Vì sao nhà vệ sinh ở trường 'ám ảnh' học sinh?

Nhà vệ sinh ở trường tiểu học thuộc huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Dương Tâm.
Nhà vệ sinh ở trường tiểu học thuộc huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Dương Tâm.
Thiết bị mau xuống cấp, ý thức học sinh chưa tốt, nhân sự cho dọn dẹp thiếu là những nguyên nhân khiến học sinh sợ nhà vệ sinh trường học.

Làm lao công hơn 10 năm tại một số trường tiểu học ở TP HCM, bà Phùng Thị Hà (ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) quả quyết, các trường học thường mua thiết bị như vòi nước, bồn tiểu, bồn cầu, quạt thông gió rẻ nhất để tiết kiệm kinh phí nên rất mau nứt, hoen rỉ. Nhất là bồn tiểu nam, nhiều nơi chỉ sử dụng một thời gian là hư ống dẫn nên phải xây thêm máng xả, dẫn thẳng nước tiểu xuống.

Nhà vệ sinh ở nhiều trường bẩn, cũ kỹ nhưng chờ rất lâu mới được sửa nếu bị hỏng. Có lần ở khu tiểu dành cho học sinh nam bị hư vòi xả nước, bà Hà đề xuất bộ phận cơ sở vật chất của trường thuê thợ đến sửa, nhưng hơn nửa tháng mới được. "Vòi hư, mình có dán bảng 'không được dùng' nhưng các cháu còn nhỏ đâu có để ý. Thế là cứ hết đứa này đến đứa khác, mùi khai nồng nặc".

Là nhân viên dọn vệ sinh một trường THCS ở quận 12 (TP HCM), bà Huân cũng cho rằng thiết bị trường học không tốt, tần suất sử dụng dày đặc, học sinh lại thiếu ý thức khiến đồ dùng mau hỏng. Bồn cầu, vòi nước thường bị nứt, tắc.

"Công việc của chúng tôi chỉ là dọn dẹp, thấy hư thì đề xuất trường sửa. Nhưng việc sửa, thay mới hạng mục ở nhà trường cũng không nhanh lẹ như ở nhà đâu mà phải đợi chờ, trong khi các cháu thì không chờ được", bà thẳng thắn nói.

Ở các trường nông thôn như Hà Tĩnh, rất nhiều nhà vệ sinh trường học xuống cấp, cần xây mới. Để xây một khu vệ sinh kiên cố, biệt lập với các dãy phòng học, phục vụ cho 500-1.000 học sinh, theo tính toán cần khoảng 100-200 triệu đồng. Tuy nhiên, việc huy động từ ngân sách rất khó, các trường phải trông chờ vào nguồn xã hội hóa, hoặc dự án của các tổ chức phi chính phủ. 

Thiếu lao công, ý thức học sinh kém

Bà Phùng Thị Hà chia sẻ, trường bà đang làm có hai lao công chia nhau trực. Mỗi buổi học bà đi dạo một vòng khu phòng học dọn rác rồi qua khu vệ sinh là hết thời gian. Công việc đơn giản và nhàm chán, nhưng ngày nào cũng có sự cố khiến bà khóc dở mếu dở.

Bà Hà thường xuyên chứng kiến bồn cầu đen bẩn vết chân, có em đại tiện xong không dội do bồn nước hỏng, hoặc có em vứt nguyên cuộn giấy còn mới nguyên vào túi rác bẩn. Việc nào cũng tới tay lao công nên làm vội để kịp tiến độ là không tránh khỏi. "Nếu có thêm người, công việc giãn ra, chúng tôi mới có thể chăm chút hơn, may ra khâu vệ sinh mới sạch sẽ", bà Hà nói.

Rất hiểu bức xúc của phụ huynh, học sinh khi nhà vệ sinh bẩn, song bà Huân cho rằng không thể trách lao công khi chỉ có hai người phục vụ tới hơn 800 học sinh, công việc "luôn chân, luôn tay". "Chúng tôi phải dọn rác ở các dãy hành lang, quét sân, lau chùi nhà vệ sinh. Ai đó thử quét nhà, chùi bồn tắm nhà mình một bữa đi mới thấy hiểu được", bà nói.

