Ngày 17/8, Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hội thảo giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo với sự tham gia của 200 đại biểu là các lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, các tổ chức quốc tế, chuyên gia nhà khoa học…
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Các nước càng thành công thì mức độ tự chủ càng nhiều.
Việt Nam còn khoảng cách lớn giữa định hướng chính sách và thực tế triển khai. Tuy nhiên đây vẫn là xu hướng cần thiết để nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống và trong xu thế hội nhập. Chính phủ có thể hỗ trợ trường học xuất sắc, nhưng không nên tập trung quá nhiều và bảng xếp hạng.
Nói về thực trạng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Từ những con số nghiên cứu Bộ GD&ĐT cũng như chuyên gia nước ngoài đều đánh giá, tỷ lệ nhập học ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Điều đáng ghi nhận là, xếp hạng của đại học Việt Nam ở khu vực và thế giới được cải thiện đáng kể. Trong đó, có hai trường lọt top 1.000, cụ thể Đại học Quốc gia TP HCM nằm trong nhóm 700 và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 800. “Nếu cơ sở giáo dục đại học chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và nghiên cứu quốc tế thì xếp hạng của Việt Nam trong tương lai sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa”, ông Phúc nhìn nhận.
Về tài chính, theo thứ trưởng Phúc, mức chi cho giáo dục còn thấp, với khoảng 0,5% GDP, gia đình và người học phải gánh rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.
Hiện cả nước có 23 trường đại học đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính và kết quả là đã có nhiều đổi mới về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Về định hướng, theo ông Phúc, phải thể chế hóa tự chủ đại học, trong đó sửa Luật Giáo dục Đại học là vấn đề hết sức cấp bách. Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục.
"Vì thí điểm tự chủ nên lãnh đạo nhiều trường đại học vừa làm vừa run. Do vậy cần phải sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường. Giáo dục của chúng ta còn nhiều tiềm năng, nhưng cần đổi mới để tạo ra sự phát triển”, ông Phúc nhấn mạnh, đồng thời lưu ý đẩy mạnh tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong toàn xã hội.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ trong chương trình chứ không phải tự chủ về tài chính. Nguyên hiệu trưởng Đại học KHXH&NV TPHCM cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. “Các trường chỉ chăm bẵm cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục của chúng ta” ông cho hay.
GS. Hoàng Chí Bảo kiến nghị cần tập trung cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, làm sao tạo ra “thầy dạy chứu không phải thợ dạy”. Người thầy xuất chúng là người biết truyền cảm hứng tới sinh viên. GS Bảo cũng đề nghị cần trở lại mô hình đại học tổng hợp, bởi từ khi thay mô hình này bằng Đại học Quốc gia, nơi đào tạo trí thức tài năng, bác học đã không còn nữa.
“Có thể nhiều vị không muốn và phản đối, nhưng bản thân tôi luôn mong muốn và tâm huyết với điều này”, GS. Bảo bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, Đại học Sư phạm Hà Nội và TP HCM phải được coi là nòng cốt, đi sâu vào giáo dục lý luận cũng như phương pháp giảng dạy. Ông cũng mong muốn biến “quốc sách hàng đầu” thành nguồn lực vật chất thực sự, có như vậy mới tạo ra “chấn hưng giáo dục”.