Không hiểu sao, mỗi lần người ta bàn cãi đến chuyện phải đổi mới giáo dục, cải cách giáo dục hay những chuyện tương tự, tôi lại nghĩ đến GS Hồ Ngọc Đại, nhớ tới lần trò chuyện với ông. Ông là người đã mở ra một lối giáo dục mới rất “khác người”.
Khi ông lập ra trường thực nghiệm, có rất nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Người ủng hộ coi đó là cách giáo dục hiện đại, nhưng những người phản đối lại nói rằng con người, nhất là các em nhỏ có phải là “đồ vật” đâu mà mang ra “thực nghiệm”. Tôi hỏi ông rằng phương pháp mà ông dạy học trò ở trường thực nghiệm, ông có dạy con mình không Ông bảo, “tất nhiên”!
Tôi chợt nhớ lời dạy của Khổng Tử “ Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Nếu theo lời Khổng Tử, con người khi sinh ra vốn bản tính lương thiện chăng? Hay nói cách khác, bản tính tự nhiên của con người là lương thiện? Và GS Hồ Ngọc Đại muốn để cái bản tính lương thiện này phát triển tự nhiên? Dạy con theo cách “khác người” của ông là tuyệt đối tuân theo bản tính tự nhiên tự có trong con người?! Nghĩa là ông không hề áp đặt mà tuân thủ bản tính tự nhiên của con người, từ đó hướng cho con em mình phát triển đúng với các quy luật tự nhiên, khách quan chứ không hề theo sự chủ quan, áp đặt, mong muốn, của những bậc làm cha, làm mẹ.
Tôi đến thăm ông tại trụ sở của “Trung tâm công nghệ giáo dục” do ông làm giám đốc. Dù nghe tiếng ông đã lâu, cũng nghe nhiều đến phương pháp dạy học của ông, điều mà nhiều người cho là rất hay, cũng có người cho là “ảo tưởng”.
Tôi biết, trường thực nghiệm Giảng Võ và các phương pháp dạy học ở đó phần nhiều là từ ông. Ông được coi là “cha đẻ” của “Công nghệ giáo dục”. Trường thực nghiệm Giảng Võ đã có những học sinh mà sau này trở nên nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu. Chẳng thế mà báo chí có lúc loan tin người ta chen nhau nộp đơn vào đây cho con học đến mức xô đổ cả cổng trường!
GS Hồ Ngọc Đại có người con trai duy nhất tên là Hồ Thanh Bình, sinh năm 1973. Thanh Bình học luật ở Nga, rồi làm thạc sỹ giờ đang làm tiến sỹ. Bình học giỏi nên khi tốt nghiệp đã có ba nơi tuyển dụng, nhưng Bình chọn Viện Khoa học giáo dục và bây giờ Thanh Bình đang là trưởng phòng.
Trò chuyện với tôi qua điện thoại, Bình kể rằng: Hồi nhỏ, vào các ngày chủ nhật bố cháu thường dẫn cháu vào vườn bách thú hay công viên chơi, cháu rất thích, được tự do chạy nhảy, thăm thú trong đó, nơi mà trong trí tưởng tượng của tuổi thơ là cả một thế giới muôn màu muôn vẻ …Bố mẹ cháu luôn tôn trọng cháu, không hề áp đặt điều gì, chỉ khuyên cháu lớn lên cố gắng làm một người lương thiện …
GS Hồ Ngọc Đại kể, có lần vợ ông (Bà Lê Tuyết Hồng, con gái thứ ba của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) bảo “Nhà mình chỉ có một đứa con mà anh chẳng chịu kèm cặp gì nó cả…”. Ông bảo “Tôi lo cho cả triệu học sinh chứ đâu chỉ riêng mình nó... Thế là nhà tôi giận mấy ngày đấy…”.
Khi tôi hỏi ông dạy con ở nhà và dạy học trò ở trường khác nhau chỗ nào? Ông bảo: "Tôi không dạy con cái gì ở nhà cả, con tôi đến trường thực nghiệm học như các trẻ em khác. Học sinh ở trường thực nghiệm học như thế nào thì con tôi học như vậy”.
Năm 1978, ông thành lập trường thực nghiệm. Ông nói, theo phương pháp giáo dục của ông, trẻ em chỉ học một năm thôi là đọc thông viết thạo. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu lắm, ông giải thích rằng “ công nghệ” giáo dục của ông ví như người công nhân làm việc trong nhà máy, làm việc trên dây chuyền sản xuất liên tục, có thể kiểm soát được sản phẩm từ đầu đến cuối… Học sinh học ở đây là tự học hết, giáo viên chỉ hướng dẫn quá trình tự học, hướng dẫn học sinh tự làm lấy bài vở… thầy không gân cổ lên giảng, học sinh không phải cố hết sức mình ... “Khi tôi đưa các bài toán về đại số vốn được dạy cho sinh viên đại học xuống dạy cho học sinh lớp 1, người ta bảo tôi muốn làm cho trẻ em loạn trí à? Thế mà trẻ em lớp 1 học được đấy!” Ông hào hứng bảo tôi.
Trước đây, tôi nghĩ, có lẽ ông là con rể của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nên người ta nể ông, nếu không, phương pháp thực nghiệm, công nghệ giáo dục của ông khó mà tồn tại. Hóa ra tôi đã nhầm, càng ngày, công nghệ giáo dục mà ông khởi xướng càng trở nên cần thiết cho công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
GS Hồ Ngọc Đại sinh ở Quảng Trị nhưng quê gốc của ông ở xứ Nghệ. Ông nội từng làm quan thời nhà Nguyễn, quan văn. Bố ông là Hồ Thâm theo cụ Phan Bội Châu chống Pháp, sau đó đi theo cách mạng. Năm 1968, ông sang học đại học ở Liên Xô (cũ) ngành tâm lý. Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sỹ khoa học “những vấn đề tâm lý trong dạy toán hiện đại”.
GS Hồ Ngọc Đại đã có nhiều câu nói nổi tiếng, nhiều phát ngôn “gây sốc” trên báo như “Trẻ em là cứu tinh của dân tộc…”; “Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm”; “Tôi chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục…”.
Giờ ở tuổi ngoài 80, nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công nghệ giáo dục, với sự nghiệp “trồng người” đang biến đổi từng ngày trên đất nước ta.
Trong “ Ngày thơ Việt Nam” tổ chức vừa rồi ở Văn Miếu, tôi thấy ông nhanh nhẹn đi lại giữa những nhà thơ, nhà văn, sôi nổi trò chuyện. Tôi biết ông là người yêu văn chương và có lẽ ông đã tìm thấy cái cốt lõi nhất là tính nhân văn trong đó để đưa vào “Công nghệ” giáo dục của ông mấy chục năm qua …