Du lịch một mình không sợ à?
Năm nay 27 tuổi, trên bản đồ du lịch, Nguyễn Hương Linh đã một mình đánh dấu qua: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanma v.v… Là con gái, chuyện tự xách ba lô và đi không còn xa lạ với cộng đồng hay di chuyển. Nhưng với những người xung quanh Linh, mỗi câu chuyện của cô đều phải trả lời một vạn câu hỏi giống nhau như đúc: đi một mình không sợ à? Không buồn à? Số ít, «to gan» hơn thì hỏi nhau: "Cái Linh lại đi đâu thế"? Bởi họ biết, không những không sợ, không buồn, tần suất di chuyển của Linh còn khá thường xuyên.
Trong các câu chuyện, Linh cũng hay dùng đại từ «Cái Linh» để gọi mình. Cái Linh tóc dài không uốn nhuộm, đi giày thể thao, nói chuyện lễ phép và rất ghét dùng những từ ngữ công kích. Cái Linh đi ra thế giới luôn chỉ mang theo một ba lô 7kg hành lý, trong đó khoảng 3kg dành cho laptop và máy ảnh. Trong hơn 3kg còn lại, thế mà cái Linh vẫn thu xếp được váy áo, thuốc men, đồ trang điểm và vân vân thứ mà những cô gái khác phải dùng cả vali 20kg để chứa.
Nói về câu chuyện nỗi sợ, Linh kể, chuyến du lịch solo đầu tiên của cô là đến Ấn Độ, trong suốt một tháng trời. Khi đó có tiền học bổng, có máy ảnh tốt, cộng với lời mời của một cậu bạn người Ấn, thế là tay xách nách mang, bước những bước đầu tiên ra khỏi vùng an toàn. Sau hai tuần, người bạn Ấn không thể tháp tùng nữa, Linh tự lang thang mày mò.
Một mình xuống tàu điện ngầm trước hàng trăm con mắt dò xét của những người đàn ông bản địa, một mình tìm đường về khách sạn trong hẻm tối không hề có đèn đường lúc 3h sáng, một mình đối mặt với một lái xe tuk tuk đầy những dấu hiệu bất an…
Qua mỗi một tình huống «vặn não» tìm cách giải quyết, Linh rút ra kết luận: hóa ra đi chơi một mình cũng không đến mức quăng mình vào gió bụi. Mọi rào cản đều bắt nguồn từ nỗi sợ bên trong mình. Nhiều khi nỗi sợ ấy không có thật, nó được dựng nên bởi định kiến và giáo dục. Quan trọng nhất vẫn là kỹ năng tự bảo vệ mình. Bởi nếu thiếu kỹ năng này, nhiều khi ở trong nhà cũng vẫn sẽ nguy hiểm.
Một lợi ích nữa từ du lịch solo, Linh nhận ra trong quá trình tự hỏi, tự trả lời, hóa ra chính là một dịp để thẳng thắn với bản thân, lắng nghe mình, và tìm cách mò ra câu trả lời chính xác: mình muốn gì?
Ngon, bổ, rẻ
Một câu hỏi cũng rất thường thấy từ các fan của Linh: đi du lịch nước ngoài như vậy, có tốn tiền không, và tốn bao nhiêu?
Linh bảo, hàng ngày cô làm việc, không tiêu pha quá nhiều vào shopping, cho nên dành tiền du lịch là chuyện không khó. Đi nhiều, cũng sẽ tích lũy được kinh nghiệm săn vé rẻ, săn khuyến mại khách sạn và các chi phí dọc đường, cho nên, kể cả xuất ngoại cũng không đắt bằng giá tour.
