Những người chứng minh học nghề không hề thua kém

Đỗ Văn Huy nhận Bằng khen của Thủ tướng vì thành tích Huy chương Vàng Tay nghề ASEAN 2016
Đỗ Văn Huy nhận Bằng khen của Thủ tướng vì thành tích Huy chương Vàng Tay nghề ASEAN 2016
TP - Khi cánh cửa đại học đóng lại thì vẫn còn nhiều cánh cửa khác mở ra để các bạn trẻ theo đuổi ước mơ của mình. Một trong số đó chính là lựa chọn học nghề.

Đại học không phải là “con đường duy nhất”

Câu chuyện của Nguyễn Văn Thiết, chàng trai từng giành được Huy chương Vàng kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2016, danh hiệu Người thợ trẻ giỏi Thủ đô 2016, đồng thời là top 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2016, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ đang băn khoăn giữa việc học đại học hay học nghề.

Những người chứng minh học nghề không hề thua kém ảnh 1 Không cần bằng đại học, Nhữ Thị Trang vẫn tự tin khởi nghiệp và thành công

Chàng trai sinh năm 1995 này từng ước mơ thi vào trường quân đội nhưng thi trượt. Sau khi suy nghĩ, Thiết quyết định đi học nghề, và chọn theo học khoa điện - điện tử tại Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội - nơi anh trai mình theo học và từng đoạt Huy chương vàng Tay nghề ASEAN năm 2014. Phần vì đam mê thật sự, phần vì muốn chứng tỏ với người thân, gia đình đây là quyết định đúng đắn cũng như ngầm khẳng định đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp nên Nguyễn Văn Thiết nhập cuộc rất nhanh.

Năm thứ 3 tại trường nghề, Thiết tham gia cuộc thi Tay nghề ASEAN lần thứ XI tại Malaysia, với nội dung nghề tự động hóa công nghiệp. Anh đã xuất sắc vượt qua các đối thủ để mang về tấm huy chương vàng cho Tổ quốc. Chàng trai trẻ còn sở hữu bảng thành tích “khủng” như Người thợ trẻ giỏi thủ đô, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giải nhất kỳ thi Tay nghề cấp thành phố, quốc gia, huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn, Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2016, Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam 2016…

Trong quá trình học, Thiết đã nhận được một số đề nghị làm việc hấp dẫn sau khi ra trường. Tốt nghiệp, Thiết về làm cho công ty Sam Sung Thái Nguyên, với mức lương khởi điểm từ 18 – 20 triệu. Tháng 5 vừa rồi, chàng trai đến từ Nghệ An được mời về VinFast làm việc với mức lương gấp 3 lần. “Học gì thì cũng để có một công việc, một cái nghề. Mà nghề gì cũng vậy, có kiến thức mà không được luyện tập, trau dồi sẽ không thể phát huy. Quá trình học nghề, được thực hành nhiều còn làm nảy sinh nhiều sáng kiến mới cũng như giúp chính mình phát hiện ra những hạn chế của bản thân để kịp thời khắc phục”, Nguyễn Văn Thiết chia sẻ.

Bạn cùng khoá với Thiết, Đỗ Văn Huy cũng quyết định đi học nghề sau khi thi trượt Đại học Vinh. Huy quê ở Nghệ An, mảnh đất miền Trung nắng gió luôn nổi tiếng về tinh thần hiếu học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm làm nông vất vả, Huy từng nghĩ phải đỗ đại học thì mới có thể giúp gia đình đi lên. Chính vì thế, trượt đại học, Huy sốc lắm. Gia đình, bạn bè động viên ôn luyện năm sau thi lại nhưng Huy vẫn quyết định khăn gói ra Hà Nội để học nghề điện tử. “Tôi chưa bao giờ ân hận với quyết định đó. Đại học hay học nghề thì tất cả cũng là để đi đến một cái đích. Nếu không đi đường thẳng thì mình đi vòng một chút không sao”, Huy cười chia sẻ.

