Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
26/12/2017 10:12
Mở đầu buổi giao lưu, ông Lê Minh Toản, Ủy viên Ban biên tập, Tổng thư ký Tòa soạn Báo Tiền phong đã có lời phát biểu: Báo Tiền Phong thực sự rất vui mừng được đón các vị khách mời cho cuộc giao lưu hôm nay. Trong những năm qua, báo Tiền Phong có lẽ là đơn vị hiếm hoi duy trì trang Khuyến nông trẻ, cung cấp cho bạn đọc trẻ những thông tin để lập nghiệp và khởi nghiệp. Chính phủ và các tổ chức đã bàn về nông nghiệp công nghệ cao. Tôi rất tâm đắc ý kiến của PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, rằng nói nông nghiệp công nghệ cao thì đã lạc hậu mất rồi mà phải là công nghệ 4.0 uyển chuyển hơn, tiên tiến hơn.
Thay mặt lãnh đạo Báo Tiền Phong, ông Lê Minh Toản mong muốn các quý khách mời chia sẻ, trải lòng với bạn đọc. Với khái niệm công nghệ cao đó là một khái niệm mới. Các bạn trẻ đang rất băn khoăn trăn trở và tôi mong trong cuộc giao lưu này sẽ mang lại những kiến thức trọn vẹn hơn, để các bạn trẻ xác định cho mình hướng đi thật sự hiệu quả, chất lượng và thực sự là nền tảng.
26/12/2017 10:17
Viện Nghiên cứu rau quả có phối hợp với đơn vị nào để triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không, thưa ông?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Nông nghiệp công nghệ cao được đưa vào Việt Nam cánh đây khoảng 15 năm, Viện Nghiên cứu rau quả nhận thấy đầu tư Nông nghiệp công nghệ cao rất hiệu quả. Chính vì thế Viện đã triển khai ứng dụng vào thực tế.
Đến nay, Viện đã phối hợp với rất nhiều các đơn vị như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, chủ trang trại… ở khắp mọi miền đất nước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các đối tượng như cây rau, cây quả.
Tính đến nay viện đã ứng dụng trên 35 tỉnh thành để sản xuất cây hoa, cây rau, cây quả ứng dụng công nghệ cao.
26/12/2017 10:20
26/12/2017 10:23
Được biết công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia đang triển khai dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình" ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Khi triển khai dự án này, các ông đã ứng dụng những công nghệ nào? Hiệu quả từ công nghệ cao mang lại như thế nào, thưa ông?
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình" là dự án cấp Nhà nước thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2015” do Chính phủ phê duyệt và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Công ty Dược liệu Vũ Gia là đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Mục tiêu chính của dự án là doanh nghiệp là tổ chức tạo vùng nguyên liệu dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt, thu hái và chế biến cây thuốc theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới). Có đủ 4 thành phần quan trọng tham gia vào triển khai dự án: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
Khi triển khai thực hiện dự án này, chúng tôi đã áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại như: - Hệ thống vườn ươm nhà kính hiện đại,thông minh, được thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản thân thiện với môi trường (không dùng bê tông, gạch vữa), có khả năng chịu được bão cấp 10; có hệ thống thông gió tốt, có hệ thống tưới nước tự động hẹn giờ nhiều lần trong ngày giúp giảm chi phí nhân công để thực hiện việc tưới cây giống; lưới chống côn trùng màu đỏ (là sản phẩm lưới chống côn trùng hiện đại nhất của Nhật Bản) giúp giảm thiểu tối đa côn trùng tiếp cận tới vườn ươm.
- Hệ thống tưới nước ngoài cánh đồng mở được sử dụng hệ thống béc tưới phun mưa hiện đại của Mỹ có bán kính phun lớn, độ tơi đồng đều giúp cây trồng không bị ảnh hưởng do áp lực của nước. Hệ thống máy bơm được sử dụng là bơm công suất lớn, áp lực cao của Italy. Ngoài ra chúng tôi còn xử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với đầu tưới tự bù áp do Israel sản xuất. Với hệ thống tưới như vậy giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều chi phí nhân công để tưới cây trên diện tích lớn.
- Công tác làm đất để trồng cây chúng tôi áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí nhân công nhằm giảm giá thành sản phẩm. - Quá trình sơ chế sản phẩm dược liệu chúng tôi sẽ xử dụng những thiết bị rửa, thái, sấy tiên tiến, hiện đại nhất đảm bảo Dược liệu sản xuất ra đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
26/12/2017 10:24
26/12/2017 10:29
Một bạn đọc đặt câu hỏi: được biết, Công ty có phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội khi triển khai ứng dụng công nghệ cao vào dự án? Ông đánh giá như nào về khả năng đáp ứng công nghệ cao trong nông nghiệp của Việt Nam?
