Top 3 Giọng hát Việt Nhí (từ trái qua: Thiên Nhâm, Hoàng Anh, Thiện Nhân) và HLV. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Người nghe cũng cảm thấy căng thẳng khi nghe những em bé mới hơn 10 tuổi đã phải hát Sông Lô hay trích đoạn opera, các bản tình ca cho người lớn thì không đếm xuể.
Dĩ nhiên BTC và các nhà tài trợ muốn hướng đến khán giả người lớn thì các bé phải gồng mình lên thôi. Nhưng một phần cũng vì, chúng ta chưa có một thị trường âm nhạc, chưa có các nhà sản xuất âm nhạc cho lứa tuổi nhỏ, do đó lượng bài nội dung phù hợp với các bé mà người lớn vẫn nghe được là rất hiếm.
Giọng hát Việt Nhí (mùa đầu) được xem là thành công không chỉ vì tìm được quán quân tài năng mà còn may mắn giới thiệu được Phương Mỹ Chi- trong cuộc chơi này, các cậu bé luôn thiệt thòi hơn các cô bé. Giả sử Quang Anh muốn đi diễn nhiều cũng khó vì như những gì cậu thể hiện trong đêm chung kết Giọng hát Việt Nhí 2014 cho thấy Quang Anh đang trải qua giai đoạn vỡ tiếng.
Các cậu bé muốn có chút thời “gặt hái” thì nên thi Giọng hát Việt Nhí sớm, trước tuổi lên 10. Vẫn biết việc học với các bé là quan trọng nhưng cũng nên nhìn thẳng vào thực tế. Hoàng Anh trước đêm chung kết đã thổ lộ sau cuộc thi, sẽ đi diễn để phụ giúp gia đình vì nhà rất nghèo. Trước khi đi thi, cậu bé cũng từng nghỉ vài buổi học để đi diễn kiếm tiền.
Giọng hát Việt Nhí năm nay có thừa thãi các Phương Mỹ Chi nhưng tất nhiên là “món” này không còn được chào đón như trước, vì nhàm và cũng vì nói chung không ngọt ngào bằng.
Đặc sản của Giọng hát Việt Nhí năm nay cũng khá độc và lạ: cô bé mồ côi chuyên nhạc Trịnh- Huyền Trân. BTC còn đặt cho Trân biệt danh “cô bé quy y” (chỉ việc cô bé quy cửa Phật) để tạo thêm ấn tượng.
Sự yêu thích dành cho Thiện Nhân có thể được lý giải bằng hai chữ “đúng tuổi”. Ngoài giọng hát hay, giàu cảm xúc, không đến mức “điêu luyện” như Quỳnh Anh hay Thiên Nhâm, cô bé cũng thể hiện nét diễn xuất tự nhiên trong hoạt cảnh với “ngoại” Cẩm Ly, không bị “kịch” như Hoàng Anh.
Ở liveshow 4, Huyền Trân dẫn đầu đội Hồ Hoài Anh về lượng bình chọn để đi tiếp với lượng bình chọn quá bán từ khán giả, nhưng đành chịu thua Hoàng Anh trong gang tấc ở liveshow tiếp theo.
Không biết có phải vì khán giả đã quá đủ với hình ảnh cố hữu của Huyền Trân. Nhạc Trịnh cũng không ít bài có thể dàn dựng vui tươi với tiết tấu nhanh, nhưng đáng tiếc là chương trình đã tặng cho Trân hai chữ “quy y”, nên không thể để bé ăn mặc bình thường (ngoài áo dài) để nhảy múa được?! Có lẽ chương trình đã làm cho sự quy y trở nên hơi trầm trọng. Vì ngay trong thị trường âm nhạc người lớn, nhiều ngôi sao công khai là Phật tử nhưng vẫn hát ca nhảy múa đủ trò.
Đêm chung kết là cuộc đấu của bình chọn. Trong cuộc đấu này, Thiện Nhân ở vị trí “khủng long” với tất cả các chỉ số từ lượng người xem YouTube, lượng tìm kiếm Google, đến lượt chia sẻ Facebook trước đêm chung kết đều vượt trội so với Hoàng Anh và Thiên Nhâm.
Trong khi Thiện Nhân thoải mái “ngồi đồng” với bản chầu văn Cô Đôi thượng ngàn hay mùi mẫn với Đèn khuya (Lam Phương) thì Hoàng Anh phải căng ra vừa nhảy vừa hát với La Bamba hay gằn giọng hát Habanera (trích đoạn trong vở opera Carmen).
Khả năng khiêu vũ đã làm hại Hoàng Anh khi cậu buộc phải trở thành nhân vật giải trí của Giọng hát Việt Nhí trong những tiết mục đòi hỏi cao cả về hát và nhảy, điều mà ngay ca sĩ người lớn cũng khó cân bằng được.
Hoàng Anh đánh mất lợi thế của chất giọng trong sáng khi phải gằn hắt quá nhiều trong mọi thể loại (từ rock tới opera). Nói gì thì nói một giai điệu đẹp được thể hiện bằng giọng hát trong sáng của trẻ thơ (đặc sản mà ca sĩ người lớn không thể có được) vẫn khiến khán giả lay động nhiều hơn những tiết mục tạp kỹ để chứng tỏ người trình diễn tuy nhỏ tuổi nhưng vẫn làm được các việc không kém gì người lớn.