3 phương án tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đau đầu cân nhắc

Nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra hoang mang với các phương án tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội.
Nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra hoang mang với các phương án tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội.
TPO - Sở GD&ÐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 -2020 thay vì một phương án đã công bố hồi tháng 4/2018, nhiều lãnh đạo các trường cũng thấy bất ngờ và cũng phải đau đầu cân nhắc.

Ngoài một phương án cũ công bố hồi tháng 4 (học sinh làm 3 bài thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp) Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đưa thêm 2 phương án tuyển sinh vào lớp 10 nữa để xin ý kiến của các trường. 

Cụ thể, phương án 1 là thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 thuộc 1 trong 6 môn (Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GD&ĐT công bố vào cuối tháng 3.

Phương án 2 là giữ nguyên như phương án tuyển sinh lâu nay: thi tuyển 2 môn Toán, Ngữ văn kết hợp xét tuyển điểm học bạ 4 năm THCS.

Ngoài 3 phương án trên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) cho rằng, các trường có thể đề nghị thêm phương án tuyển sinh vào lớp 10. Sở sẽ tổng hợp, trình UBND TP Hà Nội xem xét.

Phương án nào tốt?

Sau khi có 3 phương án, Thầy Đàm Tiến Nam- Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay gây căng thẳng cho học sinh. Vì vậy, không nên thi thêm quá nhiều môn sẽ khiến học sinh cảm thấy nặng nề, căng thẳng.

Trong ba phương án Sở GD&ĐT đưa ra, ông Nam đồng ý với phương án thứ 1 là thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 thuộc 1 trong 6 môn.

“Đây có sự thay đổi. Đó là có hai phương án mới còn một phương án lặp lại nguyên như cũ thì theo tôi không ai chọn lặp lại vì xu hướng phải đổi mới kì thi là một điều tốt. Nhiều năm nay trường tôi cũng như nhiều trường cấp 3 mong muốn đưa môn ngoại ngữ vào kì thi để thúc đẩy việc học ngoại ngữ của học sinh”-ông Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nam, kì thi vào lớp 10 cần làm sao để không tạo sức ép quá căng thẳng đối với học sinh và không yêu cầu học sinh quá nhiều môn. Dù tổ chức thi với các môn chỉ ở mức vừa phải nhưng khi đến với học sinh, các em vẫn lo lắng, sẽ có những biện pháp của riêng mình, lại nảy sinh đi học thêm và không thể lường trước được.

“Tôi nghĩ, phương án thứ 1 là một phương án tốt, sẽ thi ba bài độc lập và sau này là một môn thi nữa. Như vậy, trong năm học sinh vẫn phải học tương đối đều các môn và đến gần thời gian thì sẽ ôn tập thêm sâu thêm. Như vậy, phương án này sẽ giúp học sinh học ngoại ngữ, vừa học đều các môn mà sức ép thi không quá căng thẳng”- Ông Nam nhấn mạnh. 

Cô Nguyễn Ngọc Dung – Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho biết, trong ba phương án đưa ra hôm qua, 14/8, bà lựa chọn thi vào lớp 10 phương án cũ được Sở GD&ĐT đưa ra hồi tháng 4.

“Tôi chọn có bài thi tổ hợp thêm ngoài môn Văn- Toán. Bởi vì, nếu mà thi từng môn riêng, kiến thức môn đó đòi hỏi xuyên suốt toàn bộ và học sinh sẽ học nặng hơn. Còn thi tổ hợp các môn thì 60 phút, của 4 bài thi thì kiến thức chọn thi tổ hợp sẽ không đi sâu vào vấn đề mà nó sẽ cơ bản. Như vậy, cơ hội học sinh không quá gắn vào một môn nào đó”- bà Dung nhấn mạnh.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, đến bây giờ, kì thi vào lớp 10 luôn áp lực đến cả giáo viên cũng như học sinh, ai cũng lo lắng: “Đương nhiên, nếu chọn phương án 1 như đề xuất, học sinh xác định có ba môn học sinh phải học luôn là Toán- Văn- Ngoại ngữ nhưng đến tháng 3 mới biết một môn nữa thì đương nhiên môn thứ 4 này sẽ là môn áp lực với học sinh”- bà Dung nói.

Bà Dung cho rằng, bà cũng thấy bất ngờ vì hôm 14/8 mới thấy thông báo năm học 2019-2020  được đề xuất có 3 phương án thi.

“Về mặt tâm lý, giáo viên và học sinh đã tiếp nhận có thi thêm tổ hợp từ gần nửa năm nay. Sở dĩ tôi nghĩ phương án này phù hợp vì việc học thi tổ hợp thế này thì gần như hồi thi tốt nghiệp 6 môn”- bà Dung cho biết.

Nhiều giáo viên và học sinh lo lắng.

Cô giáo Đỗ Ngọc Dung, giáo viên môn Sinh- Hóa của trường THCS Dương Liễu (Hà Nội) cho rằng, phần lớn các lần thay đổi phương án thi thi học sinh thường không có sự chủ động chuẩn bị mà phụ thuộc vào giáo viên. Giáo viên sẽ tìm nội dung bài học cũng như đề trắc nghiệm cho học sinh ôn tập.

Cụ thể, hồi tháng 4, sau khi có thông báo sẽ có phương án thi thêm môn tổ hợp, cô Dung cũng như các cô giáo bộ môn khác trong trường đã chuẩn bị mã đề trắc nghiệm cho học sinh làm cho quen kiểu bài, cho học sinh làm mã đề ở cả bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết.

“Cách học là học bài nào chắc bài đấy vì nếu đến tháng 3 mới công bố thêm một môn thi nữa thì học sinh và giáo viên đều không thể học kịp được. Như vậy, kì thi vẫn cứ quá áp lực với học sinh”- cô Dung nhấn mạnh.

Trước việc thay đổi bất ngờ khi có thêm hai phương án để chọn nhưng với Huyền Trang, học sinh lớp 9 của một trường quận Ba Đình cho rằng, việc thay đổi này làm học sinh “bất ổn” và cực kì lo lắng.

“Mới 5 tháng trước Sở đưa ra một phương án hoàn toàn mới với năm trước khiến học sinh lo lắng rồi giờ đầu năm mới lại thêm phương án nữa để lựa chọn. Nếu cứ lúc nào cũng thay đổi thế này thì học sinh cứ chạy theo cũng chả kịp. Mong Sở quyết định sớm để học sinh còn yên tâm học tập”- Trang cho biết.

Còn Thanh Hương, một học sinh của trường THCS tại huyện Hoài Đức cho biết, mới gần nửa năm trước xác định học nhiều để thi tổ hợp nay lại thêm đề xuất mới: “Việc phương án thi nên thay đổi từ từ để học sinh thích ứng. Nếu năm nay có chọn thì nên theo phương án 1, ngoài những môn học chính thì một môn nữa cũng là chấp nhận được. Nhưng nếu tháng 3 mới công bố phương án tuyển sinh thì hơi muộn cho học sinh”- Hương nói.

MỚI - NÓNG