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội- Viện Dược liệu được Bộ Khoa học và Công nghệ giao làm Cơ quan hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho Dự án của chúng tôi. Qua quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng tôi đánh giá khả năng đáp ứng công nghệ hiện đại của Việt Nam là rất cao vì chúng ta có đủ nguồn nhân lực và nguồn vốn để ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất nông nghiệp.
Các điều kiện về khí hậu và địa lý của Việt Nam rất phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt nước ta có rất nhiều giống cây dược liệu tốt phục vụ cho sức khỏe con người, hiện nay xu hướng của thế giới là rất ưa chuộng các loại thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược vì đã có nhiều công trình khoa học của thế giới đã chứng minh rằng khi sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược con người sẽ hấp thụ tốt hơn và ít có các tác dụng hơn các loại thuốc tổng hợp. Vì vậy chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành Vườn thuốc của thế giới.
26/12/2017 10:32
Thưa PGS.TS Đặng Văn Đông: Ông có thể chia sẻ một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau quả mang lại hiệu quả cao?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Viện Nghiên cứu rau quả chuyển giao và xây dựng rất nhiều mô hình ứng dụng công nhệ cao vào sản xuất rau, hoa, quả đã mang lại hiệu quả cao. Có thể kể ra một số ví dụ như sau: Về cây ăn quả: Mô hình sản xuất dứa ở Đồng Giao (Ninh Bình); Mô hình sản xuất cam ở Cao Phong ( Hòa Bình), Lạng Giang (Bắc Giang); sản xuất quýt ở Bắc Kạn; sản xuất bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh…
Về cây rau: Mô hình sản xuất cà chua ở Mộc Châu (Sơn La); Dưa lưới, dưa chuột ở Gia Lộc (Hải Dương), Sơn Tây (Hà Nội)… Về cây hoa: Mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp ở Gia Lâm, Đan Phượng (Hà Nội), Thủy nguyên HP, Hoành Bồ( Quảng Ninh), Tiên Du ( Bắc Ninh), Mộc Châu (Sơn La); sản xuất lily ở Đan Phượng, Từ Liêm (Hà Nội); Sản xuất hoa chậu, hoa thảm ở Xuân Quan (Hưng Yên)… Tất cả những mô hình này đều cho hiệu quả kinh tế rất cao. Thu nhập từ 1 – 3 tỷ/ha/năm. Hiện nay, đang được phát triển và nhân rộng.
26/12/2017 10:34
Thưa TS Vũ Văn Tâm, khi triển khai dự án như vậy, các ông có gặp thuận lợi, khó khăn nào?
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: Thuận lợi: Dự án của chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Bộ Khoa học & Công nghệ, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương các cấp, của sở Khoa học công nghệ tỉnh Ninh Bình, sự ủng hộ của người dân trong vùng thực hiện dự án và chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ không nhỏ từ các cơ quan truyền thông, báo chí của Trung ương cũng như của địa phương.
Khó khăn: Dự án của chúng tôi thực hiện tại khu vực nông thôn, miền núi nên chúng tôi cũng gặp phải những khó khăn như: Khi bắt đầu thực dự án thì chúng tôi phải tự đầu tư hệ thống điện lưới 3 pha vào dự án, tuy nhiên hiện nay điện lưới vẫn yếu, cần phải nâng cấp (cần phải có trạm biến áp và đường điện riêng) mới đáp ứng được sản xuất bền vững vì chúng tôi sản xuất theo chuỗi từ việc sản xuất giống cho đến khâu sơ chế, đóng gói; hệ thống viễn thông chưa có đường truyền cáp quang, sóng điện thoại thì rất yếu (hiện nay chúng tôi đã được VNPT cấp đường truyền cáp quang vào dự án tuy nhiên sóng điện thoại thì vẫn rất yếu).
- Vì khu đất do chúng tôi tích tụ được, trước đây đã bị chủ cũ bỏ hoang rất lâu nên việc khai hoang phục hóa của chúng tôi tốn rất nhiều chi phí.
- Do ở vùng nông thôn, miền núi nên trình độ người lao động và công nhân kỹ thuật rất yếu, kém nên chúng tôi cũng phải đào tạo nhiều cho người lao động.
26/12/2017 10:36
CLIP: Kỹ thuật nuôi cấy mô giống lan Hồ Điệp
26/12/2017 10:44
Thưa TS Vũ Văn Tâm, theo ông, đâu là điều quan trọng nhất khi triển khai một dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người muốn đi theo con đường này?
