Giữ chân công nhân thời đội giá: Doanh nghiệp chia khó

Trường mầm non Đông Phương của tập đoàn Phong Thái, chỗ vui chơi lý tưởng cho con em công nhân Ảnh : Nguyễn Nam
Trường mầm non Đông Phương của tập đoàn Phong Thái, chỗ vui chơi lý tưởng cho con em công nhân Ảnh : Nguyễn Nam
TP - Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương sẵn sàng “mở hầu bao” chia sẻ tháo gỡ khó khăn với công nhân. Không chỉ xây nhà lưu trú cho công nhân, xây nhà giữ trẻ hay trường học dành cho con em của công nhân nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo cho người lao động từ việc cải thiện bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tiền phòng trọ, đến tăng lương...
Trường mầm non Đông Phương của tập đoàn Phong Thái, chỗ vui chơi lý tưởng cho con em công nhân Ảnh : Nguyễn Nam
Trường mầm non Đông Phương của tập đoàn Phong Thái,
chỗ vui chơi lý tưởng cho con em công nhân. Ảnh : Nguyễn Nam.

Từ lo nhà, xây trường…

Nổi lên trong khu công nghiệp Sông Mây (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là 3 blốc nhà 4 tầng và một trường mầm non khang trang nằm trên 4 ha. Đây là khu ký túc xá (KTX) dành cho công nhân của Tập đoàn Phong Thái (chuyên sản xuất, gia công giày cho Hãng Nike) và trường mầm non dành riêng cho con của công nhân làm việc tại các nhà máy thuộc tập đoàn này.

Bà Trần Xuân Khuê Tú, trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn Phong Thái cho biết: “Khu KTX và trường mầm non với kinh phí xây dựng lên đến 14 triệu USD được tập đoàn khánh thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2008. Nơi đây có sức chứa trên 5.000 người, được chia làm 2 khu dành cho người độc thân và hộ gia đình với các dãy phòng thiết kế phù hợp, đầy đủ tiện nghi”. Ngoài ra, ở khu tầng trệt còn có phòng thư giãn, phòng chơi thể thao, phòng tư vấn tâm lý...

Bà Trần Phạm Cẩm Vân, quản lý KTX cho biết, mỗi phòng KTX rộng khoảng 60m2 dành cho 6 công nhân độc thân hoặc hộ gia đình công nhân. Tập đoàn chỉ thu 480 ngàn đồng/phòng, số tiền này thu để chi trả phí cho tiền điện, nước bao cấp toàn bộ cho công nhân.

Chị Phạm Thị Liên, quê ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết, cả gia đình chị 5 người gồm hai vợ chồng, hai đứa con cùng mẹ sống trong KTX. Theo chị Liên, sống tại KTX rất an toàn. Con nhỏ đi học mẫu giáo thì gửi tại trường của tập đoàn ở sát KTX, chỗ làm việc cũng ở gần nên không phải mất tiền xăng, xe.

Trường mầm non Đông Phương của tập đoàn Phong Thái xây dựng dành riêng cho con công nhân làm việc cho các Cty của tập đoàn với quy mô trên 800 cháu, mỗi lớp chỉ từ 25- 30 cháu. Hằng tháng nhà trường chỉ thu 300 ngàn đồng/cháu.

Cô Lương Thị Diễm Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Số tiền thu này đảm bảo chi hết vào suất ăn của các cháu. Tập đoàn đảm đương tất cả mọi chi phí hoạt động của trường.

Ở huyện Nhơn Trạch có một khu nhà ở dành cho công nhân rất hiện đại, đúng chuẩn, đó là KTX của Công ty Formosa (tại KCN Nhơn Trạch). Khu KTX này cao 9 tầng có sức chứa trên 2.000 người, được Cty đầu tư 6,2 triệu USD. KTX được trang bị máy ATM, nhà ăn, tiệm cắt tóc, phòng thể thao.

Một doanh nghiệp lớn khác là Cty Chanshin ở KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) lại mở ra những hoạt động phục vụ đời sống của công nhân. Cty này xây dựng siêu thị ngay trong Cty với trên 3.000 mặt hàng bán đúng giá nhà phân phối, giúp công nhân mua hàng giá rẻ hơn bên ngoài.

Ngoài ra, mỗi năm, Cty bù giá hàng tỷ đồng qua các đợt bán hàng giảm giá để bình ổn đời sống công nhân. Công đoàn của Cty còn xây dựng CLB Hạnh phúc bằng cách hỗ trợ mặt bằng, tổ chức tiệc cưới, sinh nhật cho công nhân.

Các cháu là con công nhân đang được học tại trường mầm non do tập đoàn Phong Thái đầu tư
Các cháu là con công nhân đang được học tại trường mầm non do tập đoàn Phong Thái đầu tư.
 

