đêm biểu diễn đã đông dần lên nhưng hầu hết là khách nước ngoài. Chúng mình luôn mong sẽ được thấy bóng dáng của du khách Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Các bạn có thể nghe ca trù đâu đó trên tivi, trên mạng Internet nhưng phải đi, phải đến mới "cảm" hết được cái hồn của ca trù trong từng lời ca, nhịp trống cùng không gian âm nhạc".

Theo Bích Phương
Sinh Viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG