Trưởng phòng Nhân sự của CareerLink.vn - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, chia sẻ: “Sau kì nghỉ lễ dài, nhiều bạn sẽ rơi vào trạng thái uể oải, không nhiệt tình với công việc của mình dẫn đến giảm hiệu suất làm việc.” Vì vậy, để tìm lại “lửa” để bắt đầu một năm mới thuận lợi, các bạn trẻ nên tránh làm 5 điều này sau kỳ nghỉ nhé!
Tham khảo các thông tin tuyển dụng mới nhất tại careerlink.vn
Đi trễ về sớm
Có thể trong kỳ nghỉ bạn vui chơi bất chấp giờ giấc nhưng khi đã đi làm, có nghĩa là kỳ nghỉ của bạn đã kết thúc và bạn nên quay lại với “đồng hồ” của công ty. Hãy đến văn phòng sớm hơn một chút để tránh kẹt xe, giúp bạn có tinh thần thoải mái hơn. Đồng thời, điều này cũng giúp bạn có thời gian chủ động xem xét các giấy tờ, tài liệu trước khi bắt đầu ngày làm việc mới.
“Tám” chuyện cũ
Một kì nghỉ đã qua hẳn sẽ đọng lại nhiều trải nghiệm khác nhau cho mỗi người. Có thể bạn đã được đi đến một vùng đất mới lạ với nhiều trải nghiệm thú vị về lối sống và con người, bạn có những tấm ảnh đẹp cùng hàng vạn điều muốn “khoe” với đồng nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn cứ “tíu ta tíu tít” hoặc tập trung trả lời “comment Facebook” thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến người đang muốn bắt tay vào núi công việc đang chờ hoặc có việc gấp cần xử lý, và ngay chính bạn cũng sẽ gặp rắc rối bởi bạn cũng không phải là người “rảnh rang”.
Bạn hoàn toàn có thể có những cuộc bàn luận sôi nổi về kỉ niệm đã trải qua nhưng không phải tại môi trường công ty và trong giờ làm việc. Vậy nên, thay vì tốn thời gian “tám” với đồng nghiệp thì bạn hãy dành sức trẻ của mình để chiến đấu cho các nhiệm vụ mới đang chờ phía trước.
Bị chi phối bởi cảm xúc tiếc nuối
Khi trở lại môi trường công sở, bạn cần phải tập trung toàn tâm toàn ý cho việc công. Do vậy, bạn cần một tâm trạng hoàn toàn tươi tỉnh và lược bỏ cảm xúc buồn bã vì kỳ nghỉ đã kết thúc. Dù có yêu thích công việc đến đâu thì là những người trẻ trung và năng động, khả năng bạn yêu thích những ngày nghỉ của mình vẫn cao hơn phải không? Tuy nhiên, bạn cần thoát khỏi cảm giác nuối tiếc thì mới có thể tập trung duy trì phong độ làm việc, giúp đội nhóm bảo đảm tiến độ nếu không muốn tạo hình ảnh không tốt trong mắt đồng nghiệp, cấp trên.
Giữ thời gian “làm nóng máy” quá lâu
Sau kì nghỉ dài, các bạn thường có xu hướng làm việc chậm lại bởi cần thời gian để khởi động “nóng máy”. Việc này là dĩ nhiên và cấp trên sẽ thông hiểu vì “chiếc máy không thể đạt vận tốc 100km/giờ ngay từ lúc khởi động”.
Tuy nhiên, điều này chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian tối đa một ngày chứ không nên kéo dài đến cả tuần. Vì công việc và thời gian thì không đợi chờ ai, mà bạn cứ “ê a” sẽ khiến tiến độ bị đình trệ. Do đó, bạn không những phải nhanh chóng bắt nhịp với cường độ làm việc trước kia, mà đôi khi còn phải “doping” tăng tốc để “về đích” đúng thời hạn. Bằng sự hăng say và nhiệt tình của tuổi trẻ, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại “phong độ” ngay thôi.
Giữ nguyên hiện trạng “lộn xộn” nơi làm việc
Trước kỳ nghỉ lễ, các bạn thường đối mặt với deadline gấp rút nên bàn làm việc sẽ bề bộn các thứ như bút, sổ sách, giấy tờ các loại. Sau khi hoàn tất công việc, các bạn trẻ rất háo hức muốn nhanh chóng hòa vào không khí lễ hội vui chơi và “hứa hẹn” dọn dẹp sau. Nhưng nhiều bạn tiếp tục giữ nguyên sự “lộn xộn” dù kì nghỉ đã kết thúc và thản nhiên làm việc.
Thực tế, “bãi chiến trường” sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần, cũng như khiến bạn tốn nhiều thời gian để tìm kiếm vật dụng cần thiết. Thêm nữa, sẽ chẳng mấy ai thích có một đồng nghiệp lười nhác và thiếu ý thức chung bên cạnh. Do đó, bạn nên thu xếp bàn làm việc của mình để “góc nhỏ quen thuộc” trở nên thoáng đãng và gọn gàng. Chắc chắn một chiếc bàn tươm tất là dấu hiệu tốt cho một khởi đầu thắng lợi trong năm mới.