Gieo phép màu cho trẻ tự kỷ

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Tháng 5 năm 2017, tổ chức  Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục với  Nguyễn Khôi Nguyên, 16 tuổi với nội dung: Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 quả bóng trên xe đạp 1 bánh trong thời gian lâu nhất. Người dạy dỗ và chứng kiến từng bước đi của cậu bé đặc biệt này, chính là nghệ sỹ xiếc Nguyễn Quang Thọ.

Sau nhiều lần hò hẹn, cuối cùng tôi cũng có buổi trò chuyện cùng Nguyễn Quang Thọ, bởi lịch làm việc bận rộn của anh, mà phần nhiều dành cho trẻ tự kỷ. Trong gần hai tiếng đồng hồ gặp gỡ, nghệ sỹ xiếc này dành phần lớn thời gian để nói về những học trò đặc biệt của mình, thay vì nói về mình. Ánh mắt đầy phần khích, Thọ chia sẻ: Không có gì hiệu quả với trẻ tự kỷ như xiếc. Vì xiếc giúp các bé giải phóng năng lượng bên trong, làm tăng khả năng tập trung của chúng. Nhìn thẳng vào tôi, Thọ bảo: “Chị cứ nghĩ xem, một khi con người ta đã tập trung thì làm gì chẳng được?”. Để có khẳng định chắc nịch ấy, Nguyễn Quang Thọ cũng trải qua một quá trình dài lầm tưởng, mất niềm tin.

Từ thất vọng đến hi vọng

“Tôi đã từng nghĩ Nguyễn Khôi Nguyên không bao giờ thành công”, nghệ sỹ chậm rãi kể. Năm 2006, anh được một đồng nghiệp giới thiệu tới Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Tâm Việt, vì khi đó trung tâm cần một diễn viên xiếc giỏi tung hứng để minh họa cho thuyết trình về con đường dẫn đến  thành công trong cuộc sống. Thành công đến với mỗi người cũng giống như hành trình học tung hứng của nghệ sỹ xiếc, tập nhiều, rơi nhiều mới có ngày thành thục, đơm hoa.

Cũng như mọi buổi biểu diễn kiếm tiền khác, những buổi trình diễn tại Tâm Việt cũng trôi nhanh, không để lại dấu ấn đặc biệt trong anh. Bẵng đi một thời gian rất dài, khi vừa đi diễn ở Pháp trở về Việt Nam, Nguyễn Quang Thọ nhận được điện thoại của “sếp” trung tâm Tâm Việt, lần này anh được giao nhiệm vụ mới: Kèm cặp một trò. Tưởng dạy một học trò nào đó có niềm yêu thích với xiếc, không ngờ xuất hiện trước mặt anh là một  bé tự kỷ, chính là Nguyễn Khôi Nguyên, năm ấy cậu bé mới 11 tuổi. Anh được trả  300 ngàn đồng cho một buổi dạy

Nguyễn Quang Thọ thú nhận: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản thù lao phù hợp thì dạy thôi, bởi tư duy của tôi lúc đó chỉ xoay quanh việc kiếm tiền, bù đắp cho cả tuổi trẻ đã miệt mài học xiếc”. Anh không tin xiếc có thể giúp ích cho cậu bé tự kỷ, càng không tin cậu bé tự kỷ có thể trở thành diễn viên xiếc. Cứ suy từ bản thân mà ra, suốt 7 năm lăn lộn với bộ môn tung hứng, mỗi ngày bỏ ra từ 6-8 tiếng rèn luyện, Quang Thọ mới thành công, trong khi anh đã là một nghệ sỹ xiếc được đào tạo bài bản.

Gieo phép màu cho trẻ tự kỷ ảnh 1

Nghệ sỹ xiếc Nguyễn Quang Thọ.

Ban đầu, đúng như dự đoán của Thọ, cậu bé tự kỷ chỉ ngồi một góc, cắn tay, cắn chân đến mức chảy máu, không để ý đến thầy Thọ đang tung hứng. Thầy Thọ cũng vậy, cứ làm những việc được thuê làm: “Thay vì tập ở trường, ở đoàn thì tôi đến đây, trong căn phòng 20 m2 này để tập”, anh nhớ lại. Và rồi điều kỳ diệu đầu tiên đã đến, khi những trái bóng rơi, lăn về phía Nguyên, cậu bé chộp lấy trái bóng, cho vào miệng định cắn, Quang Thọ vội chạy đến, nhắc cậu bé ngừng phá bóng. Cậu bé làm theo lời thầy giáo. Hứng khởi nhen nhóm, Thọ dạy cậu bé vài động tác tung hứng đơn giản. Khôi Nguyên làm theo, nhặt bóng tung lên nhưng không bắt được.

Sau đó, thầy giáo giúp Khôi Nguyên gần gũi hơn với bóng, khiến thời gian cậu bé tự kỷ ngồi một góc cắn móng tay ngày một ngắn hơn. Nhưng do công việc biểu diễn, thầy Thọ tiếp tục phải sang Pháp. Trước khi đi công tác, anh ngồi soạn thảo giáo trình hướng dẫn cách tập với 4 bóng cho những giáo viên ở lại tiếp tục dạy Khôi Nguyên. Sau 3 tháng, Nguyễn Quang Thọ trở về, anh ngỡ ngàng khi Khôi Nguyên đã tung được 4 bóng. Giáo viên cho biết:  Họ chỉ dạy theo giáo trình của anh để lại.

Thành tích của Khôi Nguyên khiến nghệ sỹ xiếc nhận ra, những đánh giá trước đây của anh về trẻ tự kỷ hoàn toàn sai lầm. Nguyễn Quang Thọ thay đổi cách nhìn: Xiếc mang đến phép màu cho người tự kỷ. Khôi Nguyên có thể trở thành diễn viên xiếc, tất cả người tự kỷ cũng đều có thể làm được như Nguyên, nếu họ được tận tâm chỉ dạy. Từ đây, Nguyễn Quang Thọ tỉ mẩn ghi chép mọi đổi thay, mọi sự tiến bộ dù nhỏ nhất từ cậu học trò đặc biệt, rồi phân tích, tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp hơn cho những buổi học sau. Cứ như thế, tình thầy trò lớn lên, Nguyên tiến bộ rõ rệt.

Gần gũi, dạy dỗ nhiều trẻ tự kỷ nên bây giờ chỉ thoáng qua thái độ của những đứa trẻ đặc biệt, anh biết chúng đang cảm thấy ra sao và giúp chúng giải thoát. Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều bậc phụ huynh có những đứa trẻ kém may mắn tìm đến thầy Thọ. Nhiều người tha thiết đề nghị anh mở trung tâm giúp đỡ trẻ tự kỷ. Trước mắt, Nguyễn Quang Thọ chưa thể thực hiện được điều này, anh còn có quá nhiều dự định và công việc của riêng mình, một nghệ sỹ xiếc. Nhưng khi sắp xếp được thời gian, Quang Thọ luôn mở rộng vòng tay với trẻ tự kỷ. Anh vừa nhận lời tham gia giảng dạy từ một hội phụ huynh của trẻ tự kỷ ở Hà Nội.

Thích con đường khó

Nguyễn Quang Thọ là một nghệ sỹ xiếc đa năng. Khi còn học ở trường xiếc, anh học tốt cả bốn bộ môn cơ bản của nghệ thuật xiếc. Tốt nghiệp trường xiếc với sở trường xiếc đu bay nhưng khi ra nghề nhìn thấy đồng nghiệp giỏi bộ môn tung hứng, lại thèm. Thế là lao vào tập, lại được một nghệ sỹ xiếc gốc Việt sống ở Đức, một tài năng của nghệ thuật tung hứng thế giới khích lệ, anh càng hăng hơn. Qua 7 năm miệt mài học tung hứng, kết quả đầu tiên Nguyễn Quang Thọ nhận được là huy chương đồng ở một liên hoan xiếc quốc tế. Chính quá trình mày mò tự tập đã giúp Thọ tích lũy được nhiều kinh nghiệm truyền thụ cho học trò.

Gieo phép màu cho trẻ tự kỷ ảnh 2

Nguyễn Khôi Nguyên từ trẻ tự kỷ đến nghệ sỹ xiếc tài năng

Anh chia sẻ: “Tung hứng là một bộ môn khó nhất của xiếc. Vì nó không nguy hiểm nên người ta thường tưởng dễ. Như bộ môn nhào lộn chỉ cần làm một động tác khán giả đã vỗ tay ngay, môn thăng bằng chỉ đứng trồng cây chuối khán giả đã thích. Còn tung hứng thì tung 3 quả người ta chưa thích, phải làm một chuỗi động tác liên hoàn không rơi, may ra mới chạm đến khán giả”. Nhưng tính Quang Thọ luôn thích con đường khó. Anh chính là một trong những diễn viên tham gia vở xiếc tre “Làng tôi”, dài 60 phút, biểu diễn thường kỳ ở Nhà hát Lớn Hà Nội từ năm 2016. Quang Thọ dành rất nhiều tâm huyết cho “Làng tôi” nhưng anh cũng nhận ra một sự thật: “Làng tôi” không hợp với khẩu vị của nhiều khán giả Việt. Khi diễn thử nghiệm trong 2 ngày, nếu người nước ngoài đứng dậy vỗ tay khen ngợi thì có những khán giả Việt lại nói những câu không thể vào tai. Họ hỏi: Thú đâu, hề đâu, tôi không đưa con đến xem loại xiếc này. Một bộ phận khán giả xem xiếc chỉ là xem diễn trò, xiếc nhất định phải có hề, có thú”, anh tổng kết. Mặc dù vậy, Nguyễn Quang Thọ vẫn kiên định với niềm say mê xiếc mới. Biết đâu sẽ đến một ngày anh và đồng nghiệp chinh phục được khán giả Việt bằng chính xiếc mới, giống như đã đưa được phép màu từ xiếc đến với trẻ tự kỷ?

Các con không thay đổi thì mình phải thay đổi

Một trong những cản trở lớn mà người tự kỷ gặp phải là sự mất tập trung. Dạy Khôi Nguyên tung 4 bóng, nghệ sỹ xiếc nhận thấy độ tập trung của cậu bé vẫn rất hạn chế. Quang Thọ liên tục tìm đáp án cho câu hỏi: “Vì sao Nguyên không tập trung? Trong khi, muốn thành công với bộ môn tung hứng thì phải tập trung”. Anh áp dụng một loạt biện pháp: Cho con đứng trên con lăn, cho đội chai... Tín hiệu nhận được ban đầu tưởng như sáng sủa rồi lại tắt. Bởi khi đã đứng được trên con lăn, Nguyên lại trở về trạng thái mất tập trung như thường thấy. Quang Thọ phải thay đổi không gian. Từ dưới đất anh đẩy Khôi Nguyên lên cao hơn, trong không gian chấp chới nguy hiểm, theo bản năng cậu bé buộc phải tập trung cao độ. Thời gian tăng dần từ 5 giây đến 10 giây, 15 giây rồi một phút, Thọ thử thách Nguyên mỗi lúc một lâu hơn, để tăng khả năng tập trung của cậu bé  từng chút, từng chút một. Khi năng lực tập trung của Nguyên đạt đến độ nhất định, anh đẩy kỹ thuật tung hứng vào. Bộ môn tung hứng giúp cậu bé tự kỷ giải phóng năng lượng bên trong. Tung hứng khiến trẻ mệt mỏi nhưng chính trong sự mệt mỏi, thể lực trẻ lại tăng lên, cơ bắp, xương khớp cứng cáp dần.

Từ việc dạy Nguyễn Khôi Nguyên, nghệ sỹ xiếc đúc kết bài học khi dạy trẻ tự kỷ: “Các con không thay đổi thì mình phải thay đổi. Dạy trẻ tự kỷ đừng mong chờ sự thay đổi bắt đầu từ phía các con. Nếu dạy mãi các con không thay đổi, người dạy phải đổi cách thức mới, giúp các bé thay đổi”. Không phải đứa trẻ tự kỷ nào cũng có năng lực như nhau, có trẻ không tập được tung hứng, Nguyễn Quang Thọ không ép, lại chuyển qua dạy các bé đi dây. Khi các bé kém hào hứng với  xiếc, anh lại dắt trẻ đi chơi, đến lúc tâm trạng chúng trở nên thoải mái, anh cho tập lại.

MỚI - NÓNG