GS Phạm Tiến Sơn sinh năm 1964 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp Cử nhân Toán học tại Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt vào năm 1985 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán học, chuyên ngành Hình học – Tô pô tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào năm 2000.
GS Phạm Tiến Sơn. Ảnh: Minh Hiên |
Ông công tác tại Trường ĐH Đà Lạt từ năm 1985 cho đến nay và là thành viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán nhiệm kỳ 2018-2021. GS Phạm Tiến Sơn chuyên nghiên cứu về Hình học, Tô pô và đặc biệt là hiện tượng kỳ dị tại vô hạn của các ánh xạ đa thức. Gần đây, GS Sơn tập trung nghiên cứu về bài toán tối ưu nửa đại số. Tính đến nay, ông cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành một cuốn sách chuyên khảo và công bố hơn 50 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong và ngoài nước.
Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS Phạm Tiến Sơn cũng có nhiều đóng góp phục vụ cộng đồng trong vai trò là chuyên gia phản biện độc lập của Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt.
Năm 2020, GS Phạm Tiến Sơn là một trong ba nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ, với công trình “Các tính chất tổng quát của quy hoạch nửa đại số”. Công trình này cũng giúp ông lọt tốp 100 nhà khoa học châu Á vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu do Tạp chí khoa học Asian Scientist của Singapore bình chọn năm 2021.
Là một nhà Toán học, GS Phạm Tiến Sơn không chọn Hà Nội hay TPHCM để phát triển, ông lựa chọn Trường ĐH Đà Lạt và chung thủy ở đây gần 40 năm nay. Suốt thời gian qua, ông cho biết chỉ duy nhất một lần nghĩ đến chuyện rời Đà Lạt. Đó là những năm trước năm 1995 cuộc sống rất khó khăn, ông cũng như các thầy cô không chịu nổi nên đến thành phố lớn để tìm một công việc có thu nhập tốt hơn, có thể lo được cho gia đình. Nhưng ngay khi được nhận việc, GS Phạm Tiến Sơn mới nhận ra có lẽ bản thân không hợp khi không làm Toán và bên ngoài Đà Lạt.
Chia sẻ về môn Toán, GS Phạm Tiến Sơn cho biết đến năm đầu tiên của bậc THPT, ông vẫn là một học sinh học toán rất bình thường, thậm chí dưới trung bình. Nhưng sau đó, một người thầy có cách dạy hay đã khiến ông yêu thích và phấn đấu. Từ đó, với ông làm Toán là mục đích cuộc đời.
May mắn hơn khi ông học tại Trường ĐH Đà Lạt, cố GS Nguyễn Hữu Đức (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt) đã hun đúc thêm một lần nữa với lý thuyết kỳ dị. Không những thế, năm 1994, khi làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS Hà Huy Vui, em ruột của GS Hà Huy Khoái, ông đã vượt qua nhiều khó khăn đeo đuổi để được làm Toán cho đến nay.
“Tuổi trẻ thường có khá nhiều năng lượng và thường nghĩ mình có thể làm được nhiều việc cùng một lúc, bản thân tôi cũng từng như vậy. Đến thời điểm hiện tại, tôi hiểu được rằng, các kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học”, Giáo sư Phạm Tiến Sơn nhấn mạnh.