Tin nhắn “xử” một xe
Trong dịp Tết Ất Mùi, 10 số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia nhận được gần 1.200 lượt tin báo/9 ngày (trung bình hơn 130 tin/ngày). Các tin báo chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm, từ 15- 16/2 và ngày 22 - 25/2 (các ngày người dân về quê ăn Tết và quay trở lại nơi sinh sống, làm việc). Nội dung các phản ánh chủ yếu về giá cước xe khách (chiếm hơn 35% tổng số lượt) và xe chở quá số người quy định (khoảng 55% tổng số lượt báo tin).
Những tin báo qua đường dây nóng cho thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng của hoạt động xe khách và hiệu quả từ biện pháp nhận tin, xử lý bằng điện thoại.
Một trong những tin nhắn báo về đường dây nóng. Ảnh: Bảo An.
Trong quá trình hoạt động, đường dây nóng cũng bộc lộ một số bất cập như nhiều cuộc gọi đến bị rớt, không nghe máy. Sáng 25/2, PV Tiền Phong thử gọi đến 4 số đường dây nóng nhưng chỉ 1 số bắt máy. Trong đó, số đường dây nóng của Cục CSGT (069. 42608) đổ chuông nhiều lần, nhưng không có người nhấc máy. Số đường dây nóng của Cục CSGT cũng không thể để lại tin nhắn vì là số máy bàn.
Ngày 22/2, có tin báo về với nội dung: Xe giường nằm của nhà xe Xuân Huy, BKS 77B-006.38, chạy từ Hoài An (Bình Định) đến bến xe Miền Đông (TPHCM) có sức chứa 44 người nhưng chở đến 85 người. “Không khí trên xe ngột ngạt, khách không có chỗ ngồi. Khi xe thắng gấp, khách văng lên nơi tài xế” - khách nhắn tin báo. Nhắn tin qua lại để nắm kỹ hành trình, người của Ủy ban ATGT Quốc gia báo cho CSGT tỉnh Phú Yên đón lõng chiếc xe này trước sự ngạc nhiên của cả khách và nhà xe. Sau đó, chủ xe buộc phải chuyển bớt khách sang xe khác và ký vào biên bản vi phạm.
Có trường hợp, vi phạm của nhà xe đã được xử lý chỉ bằng một cú điện thoại như trường hợp nhà xe Quang Mận (BKS 36B-010.92 chạy từ Thanh Hóa ra Hà Nội) thu của khách 200 nghìn đồng/người, cao hơn giá niêm yết. Khi được khách báo số điện thoại của chủ xe, cán bộ của Ủy ban ATGT Quốc gia gọi thẳng vào số máy này yêu cầu hoàn lại tiền cho khách. Lát sau, khách nhắn tin báo lại: “Nhà xe vừa mừng tuổi cho mỗi người 50 nghìn đồng. Xin cảm ơn các anh”.
Theo dõi khách và phá sóng đường dây nóng
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia (người cầm 1 trong 10 đường dây nóng) cho biết: Việc nhận tin và xử lý vi phạm bằng số đường dây nóng là biện pháp nhanh, hiệu quả rõ rệt. Để tránh sự đe dọa, thậm chí hành hung của nhà xe, khách thường chọn biện pháp nhắn tin. “Có khách nhắn tin báo là đang bị phụ xe theo dõi, sợ bị đánh sau khi xuống xe. Với tình huống này, một mặt, phải nhắn động viên và hướng dẫn hành khách, mặt khác chúng tôi yêu cầu cơ quan địa phương khẩn trương xử lý” - ông Dũng nói.
Một chuyến xe từ Huế vào TPHCM chở quá số lượng khách quy định nhưng vẫn “lọt lưới” qua các trạm. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Theo ông Dũng, vấn đề phức tạp nhất trong những ngày cầm đường dây nóng chính là phải ứng phó với tình trạng quấy phá đường dây nóng. “Có ngày, 30% số cuộc gọi đến, đầu này nghe máy là đầu kia tắt bụp. Gọi lại không nghe, nhắn tin không trả lời, có số nháy máy cả buổi. Chúng tôi nghi ngờ đây là những số của nhà xe vi phạm nên buộc phải chặn cuộc gọi” - ông Dũng nói.
Vào 8 giờ 10 phút ngày 25/2, đường dây nóng nhận phản ánh: Nhà xe Thuận Tới, biển kiểm soát (BKS) 18B-006.13, chạy từ Nghĩa Hưng (Nam Định) đến TPHCM có giá niêm yết 700 nghìn đồng/khách, nhưng thu mỗi khách 1,6 triệu đồng. Thái độ của lái phụ xe hách dịch, có tính chất côn đồ. Nhận tin báo, Ủy ban ATGT Quốc gia báo cho Phòng CSGT Khánh Hòa đón lõng để xử lý và báo ngay cho Sở GTVT Nam Định- nơi quản lý xe này yêu cầu chủ xe hoàn lại tiền cho khách.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn Giao thông (Bộ GTVT) cũng cho biết, ngày Tết, điện thoại của ông liên tục bị quấy rối bởi những số di động có 11 số.
Do không nắm bắt được hết các quy định kinh doanh vận tải và quy trình báo tin nên nhiều tin báo không chất lượng; người nhận tin phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Thậm chí, có trường hợp, hành khách nhắn tin “mắng” người cầm đường dây nóng “các ông chỉ nói, không chịu làm”. Ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết: Sau khi tiếp nhận, tin báo sẽ được chuyển ngay cho địa phương để xử lý. Vì thế, hành khách cần thông báo chính xác về BKS, tên doanh nghiệp vận tải, tuyến đường và vị trí xe đang lưu thông.
Xe vi phạm bị “nhốt”, phạt tới 19 triệu đồng
Chiều qua Thanh tra giao thông (TTGT), Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua đường dây nóng Sở GTVT Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp xe khách vi phạm. Điển hình trưa ngày 23/2 (mùng 5 Tết), qua thông tin phản ánh của hành khách, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, TTGT Hà Nội đã chặn đón kiểm tra và phát hiện xe khách BKS 18B-011.01 của Cty TNHH Thanh Chúc (Nam Định) chạy tuyến Xuân Trường (Nam Định) - bến xe Lương Yên (Hà Nội) chở quá số người quy định 65/46, vượt 15 người. Ngoài ra nhà xe còn thu giá vé của một số khách trên xe vượt giá niêm yết. Cũng trong ngày 23/2, hồi 16h40 trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai TTGT đã kiểm tra và phát hiện xe khách BKS 17L-1017 của DN vận tải ô tô Mai Tuyên (Thái Bình) chạy tuyến Thái Bình - Mỹ Đình đi sai lộ trình và chở quá số người quy định 40/29, vượt 8 người. Cùng thời gian trên, tại nút giao thông Pháp Vân, TTGT kiểm tra và phát hiện xe khách BKS 29B-080.05 của Cty Cổ phần Tín Thành Nam chạy tuyến Nam Định - bến xe Lương Yên chở quá số người quy định là 45/29, vượt 13 người.
Với lỗi nhồi nhét, các xe khách trên đã bị phạt lỗi kép (phạt cả lái xe và DN chủ quản) với mức từ 9 đến 12 triệu đồng. Riêng xe BKS 18B-011.01 và DN chủ quản bị phạt với tổng mức 19 triệu đồng; ngoài ra xe BKS 18B-011.01 còn bị tước phù hiệu chạy tuyến cố định, tước các giấy tờ liên quan. “Do bị tước hết các giấy tờ liên quan nên trong thời gian chờ xử lý vi phạm các xe trên bị cấm ra đường”, ông Lê Quang Vinh, Đội trưởng Đội TTGT Hoàng Mai, Sở GTVT Hà Nội nói.
Trong ngày hôm qua, Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an cho biết, qua đường dây nóng của Cục và thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia, dịp Tết Ất Mùi C67 đã kiểm tra, rà soát hơn 70 trường hợp xe khách bị phản ánh, xử phạt một số xe vi phạm.
Trọng Đảng