Chính sự đi nhiều, còn giúp Linh tìm ra những điểm du lịch rất mới, rất đẹp, lại rất rẻ. Ví dụ, trong chuyến đến Indonesia, Linh tìm ra đảo Gili, chỉ cách Bali hơn một tiếng tàu cao tốc. Nếu như Bali hào nhoáng đắt đỏ, thì Gili nằm ở thái cực ngược lại. Trên đảo mọi động cơ cơ giới đều bị cấm. Người ta chỉ có thể di chuyển bằng xe ngựa và xe đạp. Tất cả cửa hàng được trang trí bằng vật liệu thân thiện môi trường, nằm dưới những lùm cây nhiệt đới quanh năm xanh tốt.
Ở đây, khách có thể tìm thấy những món Âu rất ngon, làm vô cùng đúng kiểu nhưng giá rất bình dân. Thanh niên trên đảo ngoài giờ làm đồ thủ công thì ngồi ôm đàn hát. Người dân dù bận rộn, cứ đến cuối chiều lại bỏ cả công việc ngồi ngắm hoàng hôn. Hoàng hôn trên đảo Gili được đánh giá là «tuyệt đẹp». Bởi thế, nó níu chân «cái Linh» đến 17 ngày.
Một trong những kinh nghiệm rất rẻ nữa của Linh nằm ở cụm từ Couchsurfing (mạng lưới hỗ trợ tìm nơi ở nhờ nhà người bản địa). Linh đã «ở nhờ» không chỉ một lần, cách này tiết kiệm được rất nhiều chi phí bởi phí khách sạn ở các nước phát triển thường rất cao, khách sạn 3 sao trung bình cũng khoảng 100usd/đêm. Cá biệt, có lần Linh vào một căn hộ chỉ có một thanh niên chủ nhà, và cô. Hỏi sợ không, Linh bảo: ở ngoài không có «cướp giết hiếp» nhiều như các tin tức hình sự đâu! Vả lại, dùng couchsurfing có ứng dụng chấm điểm trực tiếp trên mạng: nơi ở và chủ nhà an toàn, tiện nghi đến đâu đều được phản ánh rõ từ những người đi trước. Nguyên tắc của Linh là không surfer (xin ở nhờ) ở những địa chỉ mới và chưa được kiểm chứng.
Trước khi vào ở, bạn bè và người thân của cô đều được share địa chỉ cụ thể cũng như tên tuổi chủ nhà. Kinh nghiệm này Linh áp dụng toàn thắng từ Úc đến Mỹ. Ở Úc, cô được ở nhờ căn hộ trong tòa nhà triệu đô Eureka đắt đỏ nhất Melbourne. Chủ nhà là một nghệ sĩ, hiếu khách đến nỗi còn trực tiếp xuống bếp nấu nướng chiêu đãi ba khách trọ. Ở Washington, Linh cùng bạn sống nhờ trong căn hộ của một bác sĩ. Bác sĩ rất bận nhưng cuối ngày vẫn dành thời gian dẫn bọn Linh đi ăn ở những quán «chỉ thổ địa mới biết». Đến New York, cô tiếp tục ở nhờ nhà một phụ nữ lớn tuổi sống một mình. Bởi vì chủ khách quá hòa hợp, Linh và bạn nán lại cả một tuần sửa hàng rào giúp chủ nhà.
Linh tổng kết, cả quãng thời gian đi bụi của cô hóa ra toàn gặp người tốt, đến mức các bài học tự vệ chưa khi nào phải dùng đến, cũng chưa từng gặp những chuyện suýt chết hoặc lâm vào «bước đường cùng». «Quan trọng là biết giới hạn của mình, không cố vượt qua để chứng tỏ điều gì. Sức đến đâu làm đến đó» Linh gật gù.
Học cách nói “không”
Một trong những bài học an toàn mà thế giới dạy cho Linh chính là cách nói “không” khi cảm thấy không thích, không an toàn, không thoải mái, không vui. Cô kể: để rút ra bài học này, cũng phải mất một thời gian dài. Bởi phụ nữ Việt Nam được dạy dỗ phải tuân theo: tuân theo bố, tuân theo chồng, tuân theo nam giới, họ rất ít có cơ hội nói không. Nhưng phụ nữ phương Tây khác, chỉ vì không thích bắt tay, không muốn bị chèo kéo, khi bị ép họ cũng có thể phản ứng rất dữ. Bằng những quan sát tích lũy, Linh hơn hai mươi tuổi mới “phát hiện ra châu Mỹ”: thì ra phụ nữ được quyền nói không, được quyền nói ra sự khó chịu.
