Cây thuốc chữa ung thư của đồng bào Pa Cô
Sinh năm 1977, tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hoài chọn con đường nghiên cứu khoa học, thay vì trở thành trình dược viên với thu nhập ở hàng top so với các ngành nghề khác. 31 tuổi bảo vệ luận án tiến sĩ với điểm tuyệt đối. 35 tuổi trở thành phó giáo sư trẻ nhất của Đại học Huế. Tính đến thời điểm hiện tại, chị là chủ nhiệm 6 đề tài cấp Bộ, có 84 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó có 21 công trình công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế chuyên ngành.
Ngày 12/1, chị Hoài được Hội đồng khoa học L’Oreal – UNESCO For Women in Science tại Việt Nam bình chọn là Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017.
Với đề tài cấp bộ “Nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hóa, diệt tế bào ung thư”, chị đã điều tra thu thập được 102 cây thuốc được đồng bào Pa Cô - Vân Kiều ở miền Trung được sử dụng để chữa bệnh nhiều loại bệnh khác nhau. Xây dựng được bộ dữ liệu 14 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống ung thư; bộ dữ liệu 16 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống oxy hóa; sàng lọc tác dụng chống oxy hóa và diệt tế bào ung thư trong 30 cây thuốc khác. Quan trọng nhất là đã xác định hai cây thuốc có hoạt tính mạnh nhất để tiếp tục nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học đó là cây Bù dẻ tía với hoạt tính diệt tế bào ung thư và cây Mán đỉa với hoạt tính chống oxy hóa tốt.
Để thực hiện đề tài này, chị và các cộng sự đã cùng ăn, cùng ở nhiều ngày liền với bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi ở các tỉnh miền trung. Trước đó, qua giới thiệu của học trò và đồng nghiệp, chị biết đến bài thuốc gia truyền chữa ung thư của các ông lang bà mế người Pa Cô và đã đặt vấn đề nghiên cứu. Ngay từ bước khởi đầu, tìm cây thuốc đã là một câu chuyện dài.
Chị Hoài kể: đây là bài thuốc gia truyền, vốn nổi tiếng từ lâu trong cộng đồng người Pa Cô. Nhiều người đã được chữa khỏi, họ mang ơn tái sinh đối với các thầy lang. Hàng năm họ trả ơn bằng tivi, vải vóc, xe đạp v.v… Có bệnh nhân là người giàu còn bảo lãnh cho con cháu thầy lang xuống thành phố đi học. Những thầy lang ở Pa Cô coi bài thuốc như một kế sinh nhai cả đời, cho nên họ không dễ dàng chia sẻ.
Từ một nhà khoa học chỉ thuần túy làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, chị Hoài đã phải vận dụng hết mọi khả năng dân vận, thậm chí nhờ bộ đội biên phòng phiên dịch bởi hai bên không cùng ngôn ngữ, nhờ hội phụ nữ, hội thanh niên nói giúp. Những thầy “thuốc thần bí” chỉ đồng ý cho chị mẫu cây thuốc khi có cam kết: nếu nghiên cứu thành công, sẽ quay lại hướng dẫn đồng bào Pa Cô trồng cây này trên diện rộng để xóa đói giảm nghèo.
Sau đó, chị lại mất cả năm trời làm đi làm lại trong phòng thí nghiệm với những phân tích, nghiên cứu, sàng lọc. “Hôm nhận được kết quả, tôi vừa mở mail vừa khóc. Mừng quá bởi vì các hoạt chất tìm thấy trong cây thuốc có thể ức chế 70 tế bào ung thư, hơn nữa nó lại không có hại với tế bào thường”. Đề tài này là bước khởi đầu cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến tác dụng chống oxy hóa. “Chúng tôi mới bước những bước đầu tiên, bởi quá trình nghiên cứu rất dài. Như cây Trinh nữ hoàng cung từ lúc tìm ra cho đến khi đưa vào sản xuất là quá trình gần hai chục năm”, chị Hoài cho biết.
“Cho phòng lab mượn mẹ”
Trong suốt buổi trao giải “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017”, chị Hoài liên tục tránh né báo chí. “Quả thực là rất bận, hiện tôi phải quản ba công trình cấp bộ, một mình chiếm ¾ chỉ tiêu nghiên cứu của Khoa Dược (Đại học Huế) nên mọi thời gian riêng tư đều bị cắt xén tối đa”.
Khi được hỏi thời gian nào để dành cho gia đình, chị Hoài kể: “Sáng đi sớm, tối về muộn. Hôm nào sáu giờ về con đã hỏi: hôm nay có việc gì mà mẹ về sớm thế? Chồng con ban đầu cũng phản ứng, nhưng dần dần đã được rèn thành quen. Quen với sự vắng mặt của mẹ. Quen với việc ăn tối muộn. Quen với việc giỗ Tết bố con tự bảo nhau sắm sửa. Quen đến nỗi không đố kỵ “phòng lab mượn mẹ mãi” nữa”.
Giống như tất cả những người làm nghiên cứu khác, phòng thí nghiệm là “đại bản doanh” của chị Hoài, là nơi hấp dẫn nhất, thú vị nhất, sinh động nhất v.v… Hơn cả shopping, hơn cả cà phê tán gẫu, thậm chí, hơn cả giấc ngủ. Căn phòng này nổi tiếng khắp trường Đại học Huế bởi nó luôn tấp nập sinh viên ra vào và hầu như không đóng cửa ngày nào, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Một người quen của chị Hoài kể: “Trước kia, nghe kể về những nhà khoa học rất giỏi chuyên môn nhưng lơ ngơ trong đời sống, kiểu như ăn rau muống khen “rau lang này ngon thế” tôi cứ nghĩ người ta bịa. Nhưng quen Hoài thì thấy hóa ra có những chuyện thế thật. Mọi mối quan tâm, mọi ra đa trên người Hoài đều hướng về dược liệu, thuốc và những cái tên khoa học rất lạ kỳ. Cô ấy ít quan tâm đến đời sống thực. Thời trang chỉ là một khái niệm “quần áo”. Các ngôi sao ca nhạc “là ai thế”? Phim Hàn Quốc dài tập thì càng là xa xỉ phẩm không bao giờ với tới. Nhiều người trong chúng tôi bảo là Hoài khổ quá. Tôi lại thấy, cô ấy rất vui vẻ trong thế giới của mình, với công việc của mình. Cũng hình như phải có một sự say mê ở mức độ nào đấy thì mới quên đi được tất cả nhọc nhằn mưu sinh mà chuyên tâm làm nghiên cứu”.
Nhận xét này được chứng thực khi chị Hoài chỉ cười xòa trước câu hỏi: “bộ phim gần đây nhất chị xem là gì” trong khi lại nói vanh vách về tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ cà-phê có ở Việt Nam. Theo PGS Hoài, tính mới và sáng tạo của chi Hedyotis đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây và đã được phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư ở thị trường Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu 30 loài trong chi này ở Việt Nam đã tìm ra loài có hoạt tính tốt để tiếp tục nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học là cây An điền nón. Loài này chưa từng được nghiên cứu trước đó ở cả Việt Nam cũng như trên thế giới. Chị cũng bác bỏ nhận xét cho rằng: sở dĩ nghiên cứu nhiều các cây thuốc có tác dụng chống ung thư là vì mong muốn chữa cho bản thân. Chị kể: “bệnh của tôi đã được chữa tương đối ổn, kể cả khi kiểm tra lại ở Nhật. Nhưng người Việt mình bị ung thư nhiều quá, đa số lại nghèo. Nên tôi muốn tìm ra những loại thuốc sản xuất ở Việt Nam, giá thành phù hợp để mọi người đều có cơ hội chữa trị”.
“Có khi cô ngồi trong phòng thí nghiệm đến sáng. Ở khoa, cô gần như là người đến sớm nhất và về muộn nhất. 29 Tết vẫn thấy phòng làm việc sáng đèn, và mùng 3 Tết bảo vệ đã thông báo: cô Hoài đi làm rồi”. Đồng nghiệp và học trò của
chị Nguyễn Thị Hoài kể
Bám chặt ước mơ
Sinh ra ở Quảng Trị, ngay Vĩ tuyến 17, chị Hoài kể: nhà nghèo lắm, nhà chồng cũng nghèo, hầu như không giúp được gì. Lúc học đại học vẫn nghĩ đến việc nghiên cứu như là một chuyện gì rất xa vời. Nhưng khi biết nó là mơ ước của mình thì nghĩ rằng, phải tìm cách chạm vào nó.
PGS Nguyễn Thị Hoài (người ngồi giữa) và sinh viên trong phòng thí nghiệm.Tốt nghiệp đại học, chị học lên cao học, tiến sĩ, sau đó còn sang Nhật nghiên cứu sau tiến sĩ một năm tại Trường đại học Toyama. Quá trình ấy, luôn có những rào cản cả to cả nhỏ chặn giữa đường. “Rào cản có thể đến từ bên ngoài, từ những định kiến, cũng có thể đến từ chính những người thân của mình. Đàn ông nghiên cứu khoa học đã khó, phụ nữ theo con đường này còn khó gấp bội”, chị kể.
Một cú sốc lớn, “như đất sụt dưới chân” khiến chị Hoài kiên định đi theo con đường nghiên cứu khoa học, là khi chị phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp vào đúng năm 30 tuổi. Ba lần mổ, vô số lần xạ trị, hóa trị và quá trình tra tấn tinh thần, thể xác kéo dài, chị bảo: “đã thay đổi nhiều, nhân sinh quan lẫn giá trị quan. Lúc này mới thấu hiểu: được sống, được làm việc là may mắn bao nhiêu. Thứ tôi quý nhất là thời gian. Bao nhiêu cũng không thấy đủ”.
Ngoài chồng con, học trò và đồng nghiệp là những người “truyền cảm hứng” thường xuyên và liên tục cho PGS Nguyễn Thị Hoài. Chị bảo: “nhìn lớp lớp học trò hăng hái đăng ký làm nghiên cứu, tôi như thấy lại chính mình, và cũng có thêm động lực để tìm mọi cách giúp các em tiếp cận đề tài”.
Theo chị Hoài, khó khăn nhất trong việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là thiếu kinh phí và tâm lý chia đều trong quản lý. Các công trình luôn bị gián đoạn vì có quan điểm: đề tài này mình đã được duyệt, đề tài sau phải dành cho người khác. Bản thân chị Hoài luôn cố gắng tìm nguồn tài trợ từ các quỹ nước ngoài và tìm nguồn học bổng nước ngoài cho học sinh của mình.