Sau khi giành Huy chương vàng kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2016 và đạt danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi Thủ đô năm 2016”, Đỗ Văn Huy dễ dàng có việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Hiện tại, Huy đang làm việc cho một công ty về tự động hoá, trong vai trò kỹ sư thiết kế điện. Không tiết lộ mức lương nhưng Văn Huy cho biết thu nhập đủ để anh đảm bảo cuộc sống ở thủ đô và dư ra một khoản để gửi về quê giúp đỡ bố mẹ.

Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, tốt nghiệp cấp 3, cô gái Nhữ Thị Trang thích nghề y nhưng tự lượng sức mình không thể đỗ được những trường y tốt nhất, nên cô không thi đại học nữa mà quyết định ra Hà Nội học nghề Chăm sóc sắc đẹp. Có năng lực và đam mê, Trang đã giành được nhiều thành tích trong quá trình học tập, như Chứng chỉ nghề xuất sắc tại Hội thi tay nghề ASEAN 2016; Giải Nhất tại Hội thi tay nghề Quốc gia 2016 của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội và rất nhiều giấy khen, bằng khen khác. Hiện tại, Trang đang sở hữu một spa làm đẹp ở Hà Nội và 2 spa ở Bắc Ninh. Ngoài ra, Trang còn tham gia đào tạo tại một số trường nghề, trung tâm dạy nghề. Chọn học nghề thay vì đại học, mỗi ngày thức dậy, cô gái sinh năm 1995 này lại được làm công việc mình yêu thích, thu nhập trung bình vài chục triệu mỗi tháng và vẫn không ngừng vươn lên thực hiện những ước mơ, hoài bão.

Học nghề “lên ngôi”

Năm 2019, có 279.001 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). “Tỉ lệ này cho thấy chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực, quan điểm học nghề thua kém so với đại học là quan niệm đã lỗi thời và người dân không còn tâm lý sính bằng cấp, phải vào đại học bằng mọi giá…”, TS Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhận định.

Đồng thời, Vụ trưởng Hùng cũng cho biết, giáo dục nghề nghiệp là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội, hiện nay, tham gia thị trường lao động của nước ta, chỉ 20% là giáo dục đại học và sau đại học, còn lại 80 % là tốt nghiệp trường nghề. Riêng năm 2018, tỷ lệ học sinh sinh viên trường nghề có việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Có những nghề, sinh viên nhận được mức lương lên đến 10 - 15 triệu đồng/tháng sau khi ra trường.

“Cái quan trọng nhất vẫn là có một nghề giỏi, để có việc làm, có thu nhập từ chính công việc mình yêu thích. Năm 2018 vừa rồi, 95% sinh viên của trường đã có việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều em vừa đi học vừa đi làm từ năm thứ 2. Để tạo thuận lợi cho đầu ra, hàng năm, trường vẫn cắt đi một số ngành nghề và mở các nghề mới như chăm sóc sắc đẹp, lắp đặt điện nước, dịch vụ du lịch, ngoại ngữ, điều dưỡng… để phục vụ nhu cầu xã hội hiện đại”- TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết. 

Những người chứng minh học nghề không hề thua kém ảnh 2 TS. Phạm Xuân Khánh

Theo chia sẻ của TS Phạm Xuân Khánh (Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) thì những năm gần đây, số học sinh đăng ký học nghề tại trường có xu hướng tăng lên. “Thật ra, bây giờ để được đi học đại học không khó như xưa nữa bởi các trường mở ra rất nhiều, điểm chuẩn cũng không cao. Suy nghĩ trượt đại học mới đi học nghề cũng đang dần thay đổi, minh chứng là tỷ lệ học sinh đạt 25, 26 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng vẫn đăng ký học nghề chất lượng cao tại trường là rất đông. Số các em đang học đại học chuyển sang học nghề cũng không nhỏ. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như điện, điện tử và làm đẹp”.

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.