> Viêm ruột liên quan với thuốc uống tránh thai
Tác dụng phụ
Sau khi sinh cậu con trai thứ hai được 6 tháng thì chị Hoa (Mai Dịch, Từ Liêm) dính bầu. Vì đã sinh đủ 2 con nên hai vợ chồng chị quyết định “bỏ” thai. Nỗi đau phá thai khiến chị bị ám ảnh một thời gian dài sau đó. Chị liền tìm đến bác sĩ để đặt vòng. Song do không hợp nên chị bị sụt cân, rong kinh nhiều ngày liền. Chị Hoa lại phải đến bệnh viện để tháo vòng. Nỗi lo lại tiếp tục mang thai khiến chị tìm đến phương pháp tiêm thuốc tránh thai do được một người bạn mách (2 mũi/6 tháng).
Tiêm xong mũi thứ nhất, chị Hoa thấy mất kinh. Mấy tháng sau chị tiêm tiếp mũi thứ hai nhưng vẫn chưa thấy có kinh trở lại. Chị hết sức hoang mang nhưng cũng không biết phải làm sao vì thuốc đã tiêm vào rồi, đâu lấy ra được.
Có cùng hoàn cảnh với chị Hoa là chị Vân (Mỹ Đình, Từ Liêm). Nhưng điều đáng tiếc là chị Vân do kế hoạch chưa có con nên chị tiêm thuốc tránh thai. Sau ngày tiêm thuốc hai năm, vợ chồng chị muốn có con nhưng mãi vẫn không thấy. Tìm đến bác sĩ chị mới tá hỏa khi biết rằng nang trứng bị mỏng, niêm mạc bị teo nên chưa thể có kinh và có con được. Hiện chị đang hết sức lo lắng vì sợ bị vô sinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Mỗi loại thuốc tránh thai như thuốc uống, tiêm bắp thịt, hoặc cấy dưới da, với những ưu điểm và nhược điểm riêng. Thuốc tiêm tránh thai DMPA (Dehydro Medroxy Progesterone Acetate) là loại thuốc tránh thai hiện đại có hormone progestin liều 150 mg. Nhằm mở rộng phạm vi lựa chọn biện pháp tránh thai, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai sử dụng DMPA tại nước ta từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cho đến nay nó đã được sử dụng phổ cập tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. DMPA có thể được chỉ định cho bất cứ phụ nữ nào ở lứa tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai tự chọn, và không có chống chỉ định.
DMPA có ưu điểm là tránh thai được lâu dài (3 tháng) và có hiệu quả tránh thai cao (99,6%). Với đặc tính liều dùng cao, hấp thu chậm nên thuốc luôn luôn có mặt trong cơ thể, phát huy hiệu lực cao, có thể coi như đình sản tạm thời. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế rụng trứng gần như 100%. Ngoài ra, còn ức chế chất nhầy cổ tử cung cũng rất mạnh, khiến cho tinh trùng không thể thâm nhập được để lên buồng tử cung. Thuốc làm teo niêm mạc tử cung khiến trứng khó có khả năng làm tổ. Tuy nhiên với những phụ nữ chưa có con thì không nên sử dụng biện pháp tránh thai này.
Một trong những tác dụng phụ khác của thuốc, khiến không ít chị em từng dùng hoang mang là hay gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh. Ngoài ra cũng bởi thuốc có tác dụng kéo dài, nên nếu cảm thấy không hợp, bị tác dụng phụ không chịu đựng được thì lại không thể đưa thuốc ra nhanh khỏi cơ thể.
Tăng nguy cơ ung thư vú
Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy những phụ nữ sử dụng thuốc progestin dạng tiêm (được bán dưới nhãn thuốc Depo-Provera) trong thời gian từ một năm trở lên sẽ có khả năng mắc bệnh ung thư vú cao gấp 2,2 lần so với bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ này cũng giảm dần sau khi ngưng tiêm thuốc vài tháng. Bên cạnh đó, những phụ nữ sử dụng hình thức tiêm thuốc trong thời gian ít hơn một năm sẽ không bị nguy cơ ung thư đe dọa.
Trước nghiên cứu của Mỹ, khá nhiều nước khác cũng đã cho rằng nguy cơ mắc ung thư vú leo thang có liên quan đến thuốc tiêm tránh thai (cụ thể là đến hợp chất DMPA trong thuốc).
Vì vậy trước khi sử dụng một biện pháp tránh thai, mọi người cần tìm hiểu kỹ xem loại nào phù hợp với mình để lựa chọn, tránh những rắc rối sau đó. Đồng thời nên đến gặp những bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm để được tư vấn.
Theo Mai Hà
An ninh Thủ đô