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: Các điều kiện quan trọng khi triển khai một dự án nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại: - Người chủ dự án phải có tâm huyết với ngành nông nghiệp, phải có quyết tâm tạo ra sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế để hội nhập, phải có tư tuy và mong muốn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất;
- Chủ đầu tư phải có đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đến cùng, không bỏ dở nửa chừng. Trong bài toán nguồn vốn phải đảm bảo nguồn vốn dự phòng phát sinh và dự phòng rủi ro để có thể tiếp tục thực hiện dự án khi gặp các khó khăn chủ quan cũng như khách quan. - Phải có quỹ đất nhất định, dài hạn.
Vì đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có chi phí đầu tư ban đầu cao, nên nếu chủ đầu tư không có quỹ đất của mình hoặc đất đi thuê dài hạn thì không thể đầu tư nông nghiệp công nghệ cao được. Quỹ đất ở đây ta phải hiểu là không nhất thiết là toàn bộ quỹ đất thực hiện dự án là của mình quản lý mà chỉ cần một phần quỹ đất quan trọng để xây dựng cơ sở hạt nhân, mô hình, vườn ươm, khu sơ chế, đóng gói…
- Phải biết lựa chọn đối tượng cây trồng con nuôi để đầu tư, không chạy theo phong trào và lựa chọn đối tượng công nghệ cao phù hợp với đối tượng đầu tư của mình.
- Nông dân cần gắn với doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
26/12/2017 10:54
Nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị gì cho nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu và biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ hiện nay?
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu việc ứng dụng công nghệ cao chính là một phương thức canh tác thông minh ứng phó có hiệu quả nhất đối với biến đổi khí hậu đến nhanh hơn, tác động mạnh mẽ hơn. Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu. Cả một quá trình sản xuất khi đã đến giai đoạn thu hoạch thì nông dân gặp sương muối, bão lụt là có thể xoá hết công sức của bà con nông dân. Nhưng khi ứng dụng công nghệ cao là sản xuất trong điều kiện hạn chế được tác động của ngoại cảnh thì nó góp phần giảm thiểu được những thiệt hại do biến đổi khí hậu mang lại.
Vấn đề ứng dụng công nghệ cao mang lại năng suất tăng cao gấp nhiều lần và giá trị cũng tăng cao gấp nhiều lần sản xuất bình thường. Chẳng hạn 1ha gieo trồng bình thường thu hoạch được 10-120 triệu VNĐ cho 1 năm canh tác nhưng nếu ứng dụng công nghệ cao thì 1ha có thể thu hàng tỷ đồng, thậm chí là nhiều tỉ đồng trong 1 năm.
Chính vì vậy mà Chính phủ trong Đề án 176 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 hướng đến đạt giá trị chiếm 30-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp
Một vấn đề quan trọng khác nữa là khi ứng là sản phẩm nông sản sản xuất ra hoàn toàn có thể kiểm soát được an toàn thực phẩm và mẫu mã đẹp hơn và dễ truy xuất nguồn gốc, dễ tạo điều kiện xây dựng thương hiệu nông sản trong thị trường quốc tế và nội địa.
26/12/2017 10:56
Một bạn đọc đặt câu hỏi với ông Vũ Văn Tâm: Ở góc độ doanh nghiệp, công ty có kiến nghị giải pháp gì với cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp?
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: - Nhà nước – chính quyền các địa phương nên có những chính tích cực hơn trong việc tích tụ đất đai, tạo quỹ đất sạch để cho các doanh nghiệp thuê để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Thành lập, quy hoạch thêm các khu nông nghiệp CNC. Ví dụ như Khu Nông nghiệp CNC Thành phố Hồ Chí Minh với quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để đầu tư vào NNCNC.
Các bộ ngành liên quan cần hoàn thiện các văn bản pháp lý như: chính sách về đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đất được vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đàm phán để xóa bỏ các rào cản kỹ thuật của các nước giúp cho việc xuất khẩu nông sản thuận lợi hơn;
Có các chính sách, ưu đãi để khuyến khích đầu tư nào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và đầu tư vào các nhà máy sơ chế, chế biến sau thu hoạch.
Cần có các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để các sản phẩm từ nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ không bị đổ đồng với các sản phẩm không an toàn.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số” để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực nông thôn, miền núi, những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn.
26/12/2017 11:09
Thưa PGS.TS Đặng Văn Đông, quá trình triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ông nhận thấy có những thuận lợi, khó khăn gì?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Về thuận lợi: Được nhà nước (Bộ Nông nghiệp & phát triên nông thôn, Bộ Khoa học & công nghệ) quan tâm hỗ trợ; Được xã hội, người dân ủng hộ và tham gia; Sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thông thường mang lại hiệu quả cao, bền vững nên mang lại lợi ích cho nhà đầu; Người dân Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo do vậy nhìn chung tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ hiện đại được chuyển giao.
