Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) từ năm 2015 - 2023.
Theo đó, các khoản thu từ nhà, đất chiếm khoảng 15 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Tuy nhiên, thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm.
Thị trường bất động sản Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm, trong khi các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội vừa ít vừa chậm tiến độ. |
Cụ thể, lượng giao dịch BĐS tại Lâm Đồng giảm mạnh: Nếu như năm 2022 có hơn 61.000 lô đất nền giao dịch thì năm 2023 có gần 18.800 giao dịch BĐS thông qua công chứng. Tổng giá trị giao dịch lô đất nền của quý I/2022 đạt gần 12.000 tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 chỉ có khoảng 20.860 tỷ.
Đa số các giao dịch BĐS giai đoạn này không qua công chứng. Chẳng hạn, năm 2020 có 25.192 giao dịch đất nền thì 80% lượng giao dịch không qua công chứng, năm 2021 có 36.549 giao dịch đất nền với hơn 90% không qua công chứng.
Toàn tỉnh có 28 sàn giao dịch BĐS bảo đảm các điều kiện hoạt động; nhưng các sàn này chưa cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu về tình hình giao dịch chuyển nhượng, mua bán BĐS thông qua sàn, chưa tuân thủ chế độ báo cáo.
“Đa số cá nhân tham gia hoạt động môi giới BĐS không thông qua hợp đồng môi giới nên cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở để quản lý hoạt động môi giới của cá nhân. Một số chủ đầu tư dự án BĐS chưa tuân thủ quy định về công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định”, báo cáo của Đoàn ĐBQH nêu.
Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, nguyên nhân do chính sách pháp luật hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các sàn giao dịch BĐS, các cá nhân tham gia hoạt động môi giới BĐS; đồng thời các chế tài xử lý các vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Mặt khác, nguồn cung BĐS ở Lâm Đồng chủ yếu là đất nền đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; thiếu các nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các người thu nhập thấp tại đô thị.
Cụ thể, những năm 2015 - 2023, Lâm Đồng có 12 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 16.600 tỷ đồng trên quy mô diện tích đất là 256ha.
Thế nhưng, nhiều dự án nhà ở thương mại phải dừng hoặc giãn tiến độ, số lượng các dự án được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.
Việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội ở Lâm Đồng còn chậm, hiệu quả chưa cao. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh không có dự án nào đưa vào sử dụng. Trong năm 2024, tỉnh triển khai 3 dự án ở TP Đà Lạt, bao gồm: Khu quy hoạch 5B-CC5, dự án Nhà ở xã hội Kim Đồng và Nhà ở xã hội Sào Nam. Tuy nhiên, do khâu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng quá chậm nên tiến độ triển khai chưa đạt kế hoạch đề ra.
Đoàn ĐBQH cho rằng, thời gian tới Lâm Đồng cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất; sớm triển khai thực hiện các dự án BĐS, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội.