Giảng viên chê làm tiến sĩ trong nước
Chính phủ có kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ (10.000 người đào tạo trong nước). Nhưng hiện nay, phần đông giảng viên không mặn mà làm nghiên cứu sinh (NCS) trong nước.
Chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước vẫn còn bất cập khiến nhiều giảng viên ngại làm nghiên cứu sinh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Trầy trật tuyển nghiên cứu sinh
Những năm gần đây, nhiều trường ĐH tại TP.HCM được phép đào tạo tiến sĩ luôn trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: từ năm 2008 đến năm 2010, mỗi năm trường chỉ có 10 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ nhưng không năm nào tuyển đủ, trung bình chỉ đạt 50-60%/năm. Đến năm 2011, trường xét tuyển chứ không thi tuyển như trước nên mới đủ chỉ tiêu.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không nằm ngoài thực trạng. Năm 2008 Trường ĐH Bách khoa có 20 chỉ tiêu nhưng đăng ký dự tuyển là 16 và chỉ có 7 trúng tuyển, năm 2010 tuyển được 22/30 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên liên tiếp mấy năm gần đây số NCS tuyển được khoảng 1/3 - 1/2 so với chỉ tiêu. Trường ĐH Kinh tế - Luật năm 2008 tuyển được 6/10 chỉ tiêu, năm 2009 được 8/12, năm 2010 được 6/12…
Chất lượng yếu kém
Số lượng đã vậy, chất lượng NCS trong nước cũng đáng báo động.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nhận định: “Số trường đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần nhiều chương trình đào tạo ở các trường chưa đi vào thực chất, còn cả nể… Tôi từng ngồi rất nhiều hội đồng, thực chất có nhiều NCS theo tôi là không đạt nhưng hội đồng vẫn cho qua theo kiểu xí xóa. Có thể thấy rằng, những người giỏi, người học vì kiến thức thường không làm NCS trong nước”.
Trước thực tế này, ông Tống cho rằng: “Đào tạo tiến sĩ trong nước hiện còn nửa vời, chưa đúng mức và chủ yếu chạy theo bằng cấp, danh hiệu là chính. Đề tài nghiên cứu khoa học cũng chưa sát thực tiễn”.
Ông đề nghị: “Cần bắt buộc các NCS phải có những bài báo quốc tế, không thể để chuyện có cũng được không có cũng chẳng sao như hiện nay. Cũng cần tiến đến chuyện làm nghiên cứu trong nước nhưng để giáo sư nước ngoài chấm nhằm tạo tính khách quan, từ đó mới nâng được chất lượng đào tạo”.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, không phải ai lấy bằng tiến sĩ nước ngoài cũng giỏi hơn người trong nước. Nhưng trên bình diện chung, đa phần NCS ở nước ngoài có chuyên môn cao hơn.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở các nước tiên tiến thường gắn chặt với các đề án, hướng nghiên cứu lớn, với những tập thể các nhà khoa học. Do vậy họ có nhiều đề tài cụ thể thiết thực, có ý nghĩa khoa học - kỹ thuật. Cũng vì vậy mà họ có nhiều kinh phí từ đề án”.
Một vấn đề khác là môi trường nghiên cứu. Thực chất ở nước ta chưa có môi trường nghiên cứu đúng nghĩa để NCS làm việc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường, viện không thu hút được người làm NCS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nêu thực trạng: “Hiện nay chúng ta đào tạo tiến sĩ theo kiểu vừa học vừa làm nên chất lượng không cao. Chẳng hạn như khối ngành kỹ thuật không có cơ sở vật chất để NCS học tập”.
Nỗi lo cơm áo gạo tiền
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa tâm sự: “Làm tiến sĩ rất vất vả. Người học phải đảm bảo nguồn lực về nhiều mặt. Trong đó phải đầu tư công sức, thời gian, thú vui cuộc sống, kể cả kinh phí. Không phải ai thi đậu đầu vào cũng có thể đảm bảo lấy được bằng tiến sĩ”.
Những người đã qua giai đoạn làm NCS cũng thừa nhận có được tấm bằng tiến sĩ là phải hy sinh, đánh đổi nhiều thứ. Phải để lại công việc ổn định đang có, phải chấp nhận mất thu nhập trong nhiều năm để tập trung nghiên cứu.
Thạc sĩ Trần Thị Nguyệt Sương, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Qua thực tế tìm hiểu, tôi nhận thấy NCS ở nước ngoài toàn tâm toàn ý trong quá trình học tập nghiên cứu. Trong khi đó, ở Việt Nam, NCS vừa phải làm tròn công việc cơ quan vừa phải nghiên cứu”. Vì thế PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng tiến sĩ của nước ta đang đào tạo theo kiểu… tại chức.
Thực tế này cho thấy định mức tiến sĩ theo đề án của Chính phủ không dễ thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ không tránh khỏi tình trạng các trường thúc ép giảng viên làm tiến sĩ cho đủ số lượng, bất kể chất lượng thế nào.
Đứng trước thực trạng này, GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) ngậm ngùi: “Đào tạo tiến sĩ ở nước ta đang rơi vào tình trạng nát bét. Cần có một hội đồng quốc gia soạn thảo chiến lược cho việc đào tạo, đánh giá. Nếu không, tiến sĩ dỏm sẽ ngày một đông”.
Theo Minh Luân - Đăng Nguyên
Thanh Niên