Diễn đàn này do Bộ GD&ĐT và Microsoft Việt Nam tổ chức. Đây là sân chơi lớn dành cho giáo viên bởi sự ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của những người làm giáo dục đầy nhiệt huyết đang từng ngày học hỏi, sáng tạo không ngừng hướng tới sự đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.
Trong kỷ nguyên internet và công nghệ 4.0, giáo dục đã thay đổi hoàn toàn vượt qua khỏi ranh giới sách giáo khoa và 4 bức tường lớp học, chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức (knowledge based) sang giáo dục kỹ năng (skill based).
Học sinh hóa thân thành y tá, bác sĩ
Có tới 9/50 dự án vào Vòng Chung kết Toàn quốc, trường Wellspring Hà Nội là trường có số lượng dự án nhiều nhất được chọn vào vòng chung kết Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT năm nay.
Là ngôi trường luôn đề cao tính đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy và học từ bậc Tiểu học tới THPT, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà trường đã trở thành một trong những bí quyết khiến các thầy cô giữ nhiệt huyết trên bục giảng và thường xuyên nhận được phản hồi tốt của học sinh.
Dự án 10X Startup của cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh (Trường Tiểu học Wellspring) là một ví dụ điển hình. Dựa trên nền tảng kiến thức Toán học về tỉ số phần trăm, học sinh sẽ liên hệ tính thực tế của môn học thông qua việc lập kế hoạch, tính lỗ lãi cơ bản, tính tiền các mặt hàng giảm giá, thực hiện khảo sát hành vi để ra quyết định.
Nhóm 10X Startup hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ khi thành lập các bộ phận với vai trò rất rõ ràng như Ban Quản trị, bộ phận bán hàng, Marketing, sản xuất,.. Mỗi nhóm sẽ cần xử lý rất nhiều bài tập và nhiệm vụ. Vì thế việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công việc.
“Với mỗi một ứng dụng, khi cần sử dụng trong hoạt động cụ thể nào, giáo viên sẽ gửi hướng dẫn bằng clip để học sinh nghiên cứu cách thức hoạt động trước. Sau đó, cô trò sẽ cùng nhau làm việc song song để học sinh hiểu rõ tác dụng cũng như tính hiệu quả của App đó mang lại. Chính học sinh sẽ tự mình rút ra được cách sử dụng phù hợp với từng ứng dụng và linh hoạt hơn trong các hoạt động cá nhân, nhóm của mình. Nhờ vậy, học sinh có khả năng tự đề xuất cách thức làm việc, báo cáo sản phẩm của mình cho giáo viên.” - Cô Thiên Trinh chia sẻ về cách cô và trò cùng nhau ứng dụng công nghệ trong dự án.
Ở cấp học THCS, dự án của môn Sinh học “Dream Hospital” của cô Nguyễn Thị Huyền và Hoàng Quỳnh Lan cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh. Hóa thân thành các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, học sinh không còn ở tâm thế của người nhận kiến thức mà thể hiện sự chủ động trong việc học như sử dụng công cụ để tìm kiếm thông tin, trình bày kiến thức sáng tạo bằng infographics trên các công cụ hỗ trợ như Canva, Powerpoint. Trong quá trình thực hiện, học sinh sẽ dùng công nghệ để kết nối, giao tiếp và hỗ trợ nhau cùng thực hiện nhiệm vụ.
Cô Lê Tuệ Minh, hiệu trưởng nhà trường cho biết năng lực chủ động tư duy và sáng tạo là những điều quan trọng nhất mà nhà trường muốn truyền thụ cho Học sinh. Công nghệ là phương tiện, là công cụ hỗ trợ, là nền tảng thiết yếu cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo và các ứng dụng phương pháp dạy và học mới trong quá trình học hỏi, quá trình sáng tạo của cả thầy và trò Wellspring.
Thực hành bài toán tiết kiệm điện với học sinh
Trường Phổ thông liên cấp Edison Schools (khu đô thị Ecopark, Hưng Yên) có 9 dự án lọt vào top 159 của diễn đàn và đang tiếp tục nhận được sự ủng hộ cho danh hiệu Dự án được yêu thích.
Đặc biệt, 2 dự án “Happy Pets – When pets are loved” (Môn Tiếng Việt, Khối 2) và “Điện và ứng dụng trong đời sống” (Môn Khoa học và STEM, Khối 5) của trường Tiểu học Edison đã lọt vào chung kết top 50 dự án có tính sáng tạo và khi thi nhất từ gần 1000 dự án của các giáo viên tài năng trên toàn quốc.
Với dự án “Điện và ứng dụng trong đời sống”, học sinh có thể tự đề xuất các phương án để sử dụng tiết kiệm điện và thực hành, ghi chép rồi sau đó so sánh hóa đơn tiền điện của các tháng trước và sau khi thực hành.
Cùng với sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ hơn với cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày và kết quả thử nghiệm trong phạm vi dự án: tiền điện của một số gia đình học sinh đã giảm trung bình từ 10-12% qua một tháng thử nghiệm (thực nghiệm được tiến hành tháng 11,12 trên toàn thể học sinh khối 5 của trường).
Ngoài ra, từ những kiến thức được giáo viên trang bị, học sinh đã có thể tự tạo ra những sản phẩm ứng dụng kiến thức bài học như máy làm mát mini, đèn pin từ nguyên liệu tái chế hay nắm vững cách sơ cứu khi gặp một số tai nạn về điện tại gia đình…Những tín hiệu tốt đẹp ban đầu, tuy nhỏ nhưng cũng rất đáng ghi nhận, tạo động lực cho cả học sinh và giáo viên trong viên trong việc tìm tòi và sáng tạo trong từng dự án.
Cô giáo Đoàn Thanh Thủy – Trưởng khối 2 trường Tiểu học Edison, đại diện phụ trách dự án “Happy Pets – When pets are loved” tham dự chung kết cuộc thi E2 chia sẻ: “Bản thân giáo viên cũng chính là những người cần liên tục cập nhật những phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giảng dạy và truyền cảm hứng cho học sinh trước khi đòi hỏi sự sáng tạo ở chính các em”. Đối với giáo viên, việc này giúp rút ngắn thời gian soạn bài giảng, đổi mới hình thức truyền đạt khiến học sinh hứng thúvì trực quan và tăng tính tương tác 2 chiều trong giảng dạy, tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng liên môn học.