Ba đơn vị chính thức tham gia đấu thầu chương trình Sữa học đường

TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong chiều ngày 12/10, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngày 10/10, đơn vị này đã mở thầu Chương trình Sữa học đường.

Ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, hiện có 3 đơn vị là Vinamilk, một công ty con của TH True milk và công ty Thịnh Anh chính thức tham gia đấu thầu Chương trình Sữa học đường của Hà Nội.

Theo luật, sau khi mở thầu, sẽ đánh giá hồ sơ mời thầu trong thời gian không quá 45 ngày mới “chốt” công bố tên đơn vị trúng thầu.

“Quy trình thực hiện sẽ đánh giá hồ sơ kĩ thuật và năng lực. Sau đó, nhà thầu nào qua được bước đó, tiếp tục mở gói thầu tài chính và đánh giá tiếp. Với gói thầu trong nước, thời gian từ khi mở thầu đến khi kết thúc không được quá 45 ngày với gói thầu trong nước”- ông Cẩn thông tin.

Được biết, đơn vị tư vấn độc lập này do Sở GD&ĐT thuê ngoài và theo ông Cẩn, tuyệt đối đơn vị này không được cung cấp thông tin.

Trước đó, ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.

HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo đó, trẻ sẽ uống sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng. Sữa bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, không bán trên thị trường và có tem mác riêng. Đơn vị xây dựng tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.