Giới trẻ: đi khắp thế gian và phá phách

Giới trẻ: đi khắp thế gian và phá phách
TP - Nếu không đọc Sáu người đi khắp thế gian thì tôi không biết có một thời, chiến tranh Việt Nam là đề tài chính trị gây tranh cãi nhất thế giới, xuất hiện trong các cuộc chuyện trò từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, giữa giới trẻ và giới già.

> Giật mình với ‘Sáu người đi khắp thế gian’

Sáu người đi khắp thế gian (The Drifters) cũng tình cờ là cuốn sách đầy đủ và đích đáng nhất về giới trẻ mà tôi đọc trong những năm gần đây.

Giới trẻ là những ai? Họ muốn gì? Quan tâm đến điều gì? Không (thèm) quan tâm đến điều gì? Điểm yếu của họ là gì? Họ sẽ đi đến đâu? Sẽ không đi đến đâu?

Nhà văn James Albert Michener đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, có lẽ là trong suốt cuộc đời 90 năm của ông, và một trong những thành quả là, cuốn tiểu thuyết 2 tập, được đánh giá là “đặc biệt thấu hiểu giới trẻ” này.

Để vẽ nên bức tranh phức tạp của mình, tác giả chọn nhân vật chính là một nhóm thanh niên 3 nam 3 nữ, thuộc nhiều quốc tịch, chủng tộc, khác nhau cả về quyền lợi giai cấp.

Họ hội ngộ ở một thành phố nhỏ có tên Torremolinos, Tây Ban Nha - được mệnh danh “thiên đường của giới trẻ”.

Và để có sự so sánh, phản chiếu, ông chọn kể câu chuyện qua góc nhìn của ông Fairbanks - một chuyên gia tài chính 60 tuổi, bạn đồng hành luôn quan sát nhóm bạn này trên hành trình của họ.

Trong 2 tập sách, nhóm bạn trải nghiệm thêm vài “thiên đường” dạng như Torremolinos. Và điểm chung ở đây là gì? Hay chính xác hơn, vì sao những nơi đó lại là thiên đường của họ?

Câu trả lời là: Thứ nhất, ở đó có nhiều, nhiều, rất nhiều người trẻ cùng trang lứa đến từ khắp các nước châu Âu và thế giới. Thứ hai, đó thực sự là nơi họ hầu như thích làm gì cũng được, mở ngoặc, ở đó có các quán bar mở thâu đêm và tình dục tự do. Thứ ba, nguồn cung cấp cần sa và ma túy không bao giờ cạn.

Đó là thiên đường, với giới trẻ (trong cuốn sách). Mặc dù với các phụ huynh của giới trẻ thì nghe giống địa ngục hơn.

Khởi đầu cuốn sách là cuối những năm 1960, khi Joe - một chàng trai Mỹ trong nhóm bạn- trốn đi lính ở Việt Nam vì phản đối cuộc chiến tranh này và lên đường sang Torremolinos.

Giới trẻ có khát khao thường xuyên hơn về sự tự do, không phải là tự do kiểu lý tưởng (như giới già), cho một dân tộc hay cho một giai cấp, mà là kiểu tự do thiên về hành vi, diễn nôm là “thích làm gì thì làm”. Điều đó cứ vài chục năm lại lặp lại ở một thế hệ khác, thế hệ vừa trở thành “giới trẻ” mới.

Trong sách, ở thập niên 70, việc phải làm theo những khuyên nhủ lẫn ép buộc của người lớn khiến Monica, Yigal, Joe, Gretchen, Britta và Cato vô cùng khó chịu.

Đến những năm 2000, Britney Spears vẫn hát những ca khúc trong đó nhấn mạnh nỗi bực mình đáng kể nhất (của giới trẻ thế hệ cô) là: phải hành động theo ý người khác, diễn nôm là “bảo gì làm nấy”.

Ai đã thực sự trải qua tuổi trẻ thì sẽ hiểu rằng đôi khi người trẻ phá một quy tắc cũ chỉ vì khao khát phá phách cái cũ chứ không nghĩ đến việc tạo ra một quy tắc mới (theo họ là) đúng đắn hơn.

“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”, Steve Jobs đã nói thế. Vậy giới trẻ có đáng trách? Có và không. Nếu cách tốt nhất để đúng đắn là cứ sai lầm trước đã, thì hãy làm như vậy.

Trong Sáu người đi khắp thế gian, những suy nghĩ trưởng thành, chín chắn, an toàn, cổ lỗ của ông Fairbanks (già) và ông Holt (trung niên) có dịp đối đầu chan chát với những suy nghĩ trẻ trung, càn quét, mạo hiểm, quá mới đến nỗi có vẻ không đúng đắn của nhóm 6 người bạn trên dưới 20 tuổi.

Mỗi khi nói chuyện họ cãi nhau không ngừng, già và trẻ, đôi khi là giữa nhóm trẻ với nhau. Từ gu nghe nhạc và xem phim, cho đến quan điểm về lòng dũng cảm, học vấn, hôn nhân, chính trị.

Còn đề tài chiến tranh Việt Nam, ai cũng nhắc đến như một nỗi ám ảnh của thời đại, nhưng không đồng tình với nhau.

Cuốn tiểu thuyết này - của nhà văn từng giành giải Pulitzer- James Albert Michener - xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1971, nằm trong số những cuốn sách bán chạy nhất thế kỷ 20 ở Mỹ. Tên gốc The Drifters nghĩa là “những người lang thang vô định”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG