Ông cũng cho biết ĐHQG luôn ủng hộ, khuyến khích các trường đào tạo tất cả các trình độ cao nhất có thể. Theo PGS-TS Hội Nghĩa, hiện nay, vấn đề đào tạo tiến sĩ ở nước ta cần quan tâm đến 4 yếu tố lớn: Công tác quản lý, quản trị sau ĐH, trong đó có tiến sĩ; đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo cần có chất lượng, uy tín nhằm thu hút nghiên cứu sinh chất lượng cao; hoạt động chuyên môn cụ thể, chương trình đào tạo chất lượng và công tác cơ sở vật chất - tài chính đảm bảo.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Trung Chơn – Trưởng Phòng Đào tạo Sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa-ĐHQG TP HCM – nêu một số thách thức trong công tác đào tạo tiến sĩ tại trường. Trong đó, khó khăn thách thức đầu tiên là quy chế đào tạo tiến sĩ mới. Tiếp đó, có sự cạnh tranh mạnh giữa các trường ĐH về nguồn tuyển sinh sau ĐH, nhất là thạc sĩ.
Mặt khác với sự tham gia của các ĐH nước ngoài cũng là thách thức cho các trường ĐH trong nước. Chính sách học phí và đầu tư chưa phù hợp, đội ngũ giảng viên còn thiếu trong khi phải tăng cường quy mô và sức cạnh tranh… cũng là những yếu tố được nhắc đến.
Để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm tiếp cận trình độ quốc tế, PGS-TS Vũ Ngọc Út, PGS-TS Mai Văn Nam, Trường ĐH Cần Thơ, đề xuất các trường cần tuyển chọn ứng viên theo hướng cân nhắc năng lực cá nhân trên cơ sở xem xét năng lực học tập ĐH hoặc thạc sĩ; tuân thủ việc tuyển chọn ứng viên theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, tăng thời gian tập trung để nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu khoa học và đề tài luận án, mở rộng hợp tác quốc tế tạo nguồn kinh phí để phát triển nghiên cứu khoa học và gắn kết, nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra,nghiên cứu sinh cần đa dạng nguồn kinh phí trong nghiên cứu khoa học bằng cách chủ động tìm nguồn kinh phí thực hiện luận án từ các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, địa phương và các tổ chức quốc tế…
Đáng chú ý, tại hội thảo, Ông Nguyễn Tấn Đại – tiến sĩ khoa học giáo dục, ĐH Strasbourg (Pháp), nhà nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục và truyền thông khoa học, cũng nêu quan điểm phản biện một số thông tin trên báo chí thời gian qua về đề án 911. Theo đó, mục tiêu của đề án là nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các trường ĐH và CĐ sư phạm lên 30% vào năm 2025.
"Nhiều ý kiến phản biện cho rằng số lượng tiến sĩ trong nước đã quá nhiều (24.300 người) nhưng chất lượng không tương xứng và đề án chạy theo số lượng. Tuy nhiên, muốn đánh giá số lượng tiến sĩ nhiều hay ít, không thể nhìn vào những con số tuyệt đối bao nhiêu người một năm, mà cần dựa trên tổng thể quy mô nền giáo dục của một quốc gia", ông Đại phân tích.
Theo ông Đại, số liệu thống kê cho thấy số trường ĐH và số lượng sinh viên nước ta tăng liên tục trong 15 năm qua, đặc biệt từ 2005. Trong khi đó, số giảng viên ĐH và giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ tăng ở mức độ vừa phải. Thậm chí, trong tương quan chung với tổng thể quy mô nền giáo dục ĐH thì tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ có xu hướng giảm chứ không tăng (từ trên 19% năm 2000 xuống xấp xỉ 14% những năm 2009-2013 và chỉ mới tăng lại 20% năm 2017.
Đồng thời, Ông Nguyễn Tấn Đại cũng đưa ra nhiều bảng thống kê chứng minh so với thế giới, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật trong dân số Việt Nam là rất thấp. Ông Đại cũng phản bác thông tin báo chí trong thời gian qua cho rằng ngân sách đào tạo dành cho đề án 911 là quá cao, lãng phí.
"So với thống kê sơ bộ về tổng sản phẩm trong nước năm 2016, chi phí tổng cộng cho đề án 911 chỉ chiếm khoảng 0,07% của cả GDP và GNI thực tế năm 2016. Như vậy, khoản đầu tư cho tương lai này không phải là quá nhiều", TS Đại nhấn mạnh.
Điểm mới của quy chế đào tạo tiến sĩ
Tại hội thảo, TS Đào Hiền Chi, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cũng thông tin về một số điểm chính của Quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành theo TT10 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, bà Chi nêu một số điểm mới trong quy chế như: Không hạn chế số lần tuyển sinh; hình thức tuyển sinh đa dạng gồm xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai; điều kiện đầu vào của người dự tuyển là phải có bằng cử nhân loại giỏi trở lên, có tối thiểu một bài báo/báo cáo công bố trong vòng 36 tháng tính đến ngày đăng ký dự tuyển; có trình độ ngoại ngữ ở mức nhất định (nếu là tiếng Anh thì phải có chứng chỉ TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS – Academic Test từ 5.0 trở lên).