Lãnh đạo Vụ cho biết, chỉ tiêu năm 2017 của khối ngành sư phạm khoảng 54.000. Nhưng con số thực tuyển của các trường chỉ đạt 80% chỉ tiêu đề ra tức là khoảng 43.000 thí sinh. Như vậy, chỉ tiêu của năm 2018 đối với các trường sư phạm là khoảng 35.000. So với năm 2017, chỉ tiêu sư phạm giảm gần 40%.
Lý giải về những thay đổi này, theo Vụ giáo dục ĐH căn cứ để xác định chỉ tiêu năm 2018 dựa vào tổng nhu cầu của địa phương được tính là tổng số của số sinh viên dự kiến tuyển mới, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp và số sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm trong những năm qua. Đồng thời, kết hợp yếu tố vùng miền, việc định hướng dịch chuyển cơ cấu giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học ở các trình độ theo dự thảo luật giáo dục.
Đối với chỉ tiêu của từng trường cụ thể, căn cứ để xác định chỉ tiêu dựa vào các yếu tố: nhu cầu giáo viên của địa phương, vùng miền; năng lực đào tạo do trường kê khai theo hướng dẫn tại Thông tư 06 ban hành tháng 2/2018 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Một trong những điểm mới về xác định chỉ tiêu tuyển sinh được quy định tại Thông tư 06 là các trường chủ động xác định chỉ tiêu theo năng lực và kê khai trong phần mềm quản lý của Bộ GD&ĐT. Điểm mới này được các trường đồng thuận và đánh giá cao, phù hợp với chủ trương tăng quyền tự chủ của các trường.
Đối với các trường đào tạo đa ngành chỉ tiêu tuyển sinh được các trường xác định theo quy định tại Thông tư không 06, chỉ tiêu sư phạm theo quy định riêng đối với ngành đào tạo giáo viên. Như vậy, tổng chỉ tiêu đào tạo theo năng lực của các trường đa ngành là không giảm.
Trong những năm gần đây, giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình. Mục đích chính của việc giảm chỉ tiêu nhằm giảm quy mô đào tạo, tạo điều kiện tốt hơn để các trường tổ chức đào tạo đối với sinh viên sư phạm nhằm tăng chất lượng đào tạo ngành sư phạm, giảm dần tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm phù hợp định hướng, lộ trình quy hoạch mạng lưới các trường có ngành đào tạo đào tạo giáo viên.
Mặt khác, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên cũng được quy định đối với cả hai phương thức xét tuyển theo kế quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi THPT quốc gia.
Cùng với việc giảm chỉ tiêu đào tạo, Bộ GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng. Công bố công khai kết quả đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát. Từ đó, các trường có ngành đào tạo giáo viên có chất lượng sẽ thu hút người học với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao.