Giây phút sinh tử của chàng trai rơi xuống vực Yên Tử

Giây phút sinh tử của chàng trai rơi xuống vực Yên Tử
Sau hai cú rơi liên tiếp với tổng độ cao gần 100 m, Quyền tiếp đất với nhiều vết thương. Tuy nhiên, chàng trai 27 tuổi vẫn sống sót sau một ngày đêm trong rừng Yên Tử (Quảng Ninh) với giá rét, đói và đau.

> Rơi xuống vực sâu, hôm sau được cứu

Sống sót trở về từ vực sâu Yên Tử, chàng trai Nguyễn Tài Quyền, 27 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc bị văng xuống vực vào khoảng 16h30 hôm 13-12. Hiện nằm tại khoa Cột sống, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Quyền tỉnh táo và đã có thể trò chuyện.

Quyền bảo bây giờ mới ngấm đau, những vết thương khiến cậu không thể nào ngủ được. Trên khuôn mặt trắng trẻo của chàng trai, những vết xước do va chạm đỏ ửng và chằng chịt trên má. Một bên mắt thâm tím, cả chân, tay của cậu đều bị trầy. Mọi sinh hoạt bình thường giờ Quyền trông cả vào sự trợ giúp của bố mẹ.

Quyền kể, vì muốn chụp được ảnh đám mây nên cậu đã phải đợi tới tận khi trời hết nắng. Đứng trên đỉnh núi chùa Đồng, cậu quyết định leo ra ngoài lan can, nơi vẫn còn một khoảng trống, để mong chớp được khoảnh khắc như ý. Trong lúc đang mải mê chụp, cậu bị vướng dây máy ảnh vào lan can. Định gạt dây ra thì không may quăng cả người đi.

Quyền rơi tự do xuống một hẻm núi. Cậu bảo không thấy sợ bởi có lẽ do mệt mỏi và quá đau. “Tỉnh lại, trời đã tối, gió lùa mạnh. Tôi thấy lạnh và muốn tìm rơm hay lùm cây để trú. Tuy nhiên toàn thân đau nhức nên tôi phải dịch chuyển từng chút bằng mông, đầu và chân”, Quyền kể lại.

Trong lúc cố men vào một mép đá, Quyền lại rơi tiếp xuống vực sâu hun hút. Lúc này, chân bị chấn thương không thể cử động. Mắt kính va vào mắt đau điếng, bả vai, lưng, bụng đều rất đau. Không thể trườn được nữa và sợ tiếp tục bị rơi, Quyền nằm im trong đêm tối.

“Trời sáng, tôi muốn kêu lên để mọi người đến cứu nhưng lúc đó rất đau và đã kiệt sức. Tôi nghe rõ tiếng chim kêu, tiếng chó sủa và cả tiếng người đâu đó. Biết mọi người đi tìm nhưng tôi không sao cho họ biết được”, Quyền cho biết.

Trước đó, Quyền đã tới khu di tích Yên Tử một ngày để làm các thủ tục lễ bái. Hôm sau (13/12), cậu đi chụp ảnh và gặp nạn. Một ngày sau khi thấy khách trọ không về, chủ nhà trọ nơi Quyền ở đã báo Trung tâm quản lý di tích danh thắng Yên Tử. Trung tâm đã huy động nhóm của anh Vũ Ngọc Hương gồm hơn 40 người đi tìm kiếm.

Khó khăn lớn nhất của anh Hương và anh em là xác định nạn nhân đã xuống núi hay còn bị lạc. Sau khi chắp nối thông tin từ xe ôm, người bán quán nước, họ xác định có thể Quyền bị trượt ngã trong lúc đi chụp ảnh (nạn nhân có mang theo máy ảnh). Lần theo vết trượt mới trên lá khô, thấy vết máu còn mới, anh Hương cùng mọi người tụt xuống vách dựng đứng để tìm tiếp.

Anh Hương cho hay, nhóm anh quanh quẩn chỗ Quyền nằm hai lần nhưng không biết nạn nhân ở đó. Mãi tới lần thứ ba quay lại, họ nghe tiếng “người đây rồi” mới biết đã tìm được Quyền. Để tụt xuống chỗ Quyền, cả nhóm phải bám cành cây, đu dây, vạch rừng và men theo vách đá dựng đứng mà đi. Nhìn thấy Quyền, ai nấy quên hết mệt mỏi, khẩn trương tiếp cận trước khi trời tối.

Anh Hương gọi điện về trung tâm thông báo đã tìm thấy người đồng thời huy động thêm lực lương, yêu cầu mang dây, dao, đèn pin và nước. Nhóm đã phải lấy vỏ chăn của trạm gần đó buộc vào cành cây làm võng. Vừa khiêng, đẩy, kéo, cả nhóm cùng bám vào vai nhau vạch rừng rậm, gai góc cốt đưa nạn nhân đi sớm nhất.

Vài ngày sau khi giải cứu Quyền an toàn, anh Hương vẫn còn bị ám ảnh hình ảnh đầu tiên lúc nhìn thấy nạn nhân. Biết nạn nhân vẫn còn sống sau một đêm lạnh giá trong rừng, cả nhóm ai cũng xúc động và nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu hộ. Theo anh Hương, từ vị trí Quyền trượt chân đến điểm rơi thứ nhất có độ cao 15 m, vách thứ hai có độ cao khoảng 70-80 m.

“Lúc phát hiện Quyền, cậu ấy nằm ngửa, bất động như một đứa trẻ mới sinh. Một chân mắc vào cành cây, trên người nạn nhân không có vết thương hở. Quyền kiệt sức, đói, khát và lạnh. Cậu ấy mở to mắt yếu ớt nói em đây rồi”, anh Hương kể.

Trong 10 năm làm công tác cứu hộ ở Yên Tử, anh Hương từng giải cứu nhiều vụ nguy hiểm nhưng đây là lần đầu tiên nạn nhân vẫn còn sống sau cú ngã xuống vực và ở một đêm lạnh, đói trong rừng.

Ngay khi được thông báo, gia đình Quyền đã thuê xe xuống Quảng Ninh đưa cậu về điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Theo người nhà của Quyền, ngoài bị nứt đốt sống và gãy xương đòn, cậu có dấu hiệu của suy thận do ngã cao, đụng giập nhiều cơ quan nội tạng. Bởi vậy ca mổ cố định cột sống sẽ bị lùi vào ngày 19-12.

Theo Bình Minh
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG