Ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng "Học viện Giám đốc" PACE:

Giáo dục phải bắt đầu từ mục tiêu cụ thể

Giáo dục phải bắt đầu từ mục tiêu cụ thể
Phía sau một "Học viện Giám đốc", một Tủ sách Doanh trí, một trường Phát triển hạt giống lãnh đạo doanh nghiệp, một trường Quản trị cuộc đời... là tổ chức giáo dục PACE.
Giáo dục phải bắt đầu từ mục tiêu cụ thể ảnh 1
Ông Giản Tư Trung

Ra đời để "giải quyết vấn đề cung cấp tri thức của xã hội", sau 6 năm, PACE được mọi người biết đến như một ngôi nhà của tri thức: Đào tạo gần 4 vạn học viên doanh nhân, xuất bản hàng loạt bộ sách kinh điển tinh hoa tri thức thế giới, mời đến Việt Nam chuyên gia tiếp thị hàng đầu Philip Kotler...

Trong một không gian đầy sách của SachHay.com, tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả của "khát vọng dân trí" này - ông Giản Tư Trung.

Thưa ông, vì sao một người có kinh nghiệm thương trường như ông lại rẽ sang lĩnh vực giáo dục? Có phải như người ta thường nghĩ, kinh doanh trong giáo dục, đặc biệt đối với lớp doanh nhân, là một cách "lấy tiền từ túi người giàu" nhanh nhất?

- Chọn "nghiệp" để "gánh" là giáo dục chứ không phải kinh doanh, đơn giản vì tôi nghĩ mình chỉ có thể làm tốt một thứ, thứ mà tôi đam mê nhất, khát vọng nhất. Nếu đã làm nhà giáo thì khó có thể cùng đồng thời làm nhà kinh doanh. Nếu PACE phát triển theo hướng kinh doanh, thì có thể thấy ngay hệ quả: Mở chi nhánh nhiều nơi, thu nhận học viên ồ ạt, doanh số tăng, lợi nhuận tăng, thậm chí còn có thể franchise (nhượng quyền thương hiệu) nữa.

Nhưng ở đây, chúng tôi xác định, giáo dục không phải là kinh doanh. Giá trị giáo dục đi theo con người cho đến hết cuộc đời. Có tiền, có thể mua được bằng cấp, nhưng không thể mua được giá trị giáo dục. Bởi giá trị của giáo dục là một sản phẩm của một quá trình rất dài, đòi hỏi người dạy và người học phải tốn nhiều thời gian, tâm sức và nỗ lực để có thể có được.

Tôi không nghĩ rằng mở trường doanh nhân là "lấy tiền từ túi người giàu nhanh nhất". Bởi làm việc với doanh nhân không bao giờ là đơn giản, truyền thụ cho họ một điều gì đó lại còn khó khăn hơn nhiều lần. Bởi trước hết họ là những người có đầu óc sắc sảo, năng động, biết xét đoán.

Phải hành động một cách trung thực và thuyết phục, thì mới chia sẻ được với doanh nhân. Những doanh nhân đến với PACE, họ phải đánh đổi không chỉ là học phí, mà còn là thời gian, là cơ hội kiếm tiền trong lúc ngồi học, nên họ đòi hỏi những giá trị xác đáng với những gì họ đã đầu tư.

Tôi nghĩ, mình mang lại cái mà họ cần, đó mới là điều quan trọng. Để tầng lớp doanh nhân mạnh lên, tự mở mang nhiều kiến thức, không chỉ về kinh doanh, mà còn rộng ra, chăm lo cho xã hội, cộng đồng, có khát vọng vươn ra và đua tranh cùng doanh nhân thế giới.

Có người cho rằng, khát vọng mở trường của ông còn gắn với mục đích tạo một lớp trí thức mới từ trong thành phần doanh nhân?

- Đúng vậy. Tôi cho rằng: "Doanh nhân đúng nghĩa chính là những trí thức hành nghề kinh doanh". Vị thế của doanh nhân ngày nay trong xã hội đã khác xưa rất nhiều, nhưng khoảng cách về trình độ, cách nghĩ và cách làm của chúng ta so với những doanh nhân lừng danh thế giới vẫn còn chênh lệch.

Sự chênh lệch này chính là do họ được đào tạo bài bản, được tiếp cận với những tập sách tốt nhất để có một nền tảng tri thức và kỹ năng kinh doanh mà bao đời nay hun đúc nên. Doanh nhân Việt có đủ những điều kiện cần, là tố chất kinh doanh, khát vọng làm giàu cho mình và cho xã hội, chỉ thiếu một thứ là tri thức.

Tôi tin rằng, một doanh nhân thành đạt không có nghĩa là họ có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng, mà là họ đã tạo ra bao nhiêu giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Thế hệ doanh nhân thế kỷ 21 của Việt Nam là những ai? Liệu họ có những phẩm chất của thế hệ đi trước như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi...

- Doanh nhân là một định vị mới trong xã hội. Thế hệ doanh nhân đầu thế kỷ 20 nổi bật lên với những con người ưu tú, nhưng sau đó thì không mấy người kế tục họ. Một thời gian rất dài, giới doanh nhân bị bỏ quên, bị nhìn nhận như những người không lương thiện nên nghề này rất kém phát triển.

Chỉ khi chính sách nhà nước thông thoáng, lại được Thủ tướng Chính phủ thừa nhận "Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10", thì một thế hệ doanh nhân mới, một hình ảnh mới của thương giới Việt Nam mới lộ diện một cách rõ rệt.

Tôi cho rằng, với lịch sử kinh doanh Việt Nam thời hiện đại khá non trẻ như thế, các doanh nhân của chúng ta đã chứng minh được một sức bật mạnh mẽ của mình. Khát vọng chinh phục những thị trường mới, ghi dấu ấn của thương giới Việt trên bản đồ kinh doanh thế giới của Bạch Thái Bưởi đang chính là trăn trở của rất, rất nhiều doanh nhân mà tôi đã có dịp tiếp xúc.

Khó khăn nhất khi mở PACE là gì, thưa ông?

- Đó là việc thuyết phục mọi người tin vào quan điểm giáo dục của PACE: "tôn vinh giá trị thực học" . Chúng tôi ít có những giảng viên lừng danh, những bằng cấp hào nhoáng hay những cơ sở vật chất lộng lẫy.

Chúng tôi chỉ có những kiến thức, những kỹ năng và cả những kinh nghiệm của những người đã học, đã trải nghiệm và mong muốn chia sẻ với cộng đồng. Nó khác với những gì mà nhiều người quen nghĩ, quen hình dung, nên cần có thời gian và công sức để chứng minh rằng đây là một mô hình đúng.

Ông Giản Tư Trung học luật, tài chính và quản trị kinh doanh, từng làm việc ở ba trong số bốn tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới (KPMG, DTT, PWC), từng làm tại Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ở Hà Nội. Hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Doanh nhân và Giám đốc PACE.

Như thế, với ông, giáo dục có ý nghĩa là...

Là một quá trình tạo dựng con người với một mục tiêu rõ rệt. Nó phải đi từ cái gốc: Chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào cho xã hội tương lai? Tôi còn nhớ một nhà triết học lừng danh Châu Âu thế kỷ 18 là Jean Jacques Rousseau từng nói: "Cây phát triển nhờ sự vun trồng, con người hình thành nhờ giáo dục".

Làm người thì phải học cả thể dục, trí dục, đức dục. Đơn cử học thể dục. Là học để biết ăn gì, uống gì, liều lượng ra sao, học để biết luyện tập thế nào, học để cải tạo giống nòi của người Việt...

Trong khi đó, cả nước đang cho con em chúng ta học thành vận động viên điền kinh. Một triệu người mới có một vận động viên điền kinh, sao bắt cả mấy triệu người phải học như vận động viên điền kinh?

Và học chỉ để lấy điểm 10 thì sao có được một cơ thể có thể khoẻ mạnh cho cả đời người sau này? Hay học họa là để nâng cao năng lực mỹ cảm của con người, chứ không phải học thành hoạ sĩ, để đưa đến kết cục là học sinh thuê... thợ vẽ tranh để đạt điểm cao.

Quay lại chuyện doanh nhân đi học, PACE luôn mong muốn mình là một phần của quá trình tạo ra một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp mới, thế hệ có thể dẫn dắt doanh nghiệp của mình đua tranh cùng thế giới.

Trong quá trình này, PACE cung cấp kiến thức theo chuẩn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm của người dẫn đường và tạo môi trường cho học viên có thể học hỏi lẫn nhau. Thế nhưng, quá trình này đòi hỏi tính tự học của mỗi người là rất cao. Để tự học, thì cần phải đọc sách.

Vậy tủ sách doanh trí của ông đến nay đã làm được những gì?

- Chúng tôi tìm kiếm những tác phẩm có hàm lượng tri thức cao nhất, mua bản quyền và tổ chức biên dịch hoặc hiệu đính để giới thiệu với mọi người những tựa sách "gối đầu giường"  của doanh nhân thế giới như "Xây dựng để trường tồn", "Từ tốt đến vĩ đại", "Bảy thói quen để thành đạt"...

PACE cũng đồng thời tổ chức biên soạn bộ sách "Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới", để lý giải câu hỏi: Làm thế nào để có thể kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất và bền vững nhất? Câu trả lời nằm ở cái "đạo" của người làm kinh doanh: Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách giải quyết một vấn đề của xã hội hoặc đáp ứng một nhu cầu nào đó của xã hội.

Tủ sách Doanh trí phải chăng là tiền thân của SachHay.com, một cổng thông tin về sách đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội?

SachHay.com là một dự án giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận do một nhóm hơn 50 trí thức, doanh nhân có cùng chí hướng lập ra. PACE là đơn vị được uỷ quyền thực hiện việc quản trị mạng mà thôi.

Tham gia vào dự án này, chúng tôi kỳ vọng góp phần xây dựng một văn hoá đọc cho mọi người, cung cấp những tập sách tốt nhất cho quá trình tự học của mỗi người. SachHay.com đi xa hơn tủ sách Doanh trí một bậc, vì đích đến của dự án này là Dân trí. Đó cũng là màng lọc đế tránh "rác" tinh thần.

Thế còn Trường Phát triển hạt giống lãnh đạo doanh nghiệp (IPL)?

Đây là dự án quan trọng nhất mà chúng tôi đang nỗ lực triển khai trong năm 2008. Chúng tôi muốn quy tụ những người trẻ ưu tú, có khát vọng và có tố chất lãnh đạo để mời họ cùng tham gia một chương trình đào tạo đặc biệt để có thể biến "nhà lãnh đạo tiềm năng" thành "nhà lãnh đạo tài năng" cho thương giới Việt Nam ngày mai. Dự án này tiêu tốn tâm lực và tài lực rất lớn nhưng lại thực hiện miễn phí và cũng không có mục tiêu lợi nhuận.

Rất mừng là sau hai năm chuẩn bị, dự án đã được sự đồng tình ủng hộ của hơn 30 doanh nhân hàng đầu VN tham gia Hội đồng sáng lập với mức đóng góp đầu tiên là hơn 10 tỉ đồng. Dự án này sẽ tuyển sinh rộng rãi trên khắp cả nước. Tất cả các bạn trẻ ưu tú, tuổi từ 21-26, ở trong nước hay đang du học ở nước ngoài, muốn tham gia chương trình, ngay bây giờ đều có thể gửi thư cho tôi.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Nhật Lệ
Lao Động

MỚI - NÓNG