Gieo mầm 'trung thực, tử tế' vào khách hàng

Mô hình kinh doanh của Đào Khánh Hiệp được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Ảnh: NVCC.
Mô hình kinh doanh của Đào Khánh Hiệp được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Ảnh: NVCC.
TP - Những ngày đầu mở cửa hàng Mama Fanbox, khách hàng tự phục vụ, không có nhân viên bán hàng- nhiều người thân tưởng anh bị “điên”, ra sức can ngăn. Anh vẫn mở và sau hơn 1 năm đã xây dựng thành công chuỗi cửa hàng Mama Fanbox, đồng thời gieo mầm “sống tử tế” vào khách hàng và lan tỏa nó.

Vào quán tự phục vụ

Một Mama Fanbox của anh Đào Khánh Hiệp (sinh năm 1983) nằm trên phố Lê Duẩn (Hà Nội), có diện tích khoảng 20m2.Nhìn bên ngoài cửa hàng không quá khác biệt so với những cửa hàng bên cạnh, nhưng chỉ khi bấm chuông và cánh cửa tự động mở, vào quán mới thực sự là một trải nghiệm thú vị. 

Một mình một quán, không có người bán hàng, tất cả đều tự phục vụ, kể cả việc lấy điều khiển bật điều hoà. Đối với những khách lần đầu bước vào còn lạ lẫm, cửa hàng đã có chỉ dẫn để nơi dễ quan sát hoặc có thể nhận sự hỗ trợ từ trung tâm quản lý cửa hàng thông qua một camera quan sát và hệ thống loa.

Sản phẩm của cửa hàng bày bán trong chiếc tủ lạnh lớn với đủ loại thức uống, chocolate và rất nhiều kem tươi. Giá được niêm yết trên thực đơn. Khách thoải mái lựa chọn đồ mình thích mà không có cảm giác áy náy khi để nhân viên phục vụ như trong các cửa hàng truyền thống. Tại quầy thanh toán, khách tự dùng thiết bị quét mã vạch sản phẩm, giá hiện lên trên màn hình máy tính và chỉ việc điền số điện thoại, máy sẽ in hoá đơn. Sau đó, khách cho tiền cùng hoá đơn vào bao nilon được cửa hàng chuẩn bị sẵn, thả vào thùng gỗ.Và khách có thể ngồi thưởng thức những đồ mình lựa chọn.

Lan tỏa niềm tin và sự tử tế

Chia sẻ về cửa hàng tự phục vụ, Đào Khánh Hiệp cho biết ý tưởng được ấp ủ từ những ngày theo học lập trình tại Nhật Bản. Ấn tượng trước mô hình “mini shop không người bán” và sự trung thực, lao động của người dân. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán thông báo giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày hết giờ làm việc, họ mang thùng tiền về nhà. Người Nhật tự hào không bao giờ có “ăn cắp vặt” và ngay trong từ điển của họ cũng không có từ này. “Ngưỡng mộ sự trung thực của người Nhật và có niềm tin xây dựng nét đặc trưng về văn hoá cùng fan của cửa hàng, xây dựng những câu chuyện về ý thức, sự trung thực và đạo đức của người Việt mà tôi quyết định áp dụng mô hình này”, anh Hiệp nói.

Những ngày đầu mở cửa hàng anh Hiệp gặp không ít khó khăn.Việc xuất hiện cửa hàng tự phục vụ ở Việt Nam ngược lại thói quen mua hàng của khách. Mọi thứ đều mới mẻ, anh vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, hướng tới sao cho khách hàng khi bước vào quán cảm thấy tự tin, thoải mái và cũng tiện nghi nhất.

Cửa hàng đầu tiên của anh Đào Khánh Hiệp mở tháng 6/2016 với số tiền đầu tư hơn 90 triệu đồng. Chỉ sau một mùa Valentine đã thu hoàn số vốn ban đầu. Không ngừng mở rộng mô hình và các tiện ích, đến nay, Mama Fanbox đã có hệ thống tại Hà Nội và Hải Phòng. Tại cửa hàng mới khai trương ở Hà Nội với không gian 3 tầng, anh Hiệp bố trí thành nhiều không gian tiện ích như khu vực tự nấu ăn đơn giản, ghế nằm nghỉ, máy in ảnh miễn phí…

Triết lý kinh doanh của anh Hiệp là hướng tới giảm chi phí cố định, dịch vụ quản lý để tăng chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng tốt, giá thành hợp lý. “Mục tiêu đến cuối năm nay sẽ nâng tổng số Mama Fanbox lên gần 10 điểm, đồng thời đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng và nâng cấp công nghệ, dịch vụ sao cho đơn giản nhất để các em nhỏ, người già cũng dễ dàng sử dụng”, anh Hiệp tiết lộ.

Anh Hiệp chia sẻ thêm, trong hàng nghìn đơn hàng bán ra, tỷ lệ không trả tiền hay trả tiền thiếu rất thấp, chỉ vài đơn hàng, chủ yếu là các bạn nhỏ tò mò xem không thanh toán có bị làm sao không. “Tuy hệ thống cửa hàng ghi lại được, nhưng chưa xử lý cũng như không đưa lên fanpage vì sẽ khó kiểm soát được hậu quả cho các em và mang tính trừng phạt, mất tính giáo dục định hướng’’, anh Hiệp nói.

Với những thành công bước đầu từ chuỗi cửa hàng tự chọn, anh Đào Khánh Hiệp nhận ra rằng “muốn khách hàng trung thực, cần phải tin tưởng họ trước.Trao niềm tin, bạn sẽ nhận lại điều tương tự”.Và đó cũng chính là gieo mầm “sống tử tế” vào nhiều người.

“Tôi rất tin tưởng vào khách hàng của mình, muốn cùng họ tạo nên một văn hóa tiêu dùng mới, thay đổi cách nhìn nhận của người Việt về người Việt. Tôi muốn lồng ghép văn hóa tiêu dùng vào sản phẩm và tìm ra được những khách hàng tử tế và lan tỏa sự tử tế đó ra ngoài. Rất nhiều người tốt xung quanh chúng ta, họ chỉ chưa có chỗ để thể hiện mà thôi.Nhiều người coi Mama Fanbox giống như ở nhà, họ đến quét sàn, lau nhà, tưới cây… làm mình cảm thấy xúc động”.

Anh Đào Khánh Hiệp

MỚI - NÓNG