> Nguyện vọng bổ sung các trường phía Nam
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV bổ sung tại trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. |
Trường lớn “níu” chân thí sinh
Hàng loạt trường đại học (ĐH) lớn dùng nhiều cách để giữ chân thí sinh (TS) dự thi tại trường mình có điểm cao nhưng không trúng tuyển NV1 vào trường như: tự chuyển ngành cho thí sinh, cho thí sinh tự xét vào những ngành còn chỉ tiêu…
ĐH Ngoại thương đã thông báo từ ngày 22 đến 24-8, TS khối A có điểm từ 24 và khối A1-D1 từ 22,5 điểm trở lên chưa trúng tuyển chuyên ngành đăng ký dự thi nhưng cao hơn điểm trúng tuyển của các chuyên ngành còn chỉ tiêu tại trường thì có thể đăng ký xét chuyển vào 12 chuyên ngành với 540 chỉ tiêu.
Với ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) ngay từ ngày làm thủ tục dự thi, TS được đăng ký thêm nguyện vọng chuyển ngành, để khi không trúng tuyển ngành đăng ký ban đầu vẫn có cơ hội vào ngành yêu thích thứ hai.
Chính vì vậy, sau khi công bố điểm trúng tuyển, trường đã tuyển được thêm 567 TS vào bảy ngành với điểm 18 - 19 mà không phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “TS sẽ có cơ hội chọn học ngành mình yêu thích ngay từ đầu để nếu không trúng tuyển NV1 nhưng điểm cao thì sẽ có một suất học ĐH ngành mà mình đã chọn chứ không phải chọn bừa ngành mà mình không thích”.
Một số trường khác đã tự chuyển ngành cho những TS điểm cao nhưng không đậu NV1. ĐH Sài Gòn ngay khi công bố điểm chuẩn NV1 đã thông báo chuyển ngành cho những TS không đủ điểm vào ngành dự thi sang ngành khác.
Hầu hết đây là những ngành gần với ngành dự thi ban đầu của TS và cùng khối thi. Chẳng hạn, không trúng tuyển ngành sư phạm toán được chuyển sang ngành toán ứng dụng, sư phạm tiếng Anh sang ngôn ngữ Anh, sư phạm vật lý sang công nghệ kỹ thuật điện tử-truyền thông… hoặc là chuyển xuống cùng ngành học nhưng ở bậc CĐ.
Tương tự, ĐH Luật TPHCM tự chuyển những TS không đủ điểm chuyên ngành Luật Thương mại vào một trong các chuyên ngành còn lại (Luật Dân sự, Luật Quốc tế, Luật Hình sự và Luật Hành chính) nếu đạt điểm chuẩn của ngành Luật (Khối A và A1: 17,5 điểm, Khối C: 19,0 điểm, Khối D1,3: 18,0 điểm).
ĐH Đà Lạt cũng tự chuyển ngành cho các thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng đạt điểm trên sàn.
ĐH Điện lực, ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng lại có cách khác để giữ chân TS điểm cao.
Bên cạnh việc công bố điểm chuẩn theo ngành, họ lại công bố điểm chuẩn theo khối vào trường. Những TS đủ điểm chuẩn vào trường nhưng không trúng tuyển theo ngành thì được quyền chuyển sang ngành khác còn chỉ tiêu.
Top dưới cũng lắm chiêu
Hàng loạt trường ĐH, CĐ ngoài dân lập tung ra các chiêu thức với hy vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu do Bộ cấp trong thời gian sớm. Có lẽ vì thế mà nhiều trường đã xé rào.
Theo quy chế thi tuyển sinh 2012, những TS không trúng tuyển NV1 nhưng có kết quả thi ĐH bằng hoặc cao hơn điểm sàn hệ CĐ, những TS thi CĐ không trúng tuyển NV1 nhưng có kết quả thi CĐ bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo quy định thì sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi.
Hàng trăm TS thi vào ĐH Quốc tế Hồng Bàng rớt NV1 hệ ĐH nhưng trường này lại cấp luôn giấy báo nhập học hệ CĐ.
Trần Lê Vinh thi khối D1 đạt 11,5 điểm (đã cộng điểm ưu tiên) rớt NV1 ngành Quản trị kinh doanh nhưng nhà trường vẫn cấp giấy báo nhập học hệ CĐ ngành Quản trị kinh doanh với học phí 11.780.000 đồng/năm.
CĐ Viễn Đông thì cấp giấy báo trúng tuyển cho TS thi nhờ. Lý Ngọc Vân Anh đăng ký thi khối D1 vào ngành Kế toán của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM nhưng mượn trường CĐ Viễn Đông thi để xét tuyển. Tuy nhiên, mới đây trường CĐ Viễn Đông lại cấp giấy báo nhập học cho Vân Anh.
Nhiều TS thi vào những trường khác không đạt điểm sàn ĐH cũng được trường này in giấy báo nhập học để gọi nhập học hệ CĐ nghề, hệ trung cấp chuyên nghiệp.
Đáng nói là, trong các giấy báo nhập học, ở phần ghi hệ học và tên ngành nghề thì để trống cho TS tự…điền vào.
Một hình thức khác để chiêu dụ TS là các trường ĐH, CĐ cấp giấy trúng tuyển hệ CĐ nghề (cao đẳng thực hành) cho hàng loạt TS. Những trường này đều thông báo với thí sinh rằng “được liên thông lên ĐH chính quy”.
Trong khi đó, hiện Bộ GD-ĐT chỉ mới cấp phép cho 4 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật trên cả nước được liên thông từ CĐ nghề lên ĐH.