Theo bà Huân, gần như lúc nào nhà vệ sinh cũng có người ra vào, ý thức của mỗi học sinh lại khác nhau. "Nhiều cháu đi xong không vặn nước vì sợ dơ tay khiến bồn tiểu bị hôi khai, cháu tiếp theo thấy dơ cũng để vậy. Cứ hết người này đến người khác thì cuối buổi sẽ rất khai", bà chia sẻ.

Với mức lương tháng 4 triệu đồng, lao công này cho rằng chỉ có thể làm tròn trách nhiệm dọn dẹp nhà vệ sinh theo định mức được giao. Nhiều học sinh "khó tính" sẽ không chấp nhận được khi vào nhà vệ sinh nên chọn giải pháp "nhịn".

Việc thiếu lao công dọn dẹp, các trường đều biết, tuy nhiên để tăng lên không đơn giản. Lãnh đạo một trường THPT tại quận 10 (TP HCM) cho biết, theo quy định, nhân sự cho công tác phục vụ, bao gồm bảo vệ và người dọn vệ sinh của các trường hiện phổ biến là 3. Với trường 1.500-2.000 học sinh, số nhân sự trên không làm xuể việc. "Ít nhất phải có một người bảo vệ rồi, vậy hai người dọn dẹp nhà vệ sinh cho cả nghìn người là quá tải", ông nói.

Từ thực tế trường mình có bốn tầng, mỗi tầng đều có khu vệ sinh nam - nữ riêng nên chỉ việc dọn dẹp trước và sau mỗi buổi học, lao công làm không kịp. Ngoài dọn dẹp nhà vệ sinh, họ phải dọn rác ở hành lang, sân trường nên muốn đúng tiến độ phải làm nhanh, gấp nên không tươm tất là chuyện dễ hiểu. Nhận thấy tình trạng trên kéo dài không tốt, ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của học sinh, nhà trường phải thuê thêm nhân công cho việc vệ sinh trường học.

Có thâm niên quản lý trường học, thầy hiệu trưởng này khẳng định nhà vệ sinh là hạng mục ít được các trường quan tâm, đặc biệt là các trường cũ. Trong khi đó, đây cũng là hạng mục mau xuống cấp nhất ở trường, việc sửa chữa không đơn giản khi phải hoạt động liên tục. Bằng thực tế của mình, ông nói hiện có nhiều trường, nhất là tiểu học, nhà vệ sinh không mấy vệ sinh.

"Việc đi vệ sinh đúng cách và giữ gìn vệ sinh chung, tuy tế nhị, nhưng nên là một phần học nghiêm túc trong giờ kỹ năng sống. Tôi thấy đây là nội dung còn bỏ ngỏ hiện nay, lẽ ra phải chỉ bảo các em từ lúc nhỏ nhất", ông bày tỏ.

Quá tải thì khó giữ cho nhà vệ sinh sạch sẽ

Từng là hiệu trưởng trường công lập THPT Việt Đức (Hà Nội), giờ là hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (ngoài công lập), thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng những năm gần đây nhà vệ sinh trường học được cải thiện nhưng vẫn bẩn, chưa thực sự đảm bảo yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Kể cả ở trường được đầu tư tốt, tình trạng nhà vệ có mùi hôi hoặc giấy rác vứt bừa bãi vẫn xuất hiện.

Theo thầy Bình, có bốn nguyên nhân chính rất đến tình trạng này. Thứ nhất là nguồn nhân lực thường xuyên làm vệ sinh vẫn chưa đủ và ý thức trách nhiệm của người làm vệ sinh đôi lúc còn qua loa, đại khái. Thứ hai, các cơ sở vật chất phục vụ cho việc tẩy rửa như dụng cụ, chất tẩy rửa có thể không đảm bảo dẫn tới nhà vệ sinh không được tẩy rửa sạch sẽ một cách thường xuyên.

Thứ ba, số lượng học sinh quá đông trong khi nhà vệ sinh lại quá ít, không đảm bảo quy chuẩn, giờ ra chơi lại ngắn dẫn đến tình trạng quá tải. "Đã quá tải thì khó có thể giữ nhà vệ sinh luôn luôn sạch sẽ", thầy Bình khẳng định.

"Ý thức của học sinh không được tốt, đôi lúc chỉ nghĩ cho mình mà không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, trách nhiệm với cộng đồng còn hạn chế", thầy Bình nói nguyên nhân cuối cùng. Điều này khiến khu vệ sinh đã không sạch sẽ lại càng thêm bẩn, đặc biệt khi các nhà trường chưa có đầy đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG