Giữa tháng 12/2017 vừa qua, chất lượng cũng như những thành quả của ngành cà phê Việt đã chính thức được tôn vinh, ghi nhận tại Ngày Cà Phê Việt Nam tổ chức lần đầu tiên ở TP. Đà Lạt.
Ưa chuộng nhờ giá thành
Ngày Cà Phê Việt Nam với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho hạt cà phê” đã có nhiều hoạt động, hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp cho tương lai phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.
Theo chia sẻ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ chỗ dưới mức bình quân thế giới, hiện năng suất cà phê Việt Nam đã cao gần gấp 3 lần năng suất thế giới. Tổng sản lượng cà phê nhân của Việt Nam năm 2016 đạt 1,6 triệu tấn, chiếm thị phần 17-18% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, giá trị xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về sản xuất cà phê, chỉ sau Brazil.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng cà phê Việt được ưa chuộng chủ yếu là do giá thành rẻ, trong khi chất lượng bị đánh giá không cao. Phần lớn nông hộ canh tác và thu hái cà phê theo phương pháp truyền thống, không có quy trình chuẩn và càng ít áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Bên cạnh đó, tình trạng cây cà phê già cỗi, cũng gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng và chất lượng hạt cà phê.
Thấy được yếu điểm này, Dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực cà phê với sự tham gia của các đối tác trong khối tư như: Nestlé Việt Nam, Yara, Bayer, Ba con cò ... được triển khai từ năm 2010 nhằm hướng tới mục tiêu: 20% năng suất tăng – 20% đói nghèo giảm – 20% phát thải giảm tới năm 2020. Dự án nhằm mục tiêu phát triển canh tác cà phê bền vững, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng cho hạt cà phê Việt, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trồng cà phê, bảo đảm môi trường canh tác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay hợp tác công tư là nhóm giải pháp rất tích cực, tập trung vào các chương trình tái canh cà phê dành cho các hộ nông nghiệp. Thông qua hợp tác công tư, có thể hình thành được chuỗi sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Từ đó mới khắc phục triệt để tình trạng “chia cắt” giữa người sản xuất, khâu chế biến đến tiêu dùng.
Bên cạnh đó, định hướng của Chính phủ phát triển ngành hàng cà phê đến năm 2030, đạt mục tiêu tăng gấp đôi giá trị hiện tại. Cụ thể như tập trung vào tái canh đối với 120.000 ha diện tích cà phê đã đến tuổi già cỗi, tăng cường các biện pháp khoa học đưa nhanh các tiến bộ giống mới… Hiện chúng ta đã có được bộ giống mới cho năng suất gấp rưỡi, thậm chí, cá biệt có giống cho năng suất gần gấp 2 năng suất bình thường.
NESCAFÉ Plan – Dự án được Nestlé chủ động triển khai: tăng giá trị cà phê Việt!
Với dự án toàn cầu NESCAFÉ Plan được triển khai từ năm 2011 đến nay, có thể khẳng định Nestlé đã có chung hướng đi với Chính phủ từ rất sớm. Trong suốt 7 năm sát cánh cùng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), các chuyên gia nông nghiệp của Nestlé đã từng bước thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống bằng kỹ thuật tiên tiến của NESCAFÉ Plan. Dự án đã phân phối trên 20 triệu cây giống năng suất cao, kháng bệnh, giúp cho bà con nông dân cải tạo, tái canh trên hơn 20 nghìn ha diện tích cà phê già cỗi.