Linh bắt đầu biết nói “không”, từ đó giảm đi rất nhiều rắc rối, cũng là cái khiên đắc dụng khi là con gái một thân một mình bên ngoài. Khi bị trêu, bị bắt nạt, bị nhìn khiếm nhã, cô gái hai mươi tuổi bắt đầu biết tìm kiếm sự giúp đỡ, biết chất vấn và nói thẳng.
Ngoài ba lô 7kg xách tay, trong túi tùy thân bên người của Linh luôn có kim băng và bình xịt cay. Linh giải thích: “đi nhiều mới phát hiện, kim băng mang theo giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ngoài chuyện phục vụ cho lúc sụt chỉ, đứt cúc, kim băng có thể thành một vũ khí tự vệ, cho mình thêm can đảm nhất là ở những chỗ không tiện lộ sự phòng vệ quá mức”.
Kiến thức cũng là thứ mà Linh hay nhấn mạnh, nhắc các cô gái phải mang theo khi ra ngoài một mình. Cho nên, dù tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc tại Đại học nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc, khi ra nghề không làm gì liên quan đến kiến trúc Linh cũng không hề tiếc. Bởi cái đã học là kiến thức, không có thời gian đó thì cũng không có cái Linh bây giờ.
Để an toàn khi đi du lịch solo, tốt nhất bạn nên biết mình sẽ đi đâu. Hãy hiểu về nơi đó một chút. Hãy đi nước gần, có văn hóa tương đồng, và họ làm du lịch tốt. Trường hợp ngoại ngữ chưa ổn, đây còn là bước cho bạn tập làm quen. Bằng cách ấy, bạn dần dần bước ra khỏi vùng an toàn chứ không phải một bước vào gió bụi ngay. (Nguyễn Hương Linh)
Đứng về phe nước mắt
Hiện Linh sống bằng việc làm sách và thiết kế mỹ thuật. Thời gian còn lại cô dành cho những dự án phi lợi nhuận hướng đến đối tượng và phụ nữ và trẻ em. Linh tổ chức rất nhiều workshop hướng dẫn phụ nữ vẽ, viết, kể ra những nỗi buồn, học cách thả lỏng và sống an nhiên.
Sự chia sẻ, thái độ sống tích cực và những lời cảm ơn của các khách mời chính là một động lực với Linh. “Trước đây chị cũng có tham gia một lớp vẽ. Người ta có một bức tranh mẫu rồi mình vẽ theo cho giống. Lúc tham gia xong chị thấy rất áp lực. Lúc nào mình cũng so sánh mình với người khác, rồi mình sợ vẽ không đẹp bằng. Người ta còn vẽ hộ mình nữa. Nhưng đến đây thì chị cảm thấy nhẹ nhàng, thấy được tự do và lắng nghe cảm xúc của mình hơn”.
“Khi tưởng tượng cảnh đối diện với phần tổn thương trong mình, em cảm thấy hơi xúc động nhưng đến khi viết thành thư thì lại thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng”.
“Hóa ra trong lúc mình cô đơn thì mình vẫn có mình”.
“Chưa bao giờ em viết thư cho mình cả. Viết xong em cảm thấy như lần đầu tiên được đối thoại với chính mình”.
“Ban đầu thì mình tính là chỗ này sẽ vẽ cái này, cái kia...nhưng đến lúc vẽ thấy nó không theo ý mình thế là mình mặc kệ luôn. Mình cứ thử chơi với nó xem nó ra sao. Chỗ mình tô vẽ nuột nà thì lại một màu, chẳng có gì thú vị, trong khi chỗ mình chơi tự do thì lại rất thú vị, hay ho”.