Giọng hát Việt có bị kỳ vọng quá?!

Giọng hát Việt có bị kỳ vọng quá?!
TP - Mới ngày nào, mọi người còn háo hức với những nghệ sĩ hài bất đắc dĩ - đặc sản của Idol thì bỗng xuất hiện The Voice - có vẻ đẳng cấp hơn hẳn. Nhưng việc sở hữu quá nhiều giọng hát hay có làm các vị cầm cân The Voice bối rối dẫn đến lựa chọn thiếu chuẩn?

> Khán giả phát ‘cuồng’ với Giọng hát Việt

Việt Nam Idol đã lên sóng được 2 tuần, vẫn chiêu bài quen thuộc: Lựa những màn diễn hề nhất đặt cạnh những phần thi bình thường. Dường như chịu sức ép từ đối thủ cạnh tranh nên giám khảo Idol mùa này cũng chịu khó diễn hơn hẳn.

Chẳng hạn trước những giọng hát nổi bật, khả năng vào vòng trong là rất cao, BGK vẫn dền dứ để không khí thêm phần kịch tính. Thực ra trình độ diễn xuất của giám khảo chỉ qua mặt được thí sinh (đang mất bình tĩnh) chứ khán giả thì chưa chắc (trong khi giám khảo The Voice thấy thí sinh hát hay thì khen ngay, thậm chí là khen quá lên để còn lôi kéo thí sinh về đội mình).

Với những thí sinh ở thái cực kia- tức là vô tình gây cười, giám khảo Idol hình như cũng bị lây. Trong khi nghe một thí sinh đeo tai nghe để vừa nghe nhạc vừa hát, Mỹ Tâm giả vờ hờ khóc hồi lâu - chắc hẳn để chứng minh rằng thí sinh kia không hề chú ý tới BGK.

Thực ra chỉ cần thí sinh thấy thoải mái trong việc chia sẻ những màn trình diễn khác lạ của mình thì chẳng vấn đề gì lắm, nhưng chắc hẳn không phải ai cũng thế.

Như tác giả của bài Mất trí nhớ sau khi bị loại, đã nói với người dẫn chương trình rằng không muốn lên hình. Thậm chí ngay cả khi thí sinh này che mặt bỏ đi, ống kính vẫn còn đuổi với theo.

Kể cả thí sinh có phải ký giao kèo cho phép Idol sử dụng mọi hình ảnh của họ trong phạm vi “trường thi” thì xem cảnh quay này vẫn có cái gì đó gợn gợn. Nó thể hiện chương trình đang chạy theo những giá trị của họ, bất chấp ý chí của thí sinh.

Nếu khẩu hiệu của Idol là Từ số không đến người hùng thì nguyên liệu của The Voice toàn là những giọng hát “ra gì”, chẳng thiếu những người đang hành nghề ca sĩ.

Nghĩa là The Voice là cuộc thi dành cho những giọng hát chứ không phải những “tay mơ”, “tay ngang” khát khao nổi tiếng. Giám khảo của The Voice cũng không có những thành phần như nhạc sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn… mà toàn ca sĩ “có sừng có mỏ”. Những tưởng đây sẽ là sân chơi đậm đặc chuyên môn, nhằm tôn vinh những tài năng ca hát thực thụ…

Sau màn thi Giấu mặt đầy ấn tượng, hầu như không bỏ phí giọng hay nào, vì không rơi vào tay HLV này thì cũng vào HLV khác, vòng Đối đầu của Giọng hát Việt gây nhiều tranh cãi và tiếc nuối hơn.

Đầu tiên là một số màn trình diễn nhuốm màu sắc “bạo lực” khi các thí sinh biến tiết mục song ca thành đấm bốc để nốc-out đối thủ. Chính giám khảo cũng cổ vũ cho xu thế này.

Thu Minh nói trong nước mắt sau khi nghe Quốc Huy và Ngân Bình trình bày bản tình ca bất hủ (Everything I do) I do it for you: “Chị đã dặn hai em rất nhiều lần, mình lên sàn đấu, đấu với nhau mà hai em yêu nhau thế này thì làm sao chị có thể chọn lựa, hai em làm chị khổ tâm quá!”.

Không hiểu mải khóc lóc, HLV có thực sự lắng nghe để tỉnh táo lựa thí sinh?! Thực ra thí sinh hát thế nào, HLV cũng có thể chọn được. Còn nếu thí sinh cứ hát như đánh nhau, thì tinh thần nghệ thuật sẽ mất đi, và người chịu trận là khán giả.

Không ít ý kiến cho rằng giám khảo The Voice cũng thiên vị như ai. Đối với họ, giọng hát chưa chắc đã là ưu tiên hàng đầu. Trong một số trường hợp, người được chọn có vẻ vẫn là người nổi tiếng hơn, xinh đẹp hơn. Biết làm sao, khi thí sinh không còn “giấu mặt”.

Đơn cử màn biểu diễn ở tập 6 của Quốc Cường và Thái Trinh. Nếu chỉ xét về giọng, Thái Trinh không phải đối thủ của Quốc Cường. Giọng Quốc Cường khỏe hơn, lạ hơn.

Ngay trong phần thi, Quốc Cường trình diễn cũng nổi trội hơn. Thái Trinh lên cao thậm chí còn bị phô. Giám khảo chỉ ra hạn chế đó nhưng chẳng hiểu sao tất cả đều đồng loạt chọn Thái Trinh. Lưu ý là rất ít khi giám khảo đồng thuận hoàn toàn như thế trong cả hai đêm thi Đối đầu.

Luận điểm của Hồ Ngọc Hà: “Chúng tôi chấm 1 trong 2 bạn đi tiếp dựa trên tiết mục trình diễn của các bạn chỉ một phần, cái mà những HLV trách nhiệm của chúng tôi nhìn thấy chính là đường dài”. Nếu giám khảo đã thấy thí sinh hội đủ yếu tố để có thể đi xa hơn, vậy sao không để họ tự đi?!

Sau màn tranh cãi trên báo chí về khả năng huấn luyện của Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà, lá thư ngỏ gửi Đàm Vĩnh Hưng của một khán giả đã được báo mạng đăng tải.

Trong thư có đoạn: “Chắc anh hiểu hơn ai hết sự khác biệt giữa HLV và bầu sô. Nhưng dường như anh đã nhầm hai vai trò này. Nhiều lúc nhìn anh lựa chọn và mời mọc các thí sinh, tôi thấy anh là ông bầu hơn là một HLV.” Quả thực, có những hiện tượng cho thấy giám khảo Giọng hát Việt đang bỏ quên nhiệm vụ độc đáo của mình để làm thay những bộ phận khác.

Được biết, một số chương trình thi hát truyền hình mới du nhập đã chủ động săn tài năng theo kiểu đánh tiếng mời ca sĩ trẻ, có độ hot nhất định dự thi và cam kết sẽ đưa họ tới vòng nào đó.

BTC hy vọng những tên tuổi đang lên sẽ giúp chương trình sinh sau đẻ muộn của họ thêm độ hút khách. Cách làm này âu cũng là bình thường nếu nó không đi ngược lại mục đích ban đầu của chương trình, và không ảnh hưởng tới quyền thi thố bình đẳng của các thí sinh.

Nhưng xét cho cùng thì mục đích nào là tìm kiếm tài năng, tôn vinh giọng hát? Phần nhiều toàn do khán giả tưởng tượng ra, chứ cái đích tối thượng của gameshow nào bây giờ cũng phải là giải trí được và bán được nhiều quảng cáo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG