Từng là "nguồn nước của một thời", giếng khơi như là một nhân chứng cho nhiều đổi thay của Hà Nội. Cách đây khoảng 30 năm, giếng khơi vẫn là nguồn nước không thể thiếu ở những khu phố cũ...
Giếng khơi - Nét văn hóa làng xã giữa lòng Hà Nội
Từng là "nguồn nước của một thời", giếng khơi như là một nhân chứng cho nhiều đổi thay của Hà Nội. Cách đây khoảng 30 năm, giếng khơi vẫn là nguồn nước không thể thiếu ở những khu phố cũ...
Khi đó, nước máy nồng nặc mùi thuốc khử trùng còn là thứ xa xỉ. Người ta xếp hàng từ sáng sớm, thậm chí đêm hôm xếp hàng để hứng nước máy dùng “ăn”, còn những sinh hoạt hàng ngày khác đều phụ thuộc vào giếng khơi. Bên miệng giếng, thuộc tính cộng đồng của giếng làng vẫn còn giữ nguyên nơi thành thị, tiếp tục thẩm thấu vào mọi sinh hoạt của người dân.
Mỗi số nhà (VD: số nhà 38 phố Hàng Bông) với khoảng 20 hộ gia đình, thường có một giếng, và quen gọi là xóm. Xóm 38. Giếng xóm đông vui nhất lúc chuẩn bị cơm chiều. Chứng kiến nhiều tâm sự giãi bày, những câu chuyện vui vẻ, hay những lời có cánh đưa đẩy của đôi trai gái trong lúc rửa rau vo gạo, đánh răng rửa mặt... Rồi cả những cuộc cãi vã, xô xát cũng không hiếm gặp.
Cuộc sống cựa mình chuyển biến, nước máy bắt đầu được cung ứng đầy đủ. Các hộ gia đình thuê thợ nước đấu hẳn vòi vào nhà, xây thêm công trình phụ. Sinh hoạt dần khép kín thay vì phải chung đụng phức tạp như trước kia. Người ta bắt đầu ít xuống giếng, quên dần nó để hưởng thụ những tiện nghi tốt hơn của cuộc sống.
Giếng khơi thất thế. Sân giếng chung co hẹp lại để dùng cho mục đích khác phù hợp hơn. Nguồn nước mát trong từ giếng khơi không còn được trọng dụng, người ta quên dần tính cộng đồng của văn hóa làng xã nơi sân giếng, thay vào đó tính chất khép kín trong căn hộ thời nay.
"Cứu tinh" của một thời khó khăn điện nước nay đã bị dân phố bỏ quên, như bỏ đi một đồ vật đã lỗi thời của cuộc sống hiện đại.
|
Đây là giếng ở nhà 19 ngõ Tạm Thương. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - chủ nhà - giếng đã có từ hơn trăm năm nay. |
|
Nước giếng hiện tại vẫn còn trong và gia đình ông Ngọc vẫn đang sử dụng. Thường thì người ta không nuôi cá trong thời kỳ khan hiếm nước vì sợ mùi tanh. |
|
Nước giếng vẫn được dùng trong các sinh hoạt của gia đình ông Ngọc, trừ nước ăn. |
|
Thành giếng được xây gạch đỏ nguyên bản, có chiều cao khá thấp. Đường kính miệng giếng khoảng gần 2m, lòng giếng có độ sâu khoảng 4m. |
|
Vì nguồn nước còn tốt, gia đình ông Ngọc vẫn chưa có ý định lấp giếng, hay bỏ không sử dụng nó. |
|
Giếng chung ở ngõ Hàng Chỉ, đây là giếng duy nhất còn lại ở đây vẫn được sử dụng. Nước giếng cực trong và không có mùi. |
|
Cả ngõ có 4 giếng, 3 giếng nằm trong các gia đình đã bị lấp vì mạch nước không tốt. Người dân ngõ Hàng Chỉ vẫn ưa dùng nước giếng để tắm trong những ngày hè nóng vì khi dội nước lên người cảm giác mát lạnh. |
|
"Giếng sâu hơn một cây tre. Có những thời điểm mất nước, giếng là nguồn cung cấp cho các mấy tuyến phố lân cận" bà Phạm Thị Bắc người sống lâu năm ở đây nói. |
|
Sân giếng chung vắng vẻ, nước giếng bây giờ chỉ còn được trọng dụng trong những ngày hè nóng bức, rửa các đồ vật mà thôi. |
|
Giếng khơi chung của số nhà 38 Hàng Bông. Nay nó đã "đắp chiếu" vì mạch nước ô nhiễm. |
|
Giếng có độ sâu khoảng 8m, thành cao để tránh nước bẩn vào giếng. Trước năm 2000, nước vẫn trong và còn được sử dụng cho việc tắm giặt. |
|
Nay nước đã chuyển sang màu đen bùn và có mùi, không ai sử dụng. |
|
Nằm trong khu nhà cổ, nhiều người cho rằng giếng được đào từ khi xây nhà. Sân giếng nay vẫn còn là nơi sinh hoạt chung của số nhà 38. |
|
Đây là giếng của số nhà 40 Hàng Bông. Sân giếng chung đã được sửa lại, nhưng nước thì đã hỏng do ô nhiễm. |
|
Giếng có độ sâu khoảng 7 - 8m, trước đây là nguồn nước chính của "xóm 40" những năm 80 thế kỷ trước bởi mạch nước rất trong, không có mùi. |
|
Những năm 80, chiếc sân giếng này là nơi sinh hoạt chung của gần 20 hộ dân "xóm 40". Vào ngày hè nóng bức, khi giếng gần cạn nước, bọn trẻ trong "xóm" lại hùa nhau bắc thang chui xuống giếng nạo vét để làm trong nước. |
|
Đây là giếng khơi đặc biệt ở phố Hà Bút, nó có tên là "giếng Liên khu 3". |
|
Tên gọi này xuất phát từ khi "đội Tự vệ thành đào giếng để lấy nước trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp" - một người dân ở phố Hàng Bút nói. |
|
Nước giếng vẫn còn rất trong, sạch. Các hộ gia đình ở đây vẫn sử dụng nước giếng song song cùng nguồn nước máy. |
|
Hầu hết các hộ gia đình sống gần giếng đều thích thú với chiếc giếng vẫn còn được sử dụng, nhất là khi kể lại những ký ức về nét văn hóa làng xã một thời ở phố cổ Hà Nội. |
Theo Hữu Nghị
Dân Trí
Theo Đăng lại