Chủ trì Tọa đàm "Thực trạn và giải pháp công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số" có Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy; Phó Vụ trưởng Chính sách Dân tộc Ban Dân tộc Bế Thị Hồng Vân; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Bộ GD&ĐT Lê Như Xuyên.
Tham dự chương trình có 63 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
Tọa đàm đã có 15 ý kiến chia sẻ về những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số; đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc một số kiến nghị nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao...
Cô giáo Mùa Thị A (Trường mầm non Hoa Đào xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Học sinh mỗi vùng dân tộc thiểu số bên cạnh những khó khăn chung thì có những hạn chế riêng. Việc áp dụng chương trình dạy kiến thức chung gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những kiến thức phù hợp với từng vùng miền. Ngoài ra, học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều em không có đủ tiền để mua sách vở đi học. Mong các cấp các ngành chó chính sách hỗ trợ, phát sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Cô giáo Hà Thị Hiền (Trường Tiểu học và THCS Phú Cường, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Hiện nay theo quy định mỗi lớp bậc THCS không 45 học sinh, ở trường Phú Cường trung bình 40 học sinh/lớp. Tuy nhiên học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp nhận kiến thức hơn so với những học sinh ở vùng thuận lợi. "Có những em học sinh lớp 7 do tôi phụ trách, khả năng đọc còn chậm hơn so với con tôi đang học cấp 1 ở thị trấn. Tôi đề nghị giảm sĩ số học sinh trong một lớp để giáo viên có điều kiện quan tâm, kèm cặp các em học sinh được tốt hơn", cô Hiền nói.