Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2015 tầm nhìn 2030. Mục tiêu đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) với số tiền đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.
Đề án thiếu “con số” đảm bảo
Chia sẻ với Tiền Phong, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho rằng dự thảo nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có thể được chi 12.000 tỷ đồng, đào tạo 9.000 tiến sĩ khiến dư luận đáng lo ngại.
TS Khuyến cho rằng, những mục tiêu, chỉ số đưa ra trong đề án thì không có gì ghê gớm. Nhưng có điều các chỉ số như thế khó trở thành hiện thực bởi đề án hiện nay trong giai đoạn chuẩn bị và thiếu nhiều nội dung cần phải bổ sung.
Theo TS Khuyến, nội dung thứ nhất phải bổ sung vào đề án là làm rõ khái niệm thế nào là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các trường, các cơ sở giáo dục đại học mà chất lượng cao. Giáo dục đại học đưa ra có 2 loại trường đại học là theo hướng định hướng nghiên cứu và theo hướng ứng dụng.
“Trên thế giới đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của đại học (ĐH) nghiên cứu người ta mới để ý đến số lượng tiến sĩ còn đối với đại học theo định hướng ứng dụng không phải quyết định ở đội ngũ tiến sĩ mà quyết định ở chuyên gia lành nghề, mà muốn tạo gia đội ngũ chuyên gia lành nghề thì phải gắn chặt giữa nhà trường với doanh nghiệp”- TS Khuyến phân tích.
TS Khuyến cho rằng, sẽ phiến diện khi các trường chỉ đếm bằng tiến sĩ: “Nếu chỉ đếm bằng tiến sĩ thì hệ thống giáo dục của Việt Nam, với các trường theo định hướng nghiên cứu mới có thể nâng tầm lên chứ các trường theo ứng dụng thì không nâng tầm lên”- TS Khuyến khẳng định.
TS Khuyến cũng chỉ ra, trong đề án chưa nêu tới đánh giá năng lực thực sự các trường đại học trong nước năng lực đào tạo tiến sĩ vì lâu nay có các cơ sở đào tạo qua loa, dễ dãi, cơ quan quản lý lại chưa mạnh tay chấn chỉnh.
Ông Khuyến cho biết thêm, trong luật giáo dục đại học nói là các chương trình đào tạo tiến sĩ phải theo định hướng nghiên cứu nghĩa là các xu hướng các trường theo nghiên cứu cả. Như vậy, các trường theo hướng ứng dụng có phải mục đích là đào tạo tiến sĩ?
“Các trường ứng dụng cũng được đào tạo tiến sĩ sẽ giảm chất lượng đi. Hiện nay, các trường có thương hiệu việc quản lý đào tạo tiến sĩ cũng tùy tiện khi có thầy nhận cả chục nghiên cứu sinh thì chất lượng làm sao được”- TS Khuyến nhận định.
Dễ theo vết xe đổ của 911?
Nói về việc chi 12.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ trong tương lai, ông Lê Viết Khuyến cho rằng đó là điều đáng lo ngại. “Nếu tất cả những vấn đề tôi đặt ra ở trên không được phân tích thấy đáo thì đề án hiệu quả thấp, kế hoạch không đạt được”- TS Khuyến khẳng định.
“Ta đặt ra một đề án mới thế, nếu không có yếu tố đảm bảo về chất lượng, có thể thực thi được thì đề án này chỉ là đề án giấy”- TS Khuyến khẳng định.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, thực ra Đề án 911 (Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020) và ngay cả Dự thảo lần này là tập trung nâng cao năng lực cho giảng viên và cán bộ quản lý trong các trường đại học.
Thế nhưng chất lượng giảng viên không đi đôi với trình độ, đòi hỏi từ nay trở đi trách nhiệm rất lớn đặt lên các cơ sở đào tạo tiến sĩ cũng như của Bộ GD&ĐT, nếu không thì sẽ lại không hoàn thành kế hoạch như Đề án 911.
“Chưa rõ giải pháp cụ thể như thế nào và bài học nào rút ra từ 911 chưa có. Nói làm cái gì thì dễ nhưng làm thế nào mới khó”, TS Vinh cũng băn khoăn vì tính khả thi của đề án.
Trong khi đó, GS.TSKH Dương Đức Tiến - Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội cho biết: "Một đất nước giỏi không cứ phải có nhiều Tiến sĩ, nhiều học vị, ngay bản thân chúng tôi cũng vậy, chúng tôi nhìn nhận tài trí của đất nước là phải phát huy được đa dạng, làm được nhiều việc khiến cho đất nước thay đổi mới là đào tạo tốt. Các nước phát triển cũng đâu có nhiều Tiến sĩ như Việt Nam, họ chỉ là người hoạt động bình thường, không đào tạo chạy theo văn bằng".
Bên cạnh đó, ông Tiến đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta phải đặt mục tiêu 20.000 tiến sĩ, rồi vắt chân chạy theo mục tiêu đó?. Tại sao phải chạy theo con số như vậy?
Tôi nghĩ nếu có khoảng 20.000 tiến sĩ thì chắc gì nền khoa học sẽ đổi khác, chạy theo những con số mà con số đó chưa chắc đẹp, cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng bình thường, dân khoa học ai cũng ngượng ngùng. Cho nên không phải cứ có bằng cấp cao là thì nền khoa học sẽ đổi khác, nhiều người không có bằng tiến sĩ mà rất giỏi", ông Tiến phân tích
Trước đó năm 2010, Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 911) được phê duyệt với mục tiêu cụ thể đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2010 đến 2013 mỗi năm tuyển chọn từ 800 - 1200 nghiên cứu sinh; từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn từ 1300 - 1500 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài;
- Đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2010 đến năm 2013 mỗi năm tuyển chọn 300 - 350 người; từ năm 2014 trở đi bình quân mỗi năm tuyển chọn 450 người;
- Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước. Từ 2010 đến 2015 mỗi năm tuyển chọn 1200 - 1500 nghiên cứu sinh; từ năm 2016 bình quân mỗi năm tuyển chọn 1500 nghiên cứu sinh.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 14.000 tỷ đồng.