Giảm số ca nhiễm COVID-19 tiên lượng nguy kịch, có thể ghi nhận thêm người mắc mới

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Báo cáo của Bộ Y tế sáng 18/9 cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 1 trường hợp phải thở oxy hỗ trợ, 1 trường hợp nặng thở máy xâm nhập, giảm được 1 ca mắc COVID-19 rất nặng 'thoát' nguy kịch.

Theo đó, tính đến 9h ngày 18/9: Việt Nam có tổng cộng 375 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

 Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  14 ca.

- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 19 ca.

Số người cách ly: 31.319 người.

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 423 người.

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.860 người.

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:  15.036 người.

Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 375 ca.

Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay:  551 ca.

Trong vòng 24 giờ qua, nhiều nước trên thế giới ghi nhận số ca bệnh mới và ca tử vong tăng cao. Ấn Độ vẫn là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong 24h qua cao nhất thế giới với 96.793 ca mắc mới và 1.174 ca tử vong. Đứng thứ hai là Mỹ với 45,838 ca mắc mới và 861 ca tử vong. Thứ ba là Brazil với 35.757 ca mắc mới và 857 ca tử vong.

- Tại Việt Nam, trong 1 ngày qua không có ca mắc mới, đã 16 ngày trôi qua, Việt Nam không có ca mắc mới tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 940 bệnh nhân COVID-19/1.066 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 19 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 1 trường hợp phải thở oxy hỗ trợ, và 1 trường hợp nặng thở máy xâm nhập.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Hà Nội: Bệnh viện phải tạm dừng hoạt động nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch

Để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào thành phố, nhất là khi mở rộng cho chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày và mở lại các đường bay thương mại với một số nước, UBND TP. Hà Nội vừa có Văn bản số 4522/UBND-KGVX về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.

Theo đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, không lơ là, chủ quan, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch, đồng thời phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, thực hiện mục tiêu phát triển KTXH.

Hạn chế việc tổ chức mít tinh, lễ hội, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, KTXH thực sự cần thiết phải tổ chức, do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: khử khuẩn kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh, giữ khoảng cách an toàn. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch; tăng cường tổ chức cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến: nếu tổ chức hội họp tập trung, cần đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và TP... Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn duy trì triển khai có hiệu quả tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID- 19 tại cộng đồng” kết hợp với hoạt động “Xung kích diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng”.

Sở Y tế chỉ đạo phát hiện, giám sát phát hiện sớm ca mắc, khi xuất hiện ca mắc phải thần tốc bao vây, khoanh vùng, xử lý dịch triệt để, tổ chức truy vết, xác định nhanh nhất những trường hợp F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định.

Tiếp tục chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP; các bệnh viện tổ chức tốt thực hiện phương án phân luồng, phân tuyến điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý khu vực bệnh nhân nặng, người cao tuổi, người có bệnh lý nền; tạm dừng hoạt động bệnh viện nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Giao Giám đốc Sở Y tế phê duyệt danh sách người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chỉ đạo CDC Hà Nội tổ chức phân luồng, bàn giao các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài về cách ly tại các tỉnh/TP khác khi có yêu cầu, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

MỚI - NÓNG