SGK mới, học sinh sẽ học gì?

Học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - PGS TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới cho biết, với tiêu chí phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, chương trình môn Ngữ văn mới có mục tiêu tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn…

 Bài 2: Học Văn để biết đồng cảm, sẻ chia…

Một trong những đổi mới của môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới chính là đổi mới mục tiêu môn học? Ông có thể nói cụ thể về điều này?

Cũng như nhiều môn học khác, do xây dựng theo định hướng nội dung nên mục tiêu môn Ngữ văn trước đây thường coi trọng việc trang bị kiến thức là chính, ít chú ý đến yêu cầu phát triển năng lực. Mục tiêu chương trình lần này chú trọng phát triển cả phẩm chất và năng lực.

Cụ thể là, qua những văn bản ngôn từ, đặc biệt là các văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam.

Ngoài việc góp phần phát triển các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Để đạt được mục tiêu đó, các tác phẩm được đưa vào chương trình mới được chọn lựa trên những tiêu chí nào?

Chương trình chỉ lựa chọn và gợi ý những văn bản tác phẩm phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đã đặt ra, tất nhiên phải theo các tiêu chí rõ ràng. Chương trình bao giờ cũng kế thừa những văn bản hay và còn đáp ứng được yêu cầu mới vì thế đã nêu lại trong danh sách gợi ý các tác phẩm cần dạy trong CT mới phần lớn các văn bản hiện có trong CT và SGK Ngữ văn hiện hành (khoảng 70-80%).

Chương trình được xây dựng thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12. Về nội dung, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình THCS và THPT hiện hành.

Các tác phẩm mới cũng như cũ đều phải đáp ứng được các tiêu chí quan trọng của chương trình. Cụ thể là phải phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; giúp học sinh có hứng thú đọc văn. Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ. Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung,… và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Khuyến khích bài viết có cá tính, sáng tạo

Như vậy, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học ra sao để đạt mục tiêu học dạy môn Ngữ văn trong chương trình mới, thưa ông? Với đội ngũ giáo viên hiện nay, cần phải bồi dưỡng về năng lực nào để đáp ứng chương trình mới?

Do yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực, nên chương trình nhấn mạnh việc chú ý hình thành cho học sinh cách học, tự học, từ phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc hiểu đến cách thức tạo lập văn bản và nghe-nói; thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau để sau khi rời nhà trường các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh; hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ học sinh để các em từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi.

Giáo viên cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe. Bên cạnh việc phát huy tính tích cực của người học, giáo viên cần chú ý tính chuẩn mực của người thầy cả trong tri thức và kỹ năng sư phạm. Chú ý yêu cầu dạy học tích hợp và yêu cầu dạy học phân hóa. Đa dạng hoá các phương pháp, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học.

Điều cần chú ý nhất đối với đội ngũ giáo viên hiện nay không phải là những năng lực về kiến thức hay nội dung khoa học mà là yêu cầu về phương pháp dạy học, tức năng lực sư phạm- nghề nghiệp. Một trong những điểm quan trọng cần chú ý và phải làm rõ trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, đó là cách dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực khác gì cách dạy Ngữ văn theo hướng nội dung hiện hành và mối quan hệ giữa hai cách dạy này?

Khi áp dụng chương trình, SGK mới thì phương pháp kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn có gì thay đổi?

Chương trình Ngữ văn mới chủ trương tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong việc đọc hiểu và viết bài văn. Để đạt được mục tiêu đó và khắc phục tình trạng áp đặt, đọc chép, chương trình có những quy định cụ thể về yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học và đặc biệt nêu rõ trong yêu cầu kiểm tra, đánh giá kết quả. Chẳng hạn yêu cầu: “Việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối khóa không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá”; Hoặc “Cần xây dựng được câu hỏi, bài tập một cách rõ ràng, dễ đo lường; các đề thi, kiểm tra quan trọng cần yêu cầu học sinh vận dụng với tình huống và ngữ liệu mới. Dù đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và tư duy của chính các em, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo”.

   Cảm ơn ông.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở bằng cách chỉ quy định một số nội dung cốt lõi và 6 tác phẩm bắt buộc gồm: bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập. Số còn lại, sẽ đưa ra một danh sách gợi ý để các tác giả viết SGK và giáo viên lựa chọn.

MỚI - NÓNG