Về khó khăn: Vướng vấn đề giải quyết về đất đai, cơ sở hạ tầng: Người dân có đất thì không có điều kiện về tài chính và quyết tâm ứng dụng công nghệ cao. Trong khi doanh nghiệp hoặc những người dân khác muốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao lại rất khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Việc quy hoạch những khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều bất cập. Một số khu, vùng đã được quy hoạch thì lại không huy động được doanh nghiệp, người dân vào để đầu tư.
Trong khi, rất nhiều khu, vùng người dân tự phát sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì lại chưa được quy hoạch. Nhìn chung đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần số vốn rất lớn. Trong khi việc vay vốn ngân hàng cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều thủ tục không dễ tiếp cận.
Do vậy, những người muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu hết bị thiếu vốn. Đặc biệt là tầng trẻ, những người mới khởi nghiệp. Các kỹ thuật để sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu phải chuẩn xác nên đòi hỏi phải có trình độ cao. Trong khi, hầu hết những doanh nghiệp và người dân chưa được đào tạo bài bản những kỹ thuât này.
Do vậy, việc thực hiện những ứng dụng này còn nhiều lúng túng. Do chưa có sự liên kết, tuyên truyền quảng bá do vậy nhiều sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó tiêu thụ (vì giá thành cao hơn so với sản xuất thông thường). Do vậy, một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa khuyến khích nhà đầu tư.
26/12/2017 11:10
Ông đánh giá như nào về khả năng đáp ứng nhu cầu công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao của đội ngũ nhà khoa học Việt Nam?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Hiện nay, ở Việt Nam có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp tương đối đông đảo, được đào tạo một cách bài bản cả trong và ngoài nước. Trong đó, có một số được đào tạo ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại như: Mỹ, Israel, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao cho các doanh nghiệp và người dân.
Các cán bộ khoa học có thể phối hợp với các doanh nghiệp, người dân trong việc nghiên cứu tạo giống mới, xây dựng quy trình, chuyển giao, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực tế, đã và đang có một số nhà khoa học từ các trường đại học, Viện nghiên cứu về nông nghiệp làm tư vấn hoặc trực tiếp làm kỹ thuật cho các doanh nghiệp lớn như TH true Milk, Lộc Trời, Hoàng Anh Gia Lai.
26/12/2017 11:16
Thưa ông, ông có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những hướng đi mà Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng tới. Chính phủ cũng đã có Nghị Quyết 30/2017 về quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công Tầm nhìn đến 2030. Giảm chi phí tăng tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp lên tới 30-35%.
Hiện đã có 34 khu đã được phê duyệt theo Quyết định 575 và đã được quy hoạch tổng thể theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh tham gia đã hội tụ đủ điều kiện về đất đai, khí hậu, điều kiện từng vùng để phát triển ứng dụng công nghệ cao là 10 tỉnh gồm: Hậu Giang, Phú Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Quảnh Ninh, Thái Nguyên, Cần Thơ.
Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát triển khá nhanh. Một số loại rau, quả đã được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ví dụ như cà chua, làm dưa. Hiện nay, các đơn vị sản xuất tập trung vào dưa lưới, dưa vàng, dưa kim cô nương. Những năm trước, sản phẩm này đều phải nhập từ Thái Lan, giá thành khoảng 70.000đ – 80.000đ/kg. Nên mỗi quả dưa có giá đến 200.000đ.
Nhưng hiện nay, giá thành đã hạ. Ấn tượng nhất là diện tích nhà lưới, nhà kính tăng nhanh. Tổng diện tích nhà lưới, nhà màng tăng khoảng 5 lần so với giai đoạn 2013 – 2014. Tỉnh Lâm Đồng hiện nay có khoảng 1.600 ha nhà kính, nhà lưới. TPHCM và tỉnh Hà Nam cũng vào cuộc nên diện tích tăng nhanh.
Ở Hà Nam trồng khá thành công trong hệ thống canh tác này. Các đơn vị sản xuất áp dụng canh tác tiên tiến thông minh, điện thoại di động có thể điều khiển được tất cả các hoạt động để chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, rất nhiều diện tích nhà kính, nhà lưới ở Mộc Châu- Sơn La tăng nhanh để trồng rau đặc biệt các loại cao cấp như hoa ly và sản xuất một số loại rau.
Một số nơi ở ngoại thành Hà Nội đã làm nhà màng, nhà lưới, nhà kính để sản xuất các loại rau rải vụ, kiểm soát được quá trình canh tác. Ấn tượng nhất ở năm 2017 là các mô hình như thế. Sự vào cuộc của Viện nghiên cứu rau quả, Viện cây lương thực và cây thực phẩm, viện nghiên cứu ngô, Viện Khoa học kĩ thuật Bắc trung Bộ,… đã triển khai rất nhiều tiến bộ kĩ thuật về giống, rau củ quả, mô hình thiết kế hợp lý, các giống hoa Trong đó, lan hồ điệp, các loại hoa cao cấp khác như hoa ly, hoa chuông, hoa cúc, hoa lay ơn.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khá mềm dẻo, có mô hình chi phí thấp, phù hợp với túi tiền của nông dân. Ở Đan Phượng, nông dân làm nhà lưới như tre để làm hoa như dịp tết hoa lay ơn, đồng tiền,.. Có doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thì làm mô hình nhà kính, nhà lưới khá hiện đại như kiểu của Israel, điều khiển hoàn toàn tự động, kết nối với điện thoại thông minh.
Với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, ghi nhận một loại mô hình ứng dụng công nghệ cao như nuôi tôm ở Duyên hải nam trung bộ, đồng bằng sông cửu Long, Nam Định, Hà Tĩnh khá hiện đại. Các mô hình thương phẩm tạo ra năng suất và thương phẩm lớn. Nuôi tôm công nghệ cao năng suất gấp 10 lần so với bình thường. Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong các ngành nuôi trồng thuỷ sản như cá tầm, cá lăng, ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mô hình chăn nuôi đại gia súc trong điều kiện hoàn cảnh, năng suất sữa, thịt tăng gấp vài lần so với ở ngoài.
26/12/2017 11:21
Cơ quản quản lý có khoanh vùng những mặt hàng nông nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện Việt Nam và nhu cầu thị trường?
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp xây xây dựng thông tư ban hành các tiêu chí công nhận các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng Chính phủ có quyết định 575/QĐ-TTg quy hoạch tổng thể khu, vùng công nghệ cao.
Việc quy hoạch phải tính tới các điều kiện, lợi thế, hiệu quả phù hợp đối với từng mặt hàng nông nghiệp có thể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả. Trong các ngành hàng sản phẩm nông sản, lĩnh vực trồng trọt thì các ngành hàng như rau, hoa là những ngành hàng có cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Ở một số quốc gia cây ăn quả cũng ứng dụng công nghệ cao cũng làm nhà lưới, nhà màn để làm các loại cây ăn quả đặc sản, lợi thế của vùng. Từ đấy họ xây dựng thương hiệu trái cây nổi tiếng. Ứng dụng công nghệ cao thì đã bắt đầu hình thành một số vùng, sử dụng tưới tiết kiệm, sử dụng hệ thống kiểm soát thông qua định vị GPS.
Ở lĩnh vực hoa, rau quả ngành ứng dụng mạnh mẽ nhất áp dụng sản xuất theo công nghệ cao. Đây cũng là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất, thành công nhất. Những vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa như Lâm Đồng, TPHCM, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Nam, Sơn La, Khu vực Miền Trung Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá, Nghệ An. Hiện, đã có ý tưởng hình thành “xa lộ công nghệ cao” dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh ở khu vực Bắc Trung Bộ. Thực tế vùng này đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất Công nghệ cao như của TH Trumilk, Mía đường Lam Sơn và Vinamilk.
Các tỉnh của Đồng bằng sông hồng như Hà Nội, Hà Nam có thế mạnh sản xuất các loại rau, dưa cao cấp. Ngoài ra, ở lĩnh vực chăn nuôi như nuôi nuôi bò sữa, chăn nuôi gà, lợn cũng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để gia tăng năng suất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Ở lĩnh vực thuỷ sản nuôi trồng theo việc áp dụng công nghệ cao đã được làm khá thành công trên các đối tượng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm trên cát (Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Phú Yên,…) đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao có giá trị vài chục tỉ đồng/ha. Ứng dụng công nghệ cao trong việc nuôi trồng một số đối tượng như các nước lạnh (cá tầm, cá chình, ….).
26/12/2017 11:24
Ông đánh giá như nào về khả năng đáp ứng nhu cầu công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao của đội ngũ nhà khoa học Việt Nam?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Hiện nay, ở Việt Nam có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp tương đối đông đảo, được đào tạo một cách bài bản cả trong và ngoài nước. Trong đó, có một số được đào tạo ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại như: Mỹ, israel, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao cho các doanh nghiệp và người dân.
Các cán bộ khoa học có thể phối hợp với các doanh nghiệp, người dân trong việc nghiên cứu tạo giống mới, xây dựng quy trình, chuyển giao, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực tế, đã và đang có một số nhà khoa học từ các trường đại học, Viện nghiên cứu về nông nghiệp làm tư vấn hoặc trực tiếp làm kỹ thuật cho các doanh nghiệp lớn như TH true Milk, Lộc Trời, Hoàng Anh Gia Lai...