Đến hỗ trợ từ A đến Z

Gần như mỗi tháng, Liên đoàn lao động quận Gò Vấp cùng hơn 20 doanh nghiệp có hơn 20 nghìn công nhân làm việc tại đây đều trích kinh phí tặng quà cho công nhân bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động…

Không chỉ chăm lo sức khỏe cho công nhân, đại diện các doanh nghiệp ở đây còn hợp tác với nhau để giải quyết việc làm cho công nhân ở các doanh nghiệp phá sản hay thu hẹp sản xuất.

Đại diện Công ty Kin Keng ở quận Gò Vấp cho biết: “Chúng tôi còn hỗ trợ cho công nhân như cải thiện nhà ở hay hỗ trợ vốn học nghề tạo việc làm cho họ”. Tại quận 6, từ hai năm trở lại đây, hằng tháng Công ty Ba Huân hỗ trợ toàn bộ tiền nhà, tăng tiền ăn giữa ca cho công nhân, bởi theo đại diện công ty do giá cả đắt đỏ, công nhân còn khó khăn nên việc hỗ trợ là cần thiết. Trong khi công ty Nhựa Hiệp Thành, TPHCM lại tăng lương, hỗ trợ tiền xăng cho công nhân…

Ông Trương Lâm Danh- Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM, cho biết không ít doanh nghiệp còn khó khăn trong thời bão giá nhưng họ vẫn “mở hầu bao” với tinh thần tự nguyện, tự giác để giúp nâng cao đời sống công nhân.

Trong khi ông Liêu Quang Vinh- Công ty Freetrend ở khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, ngoài tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân như văn nghệ, thể thao, tuyên truyền pháp luật, công ty còn thường xuyên mời bác sĩ chuyên khoa để phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân.

Trên địa bàn Đồng Nai còn có hàng loạt DN khác cũng đã xây KTX cho công nhân như: Cty Vedan VN, Cty nhựa TPC, Cty Sản xuất gỗ Great Veca, Cty Choong Nam… Cty TaiWang VN cũng đang xúc tiến mở siêu thị công nhân, thuê nhà ở cho công nhân. Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, đến nay đã có 61 dự án đăng ký xây dựng nhà ở cho công nhân, trong đó có 17 dự án đã hoàn thành.

Theo Ban quản lý các KCN Bình Dương, cho biết trước nhu cầu nhà ở công nhân đang bức thiết từ năm 2011 các doanh nghiệp các khu công nghiệp muốn giữ chân công nhân đã không ngừng đầu tư xây nhà, mở trường…cho công nhân và con của họ.

Theo Ban quản lý này hiện đã có 63 doanh nghiệp trong các KCN Bình Dương tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 25 triệu USD. Ở các KCN như Mỹ Phước, Mỹ Phước 2 đã xây dựng được trường mẫu giáo và bệnh viện, khu thể thao phục vụ công nhân.

Ông Nguyễn Tấn Định- Phó Giám đốc Ban quản lý các khu chế xuất- công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, hiện có 6 dự án nhà lưu trú cho công nhân đang được xây dựng tại các KCN tại TPHCM, dự kiến năm 2011 có hơn 2.000 chỗ ở mới cho công nhân.

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM và Hepza đã thông qua chủ trương sẽ xây dựng 13 trường mầm non tại 13 Khu chế xuất, công nghiệp ở TPHCM để giải quyết chỗ học cho con em công nhân.

“Nếu doanh nghiệp cùng chung tay lo cho công nhân chắc chắn sẽ giữ chân được họ, tránh tình trạng khát lao động, tranh chấp xảy ra. Cách làm này không chỉ thể hiện tính nhân văn mà còn giúp cho doanh nghiệp phát triển”- Ông Định nói.

Hiện nay, ở Bình Dương một số doanh nghiệp cũng đã chú trọng đến việc chăm lo giữ chân người lao động.

Công ty TNHH một thành viên may mặc Bình Dương (TX Thuận An) đã triển khai xây dựng một khu chung cư ngay phía sau lưng của công ty. Khu chung cư này được quy hoạch với quy mô rộng khoảng chừng 2 ha, với 4 blốc nhà, mỗi blốc được thiết kế 1 trệt, 6 lầu (106 phòng). Trong đó có 3 loại phòng với diện tích 50 m2, 55 m2 và 75 m2.

1 trong 4 blốc này đã được khởi công xây dựng cách đây 3 năm và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009. Chung cư được trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy, cầu thang máy và dụng cụ sinh hoạt ở bếp ăn, nhà vệ sinh…

Ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hài Mỹ (Thuận An, Bình Dương) cũng cho biết, công ty đã có kế hoạch xây dựng khu nhà trẻ để phục vụ con của công nhân. Giấy phép xây dựng vừa mới được ngành chức năng Bình Dương cấp và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Các công ty: Việt Shing cũng xây dựng hàng chục phòng trọ cho hơn 100 công nhân, Công ty TNHH Tiến Triển (Tân Uyên) cũng xây trên 200 phòng cho hơn 350 công nhân…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG