Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:

Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia trong vài năm tới

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo.
TPO - Tới đây, khi triển khai chương trình SGK mới cũng như đổi mới tương đối căn bản giáo dục ĐH theo hướng tự chủ thì lúc đó, có chăng mới có thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi này. Chúng ta có thể nói với xã hội rằng trong một số năm tới đây, kỳ thi sẽ diễn ra ổn định, tương đối nhẹ nhàng với phụ huynh, học sinh với xã hội nhưng vẫn đảm bảo trung thực, khách quan và an toàn.

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều nay 15/6 tại 5 điểm cầu trên cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam qua 3 năm thực hiện đổi mới, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng đi với xã hội, với phụ huynh, với học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn. Xã hội đã có lòng tin đối với ngành giáo dục.

 Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia trong vài năm tới ảnh 1 Đại diện trường ĐH chia sẻ ý kiến
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các trường ĐH, CĐ quán triệt quan điểm kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi đại học. Vì thế tất cả các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh đại học.

Theo Phó thủ tướng, khi nào kỳ thi này tổ chức khách quan trung thực đương nhiên kết quả của nó được các trường ĐH trên tinh thần tự chủ ngày càng cao lấy đó để tham khảo, phục vụ cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường ĐH cũng phải hướng tới quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo.

“Các trường ĐH tiếp tục đổi mới, sau này có kiểm soát chặt chẽ đầu ra, thay vì chỉ chăm chăm đầu vào. Trong thời điểm này và một vài năm tới, sự tham gia của các trường ĐH vào kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết. Đây không phải chỉ có trách nhiệm với đầu vào mà các trường còn có trách nhiệm xã hội. Các trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo nhân lực mà còn là nơi tập trung tinh hoa của đất nước. Vì sao các trường phải có trách nhiệm ới xã hội? Vì thời gian dài là chúng ta để cho thi cử không công bằng giữa các địa phương. Tôi đồng ý với Bộ trưởng là phải tăng vai trò của các trường ĐH để giám sát. Cán bộ giảng viên của các trường ĐH tham gia kỳ thi coi mình như cán bộ của trung ương, phối hơp nhưng phải tăng vai trò giám sát. Nếu các địa phương đều trông thi nghiêm túc, không có câu chuyện như Đồi Ngô trước đây thì không nhất thiết phải có sự tham gia của các trường ĐH” – Phó thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, các yêu cầu là để phụ vụ kỳ thi này nên các trường ĐH đừng vì yêu cầu riêng của mình làm tổ chức kỳ thi phức tạp thêm.

“Cho nên câu chuyện ảo hay không ảo tôi cho rằng không chính xác. Đấy là việc của các trường.Phụ huynh sinh viên bây giờ muốn công khai. Họ có quyền đăng ký vào rất nhiều trường nên đỗ vào trường nào họ có quyền lựa chọn. Đương nhiên các cháu có thể trúng tuyển nhiều trường và được chọn một trường, thậm chí cấp học bổng. Ở nước ngoài cũng thế. Ảo coi là việc bình thường, coi đó là việc giải quyết của trường, không đẩy việc đó cho xã hội” – Phó thủ tướng phân tích.

Còn theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 có 925.792 em. Trong đó xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em, tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.

Năm nay có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 37% (năm 2017 là 38 %); 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48% (năm 2017 là 43%); 36.016 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%. Số còn lại 11 % trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần bài thi tổ hợp.

Về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017 và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật. Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phục vụ kỳ thi.

Đại diện các trường đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phổ điểm, mở cổng thông tin tuyển sinh… để các trường chủ động xác định sớm điểm sàn xét tuyển. Đáng chú ý, nhiều trường mong muốn Bộ GD&ĐT đẩy mạnh việc công bố chỉ tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng như thước đo chất lượng đào tạo.

MỚI - NÓNG