26/12/2017 11:26
Một bạn đọc đặt câu hỏi, Doanh nghiệp chúng tôi muốn phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai mô hình trồng rau công nghệ cao thì có thể liên lạc, trao đổi như nào ạ?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Viện Nghiên cứu rau quả chúng tôi sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp của bạn nói riêng và tất cả các doanh nghiệp, người dân trên cả nước nói chung triển khai các mô hình trồng rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao.
Chúng tôi muốn kết nối các nhà khoa học với các doanh nghiệp và người dân thành một chuỗi sản xuất khép kín không chỉ về kỹ thuật mà còn về cả thách thức quản lý và thị trường để sản xuất hiệu quả cao, an toàn và bền vững.
Các bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ Viện Nghiên cứu rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm,Hà Nội - SĐT: 0243 8276 254) hoặc SĐT riêng 0913.562.265.
26/12/2017 11:28
Một bạn đọc hỏi TS Vũ Văn Tâm: Ngoài phát triển cây đinh lăng, dự án của ông còn phát triển cây dược liệu nào nữa không? -
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: Ngoài phát triển cây đinh lăng lá nhỏ, hiện nay chúng tôi đang triển khai trồng bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng. Cây trà hoa vàng là một cây dược liệu rất quý có giá trị kinh tế cao, có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng tốt cho sức khỏe và không gây các tác dụng phụ.
Tác dụng của cây trà hoa vàng đã được các nhà khoa học Trung Quốc và thế giới nghiên cứu rất kỹ và đánh giá rất cao. Công dụng của lá và hoa trà hoa vàng đã được hai nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu rất sâu và đã được công nhận tại Hội nghị khoa học quốc tế về trà hoa vàng do Hiệp hội trà hoa vàng thế giới tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc năm 1994. Theo đó, các nhà khoa học đã khẳng định trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong điều trị ung thư.
Trong khi đó, theo ý kiến của các nhà khoa học, khi điều trị khối u đạt 30% đã coi như là thành công. Ngoài ra, uống trà hoa vàng giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, giảm từ 36,1% lượng lipoprotein trong máu, cao hơn 10% so với các liệu pháp sử dụng cây dược hiện nay.
Sở dĩ trà hoa vàng có nhiều công dụng như vậy là vì trong thành phần của nó chứa các nguyên tố như Se, Ge, Mo, Mn, V, Zn và một số nguyên tố khác có tác dụng trong việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa ung thư, củng cố tính đàn hồi của thành mạch, điều hòa các enzyme, hoạt hóa các cholesterol…
Hiện nay, trong tự nhiên, cây trà hoa vàng còn rất ít do bị người dân thu hái theo kiểu tận diệt để bán cho người Trung Quốc sang thu mua. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi đặt ra là bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng để sản xuất ra những sản phẩm trà từ hoa và lá là những dược liệu quý phổ biến gần gũi với người dân Việt Nam với giá hợp lý chứ không quá cao như hiện nay.
26/12/2017 11:31
Qua thực tế triển khai, ông thấy cây đinh lăng lá nhỏ có thể trồng được ở những khu vực khí hậu, thổ nhưỡng nào? Tôi là người nông dân ở khu vực miền núi của miền Trung, liệu tôi có thể trồng và phát triển loại cây này được không?
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia: Cây đinh lăng lá nhỏ là một cây dược liệu truyền thống có từ lâu đời tại Việt Nam, cây đinh lăng là cây thuộc họ nhân sâm và được gọi là “nhân sâm của người nghèo”.
Cây đinh lăng dễ trồng, phù hợp với nhiều vùng khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, cây đinh lăng không chịu được rét, khi nhiệt độ quá thấp, cây đinh lăng ngừng phát triển và có thể bị chết một phần, nếu là năm đầu tiên trồng, cây có thể chết hẳn.
Những vùng có nhiệt độ quá thấp vào mùa đông như Sapa thì không phù hợp để trồng cây đinh lăng. Một điều cần lưu ý nữa là cây đinh lăng trồng lấy củ, vì vậy, cần trồng trên đất tơi xốp có nhiều chất hữu cơ để có năng suất cao.
Cây đinh lăng là cây ưa bóng mát nên có thể trồng sen dưới tán, cây ăn quả, cây lâu năm để tận dụng diện tích đất tạo hiệu quả cao trên cùng một diện tích canh tác. Ở khu vực miền núi miền Trung, hoàn toàn có thể trồng được cây đinh lăng. Cần lưu ý, phải có nước tưới và khu đất thuận lợi để có thể thu hoạch củ.
26/12/2017 11:34
Doanh nghiệp mặn mà với nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Theo ông, đâu là những trở ngại khiến doanh nghiệp còn e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao? Nhà nước có những chính sách gì khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao?
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cho đến thời điểm này theo đánh giá thì các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ứng dụng công nghệ cao nói riêng là chưa nhiều. Tuy nhiên, cũng đã có những tín hiệu tích cực và khả quan vì một loạt các nhà đầu tư lớn là các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang sản xuất và kinh doanh ở các lĩnh vực khác cũng đã quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư sang lĩnh vực này.
Trong đó phải kể đến TH Trumilk, VinEco (Vingroup), Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai và một số doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan cũng đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các ngành hàng rau, củ quả và hoa. Những e ngại khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao đó là sự tác động khá bất thường của điều kiện thời tiết khí hậu, Việt Nam lại là nước nhiệt đới bị tác động của các hiện tượng thiên nhiên như bão lụt, lạnh làm thiệt hại thậm chí phá huỷ những cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có nghĩa là rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn.
Hơn nữa đầu tư ban đầu cho xây dựng những vùng công nghệ cao thì chi phí lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, nhà nước thì chưa có chính sách bảo hiểm, thị trường tiêu thụ cũng là một vấn đề khi sản xuất lớn tập trung với khối lượng hàng hoá lớn. Việt Nam cũng chưa có hệ thống chế biến sâu để nâng cao trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Chính sách đất đai dồn đổi, cho thuê để các doanh nghiệp có thể đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cao còn rất khó khăn và không thuận lợi như ở các khu công nghiệp. Đó là những lí do chính mà các doanh nghiệp chưa mặn mà.
Cho đến thời điểm này Chính phủ đã ban hành một số chính sách trong đó đặc biệt có gói tín dụng 100.000 tỷ cho các doanh nghiệp vay sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thấp hơn từ 0,5-1% / năm so với lãi suất vay thông thường.; ngoài ra còn có các chính sách được ban hành trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như quyết định 62 về liên kết tiêu thụ sản phẩm, nghị định 210 của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Các chương trình nghiên cứu khoa học, chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ nhà nước cũng dành hàng ngàn tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Các chương trình khuyến nông, chương trình khoa học công nghệ thực hiện nông thôn mới cũng dành các khoản chi phí cho các đề tài dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao ở những xã nông thôn mới.
26/12/2017 11:38
Ông nhận định như nào về xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thời gian tới? Những mặt hàng rau quả nào có khả năng ứng dụng công nghệ cao và có giá trị trên thị trường, thưa ông?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ hơn, huy động được nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia hơn và mang lại hiệu quả cao hơn so với hiện nay.
Phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thời gian tới cũng sẽ được cải tiến để hoàn thiện hơn để nhiều đối tượng có thể tham gia được. Đặc biệt sẽ phát triển theo xu hướng của công nghệ 4.0.
Tức là, giải quyết những tồn tại, khó khăn đã nêu ở trên để tiến tới một nền nông nghiệp thông minh. Không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.
Có rất nhiều mặt hàng rau, hoa, quả có khả năng ứng dụng công nghệ cao như: Thanh Long, chuối, xoài, cây có múi, cà chua, dưa chuột, dưa lưới, ớt ngọt, rau ăn lá, hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa lily... Tùy theo điều kiện sinh thái, điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện của từng doanh nghiệp, chủ trang trại mà các bạn có thể quyết định cho mình một đối tượng phù hợp nhất.
26/12/2017 11:41
Thời gian qua, vấn đề tích tụ ruộng đất được coi là cản trở trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp hay người dân muốn tích tụ ruộng đất quy mô lớn để sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Xin hỏi ông vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đất đai là một vấn đề khá nan giải và có thể nói là nút thắt trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao khi mà các doanh nghiệp có tiềm năng muốn đầu tư ra tấm ra món.
Việc thảo luận với những người dân có đất nằm trong khu quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao thường rất khó khăn nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương vì quy mô manh mún, nhỏ lẻ của các hộ sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề này cũng đã có một số địa phương sáng tạo trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thương thảo với nông dân về phương thức góp đất hoặc chính quyền đứng ra bảo lãnh, giải phóng mặt bằng bàn giao “đất sạch” cho doanh nghiệp như Hà Nam, Vĩnh Phúc.
Ở tầm vĩ mô, chính sách về đất đai cũng đã được các địa phương, bộ ngành đề xuất, sửa đổi luật đất đai 2013 để tạo hành lang pháp lý đối với việc dồn đổi, sang nhượng, cho thuê và hạn điền.
Hy vọng những thay đổi về chính sách đất đai và cách làm sáng tạo của địa phương sẽ là động lực thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khi họ không tốn kém quá nhiều thời gian, công sức và thủ tục để lo được văn bằng sản xuất.
Một bạn đọc hỏi: Tôi là nông dân ở Đan Phượng, Hà Nội, tôi đang mong muốn trồng mô hình cà chua công nghệ cao… Tôi có thể tiếp cận thông tin xin tư vấn ở đâu?
Ông Trần Xuân Định: Bác hoàn toàn có thể tiếp cận các thông tin về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho trồng cà chua: Lựa chọn giống, thời vụ, chăm sóc, quản lý dịch bệnh và thu hái, cả vấn đề thị trường, bán như thế nào? Thông qua việc tham khảo thông tin trên mạng Internet; trên các báo Online trong đó có báo Tiền phong; Việc trồng Cà chua ứng dụng công nghệ cao đã được trồng thành công ở nhiều nơi của nước ta;
Để nắm bắt cặn kẽ và nhìn tận nơi, xin giới thiệu với Bác là ở ngay Đan Phượng quê Bác; vùng bãi ven sông có trang trại “Đồng Xanh” của Anh Bùi Xuân Cường là Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô, có 2 ha và có 2500 m2 nhà lưới đang trồng cà chua và dưa, rau sạch theo phương pháp thủy canh, Đầu tư làm nhà lưới. Anh Cường sẽ tư vấn và giúp bác trực tiếp nếu bác muốn, có thể tham gia mạng lưới của Đồng xanh vì Viện Ngô có một loạt cửa hàng bán rau sạch từ canh tác công nghệ cao khá chạy ở Thị trấn Phùng.
Muốn hiểu thêm Bác cũng có thể hỏi các chuyên gia của trang “Sao thần nông”; hoặc điện thoại tư vấn hỏi Tiến sỹ Đặng Huy Đông -Phó viện trưởng Viện NC rau quả TƯ, Trâu Quỳ Gia lâm, Hà Nội hoặc TS Đào Xuân Thảng –Viện cây lương thực cây thực phẩm Hải Dương; TS Tháng có thiết kế và cách làm nhà màng rất hợp lý, rẻ tiền, phù hợp đầu tư của nông hộ
Chúc Bác thành công!
Tôi đang nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, hiện đang muốn chuyển sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mà báo chi nói đến nhiều, tuy nhiên khi vay vốn để chuyển đổi mô hình nuôi trồng thì gặp rất nhiều khó khăn? Xin ông cho biết, hiện có chính sách ưu đãi về vốn nào cho những nông dân muốn chuyển đổi mô hình nuôi trồng truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao như tôi không ạ?
Ông Trần Xuân Định: Hiện tại Chính phủ có gói tín dụng 100 ngàn tỷ hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân vay vốn đổi mới công nghệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, với lãi suất ưu đã giảm 0,5-1,5% lãi suất so với lãi suất thông thường. Anh lập dự án và chính quyền địa phương thẩm định trình Sở, UBND tỉnh phê duyệt, thẩm định và Ngân hàng cho vay. Việc vay được vốn cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định và phải lập dự án theo hướng dẫn.
Ngoài ra có thể địa phương có những chính sách riêng, Anh nên gặp lãnh đạo của Sở NN&PTNT để tìm hiểu các thủ tục và tiêu chí, điều kiện được vay hoặc hỗ trợ theo quy định.
26/12/2017 11:50
Hơn 2 tiếng, cuộc giao lưu diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Thay mặt Ban Biên tập, ông Lê Minh Toản, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký Tòa soạn cám ơn các khách mời đã đến chia sẻ giải đáp. Theo ông Lê Minh Toản, Báo Tiền Phong luôn là cầu nối để truyền tải ý tưởng của các chuyên gia để các bạn trẻ lập thân, khởi nghiệp, lập nghiệp vững vàng. Tuy nhiên do thời gian có hạn, cuộc giao lưu khép lại thành công lúc 11g45.
Tía tô xuất Nhật giá 500-700 đồng/lá, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính đem lại năng suất 10-15 lần so với nuôi tôm truyền thông, hay mới đây Thanh Long trồng theo công nghệ cao của Việt Nam chính thức bước vào thị trường Úc sau 9 năm đàm phán cho thấy, giá trị của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định là “làn sóng mới” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng, bước đầu cạnh tranh được với hàng hóa nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi tất yếu để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển với nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hàm lượng công nghệ ứng dụng trong sản xuất còn thấp, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, nhân lực thiếu thốn.
Nhằm khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu các thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhân rộng các mô hình thành công tới đông đảo bà con nông dân và doanh nghiệp, báo Tiền Phong tổ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề : Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Buổi giao lưu diễn ra vào 9h30-11h ngày 26/12/2017 với sự tham gia của 3 khách mời gồm:
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.
TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia.