Giảng viên thân thiện

Giảng viên thân thiện
Giảng viên là một trong những yếu tố tạo hứng thú cho sinh viên đến giảng đường. Vậy những giảng viên thân thiện trong mắt sinh viên như thế nào?

Giảng viên thân thiện

> 22 năm dạy chữ ở làng phong
> Những thầy cô là đại gia, tỷ phú
 

Giảng viên là một trong những yếu tố tạo hứng thú cho sinh viên đến giảng đường. Vậy những giảng viên thân thiện trong mắt sinh viên như thế nào?

Giảng viên thân thiện ảnh 1
Ảnh minh họa

Rất cần và rất thích

Theo Phạm Văn Dật (năm thứ sáu, ngành Bác sĩ Phục hồi chấn thương chỉnh hình, trường ĐH Y Dược, ĐH Huế) thì: "Nếu ví các buổi học như các buổi biểu diễn thì giảng viên giống như những người MC dẫn dắt chương trình. MC tài năng, làm chủ sân khấu là người biết làm cho không khí các buổi học sôi nổi, thu hút sự theo dõi của khán giả là các sinh viên".

Vì là người dẫn dắt, giảng viên không nên tạo khoảng cách với sinh viên. Trần Văn Đạt (năm thứ tư, khoa Công nghệ sinh học, trường ĐH Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), chia sẻ: "Giảng viên thân thiện sẽ giúp sinh viên chú ý bài, mạnh dạn phát biểu và bày tỏ ý kiến. Mình thấy trong thực tế, khi gặp thầy cô nào khó tính, nặng lời với sinh viên thì tụi mình thường ức chế, không dám hỏi, đành bỏ qua các vướng mắc. Với mình, việc được trao đổi, trình bày quan điểm giữa sinh viên với giảng viên sẽ làm các buổi học thú vị và tăng hiệu quả tiếp thu bài tốt".

Kinh nghiệm thực tế là một trong những yếu tố mà đa phần sinh viên hiện nay đều mong muốn được tiếp thu từ giảng viên.

Bùi Mỹ Điệp (năm thứ ba, khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Mở TPHCM) nêu ý kiến: "Những cô thầy hay lấy các ví dụ hài xen vào bài học, tạo tiếng cười trên giảng đường thì sinh viên thoải mái hơn. Mình thích những giảng viên cho sinh viên nghiên cứu thực tiễn, có những buổi thực hành ở ngoài xã hội.

Ngoài ra, bên cạnh việc giảng dạy theo đề cương, giảng viên cũng nên chia sẻ thêm những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm hòa nhập với môi trường công sở. Sinh viên rất thích và rất cần những điều ấy".

Những môn học "ru ngủ"

Những môn học đại cương hay những môn nặng về lý thuyết vẫn được sinh viên "ưu ái" xếp vào nhóm "giờ học ru ngủ". Phương pháp dạy để làm sinh viên "tỉnh ngủ" là điều giảng viên nên lưu ý.

Trần Văn Đạt chia sẻ: "Những môn nặng về lý thuyết, sinh viên hay học theo tâm lý nhồi nhét để thi qua môn. Nếu trước khi bắt đầu bài học, giảng viên đặt câu hỏi hoặc đưa ra một tình huống bất ngờ liên quan đến bài giảng, không khí sẽ sôi nổi ngay. Cách này vừa giúp sinh viên nhớ lâu, bài lại dễ "đi vào đầu".

Trong năm thứ nhất, một số môn học đại cương được sinh viên xếp vào top "kể chuyện và hát ru cho bé".

Với những môn này, Võ Lê Tuấn nêu ý kiến: "Để tạo hứng thú thì giảng viên nên áp dụng phương pháp cộng điểm thưởng cho các ý kiến xây dựng bài của sinh viên. Điểm số nên phân minh, bởi vì nếu dễ dãi cộng điểm thì sẽ tạo cho sinh viên thói ỷ lại, còn nếu tạo áp lực chạy theo điểm số thì lại gây ra "nỗi kinh hoàng" nhiều hơn là ý thức học tập".

Những môn học vốn đã "khó nhằn" nhưng một số giảng viên lại được sinh viên gán mác là "bác sĩ gây mê" càng khiến sinh viên học gượng ép.

Mỹ Điệp chia sẻ: "Có những môn vốn đã khó hiểu, mình nghĩ nên giảm thời lượng học trên lớp. Bù lại, giảng viên có thể cho sinh viên các slide bài giảng, chia sẻ trên các trang cá nhân, để sinh viên tự nghiên cứu, nếu không hiểu thì gửi e-mail hỏi thầy cô giải đáp. Sinh viên nào cũng yêu quý và thần tượng các thầy cô thân thiện vì các bạn sẽ học được ở họ rất nhiều.

Bên cạnh đó, giảng viên cũng nên "nới lỏng", tạo không khí thoải mái cho sinh viên. Nếu thầy cô nghiêm khắc quá thì tụi mình bị áp lực. Chẳng hạn như trang phục, không nên nhất nhất bắt sinh viên phải "đóng thùng" mà có thể cho các bạn ăn mặc theo cá tính, miễn là không gây phản cảm".

Hiện nay, nhiều giảng viên tham gia các trang mạng xã hội, các diễn đàn để thu hẹp khoảng cách với sinh viên.

Võ Lê Tuấn (năm thứ tư, ngành Kiến trúc Công trình, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) mong muốn giảng viên là những người bạn của sinh viên.

Bạn chia sẻ: "Mình không quan trọng vấn đề tuổi tác của giảng viên. Thầy cô dù già hay trẻ đều có những ưu thế riêng. Giảng viên lớn tuổi thì nhiều kinh nghiệm, giảng viên trẻ thì hiểu tâm lý tụi mình hơn. Nhưng quan trọng là thầy cô luôn biết lắng nghe ý kiến của sinh viên hoặc khi gặp vấn đề gì khó khăn, có thể an tâm gọi điện, gửi e-mail chia sẻ, tâm sự với thầy cô.

Ngoài các giờ học trên lớp, việc được trò chuyện thoải mái, "chém gió" với thầy cô trên Facebook, Yahoo sẽ xóa bỏ khoảng cách giữa thầy trò, tuy nhiên, cũng nên chừng mực để không phá hỏng lễ nghĩa thầy trò".

Theo Giang Trần
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.