Giữ gìn và phát triển Kon Hà Nừng

0:00 / 0:00
0:00
Thác nước hùng vỹ K50 nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh: Phan Nguyên
Thác nước hùng vỹ K50 nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng ảnh: Phan Nguyên
TP - Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng tỉnh Gia Lai là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây vừa là cơ hội phát triển kinh tế xã hội, cũng như thách thức giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67 ha, gồm 03 phân khu chức năng (vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp). Vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Vùng lõi khu dự trữ sinh quyển là khu rừng còn tương đối nguyên vẹn với hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng, rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá kim, rừng thưa thường xanh cây lá rộng, rừng thưa thường xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ.

Nơi đây xác định được 1647 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát, 58 loài lưỡng cư, 321 loài côn trùng và nhiều nhóm động vật khác... đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của các tỉnh Tây Nguyên; có nhiều điểm độc đáo, có những đặc điểm nổi bật và độc nhất, đáp ứng được các tiêu chí để UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Giữ gìn và phát triển Kon Hà Nừng ảnh 1

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có hệ sinh thái vô cùng đa dạng sinh học

ảnh: Phan Nguyên

Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.

Việc UNESCO công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.

“Sau khi được công nhận, Gia Lai cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một khu dự trữ sinh quyển để Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Cùng với đó, tỉnh sẽ kết nối giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học…”, ông Kpă Thuyên-Phó CT UBND tỉnh nhấn mạnh tại phiên họp thông qua hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng.

Được biết, khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động-thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Đó là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Như vậy, khu DTSQ sẽ là phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế.

Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13-17/9 tại Abuja, Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng và Núi Chúa của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Như vậy, hiện số lượng các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đã lên đến 11, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 khu). Ở Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021) đứng thứ 2 sau Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (2015).

MỚI - NÓNG