Phụ nữ thuộc tầng lớp giàu có tại Hàn Quốc và Nhật Bản thuộc tập khách hàng quan trọng mà các nhãn hàng cao cấp cần đầu tư để phục vụ và nắm bắt tâm lý, theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Agility Research.
Dựa trên các yếu tố về tính cách, sở thích, thói quen sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, các thương hiệu yêu thích, điểm đến du lịch, kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ Hàn Quốc, Nhật Bản đều “tự tin” về khoản mua sắm hàng xa xỉ, bỏ tiền cho những dịch vụ cao cấp, “sang chảnh”, tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên, thói quen mua sắm ở nữ giới 2 nước lại chứng kiến nhiều khác biệt. Trong khi phụ nữ Nhật Bản thường mạnh tay chi cho đồng hồ cao cấp, sang trọng, phụ nữ Hàn Quốc thích sắm sửa quần áo đắt tiền.
Tại Hàn Quốc, phụ nữ có thói quen lên kế hoạch cẩn thận trước mỗi lần “rút ví” cho các mặt hàng có giá cả nghìn USD.
Sự trỗi dậy của mạng xã hội trong thập kỷ qua ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống và thói quen tiêu dùng của phụ nữ xứ củ sâm.
50% nữ giới giàu có tại xứ kim chi sử dụng mạng xã hội để xem các bài đăng từ các thương hiệu xa xỉ, hoặc theo dõi người nổi tiếng đang mặc hoặc dùng sản phẩm nào.
Từ đó, họ trở thành khách hàng thân quen của một vài thương hiệu nhất định và thích được gọi là “những người tạo ra xu hướng”.
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ Hàn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ mạng xã hội, với 26% số người mua một món đồ cao cấp bởi vì nó được người nổi tiếng quảng cáo trên mạng, so với 14% phụ nữ tại Nhật Bản.
Mặt khác, phái đẹp ở xứ kim chi có thói quen “khoe” rộng rãi các mặt hàng xa xỉ lên mạng, với 29% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên đăng tải ảnh túi xách, quần áo hàng hiệu.
Đi du lịch, họ không ngần ngại chi bội tiền cho các chuyến đi nước ngoài, với các điểm đến ở phương Tây như Mỹ và Châu Âu là lựa chọn hàng đầu. Trong suốt kỳ nghỉ, phụ nữ Hàn thường có xu hướng “vung tay” mạnh hơn cho việc mua sắm.
Ngược lại, phụ nữ Nhật Bản thích đi đầu xu hướng, bắt “trend” nên thường không trung thành với một nhãn hàng riêng biệt.
Không đặc biệt yêu thích thương hiệu nào, các cô gái thích chạy theo những thứ đang được đóng mác “thịnh hành” và mua sắm có phần thoải mái, “hứng lên thì mua”.
Khác với phụ nữ Hàn, nữ giới Nhật Bản cập nhật tin tức mỗi ngày thông qua mạng xã hội.
Đi du lịch, họ cũng ưu tiên khám phá các địa điểm trong nước. Phụ nữ Nhật thích tham gia các chuyến tham quan thành phố hoặc các hoạt động mạo hiểm, ví dụ như lặn, bơi ngoài bãi biển.
Nữ giới ở đất nước mặt trời mọc chú trọng đầu tư vào tương lai, với 75% phụ nữ giàu có thường dựa vào sự giúp đỡ của các cố vấn tài chính.
Trong cuộc khảo sát của Agility Research, ngày nay, thế hệ phụ nữ giàu có tại Nhật Bản quan tâm đến việc “duy trì lối sống sau khi nghỉ hưu”, trong khi phụ nữ Hàn Quốc đế ý nhiều hơn đến việc “tiết kiệm đáng kể thu nhập”.
Nghiên cứu cho thấy các ưu tiên tài chính của phụ nữ giàu có ở cả hai quốc gia có nét tương đồng khi cả hai đều lo ngại về sự ổn định tài chính dài hạn.
Về quyền sở hữu tài sản, phụ nữ thượng lưu ở Hàn Quốc chủ yếu sở hữu nhà riêng, còn phụ nữ nhiều tiền tại Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài.